Giải quyết những hiện tượng tiêu cực kéo dài trong giáo dục

Thời gian qua, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức xử lý một số tiêu cực kéo dài, gây bức xúc xã hội như: dạy thêm học thêm tràn lan, bạo lực học đường, bệnh thành tích trong giáo dục, lạm thu ở các cơ sở giáo dục…

Ảnh minh họa/internet

Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT của Bộ GDĐT, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức xử lý một số tiêu cực kéo dài, gây bức xúc xã hội của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua như:

Loại bỏ các tiêu chuẩn, tiêu chí có chứa đựng bệnh thành tích; có chế tài xử lý nghiêm những vi phạm về “bệnh thành tích” trong giáo dục; việc khen thưởng đúng đối tượng, đúng người, đúng việc, thành tích tới đâu khen thưởng tới đó để tạo được hiệu ứng tốt; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; tình trạng lạm thu trong các trường phổ thông; tình trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh, giáo viên trong các nhà trường.

Có thể nói đến: Công văn số 6122/BGDĐT-TĐKT ngày 28/12/2017 về khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm, học thêm; Công văn số 2794/BGDĐT-KHTC ngày 30/6/2017 về việc báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018;

Công văn số 5031/BGDĐT-KHTC ngày 27/10/2017 về việc kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục; Công văn số 1013/TTr-NV2 ngày 06/11/2017 về việc tiếp tục triển khai công tác thanh tra dạy thêm học thêm và thu chi đầu năm học; Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo...

Để chấm dứt hiện tượng bạo lực học đường, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, các quy định tăng cường quản lý, giáo dục toàn diện học sinh sinh viên, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường (Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường) .

Bộ GDĐT cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và giảm thiểu các vụ việc học sinh đánh nhau trong các nhà trường.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong các trường học và sẽ ban hành Thông tư quy định quy tắc ứng xử trong toàn ngành Giáo dục.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm nền nếp, kỷ cương, dân chủ trường học; phát huy trách nhiệm thủ trưởng cơ sở giáo dục, vai trò nêu gương của cán bộ - nhà giáo trong Chỉ thị năm học và các hướng dẫn nhiệm vụ năm học của các đơn vị thuộc Bộ.

Lập Phương

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giai-quyet-nhung-hien-tuong-tieu-cuc-keo-dai-trong-giao-duc-3956054-v.html