Giải quyết ''lợi ích riêng'' trong bức tranh chung

Việc chưa giải quyết được bài toán lợi ích giữa các địa phương trong toàn vùng khiến cho tính kết nối vùng của vùng Đông Nam bộ (ĐNB) vẫn còn lỏng lẻo.

Lễ triển khai thi công 2 gói thầu dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Quỳnh Nhi

Lễ triển khai thi công 2 gói thầu dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Quỳnh Nhi

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém của hệ thống hạ tầng kết nối vùng ĐNB.

* Tính liên kết vùng vẫn chưa rõ nét

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, những năm qua, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách trung ương còn khó khăn, các địa phương trong vùng ĐNB đã chủ động tìm nguồn đầu tư hệ thống giao thông nội tỉnh và liên vùng. Tỉnh Bình Dương đã kêu gọi nhiều nguồn vốn trong và ngoài tỉnh vào đầu tư, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) trong giao thông và đạt được thành công ngoài mong đợi. Tại Đồng Nai, chính quyền đã chủ động khắc phục khó khăn về nguồn vốn, tích cực tìm nguồn đầu tư nên những năm gần đây, bức tranh giao thông đường bộ của Đồng Nai có nhiều khởi sắc ấn tượng.

Đã có những công trình tạo sự liên kết phát triển, phát huy hiệu quả tiềm năng trong vùng. Các trục giao thông dọc theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây, bên cạnh các tuyến đường huyết mạch quốc gia đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng như các quốc lộ 1, 51, 20... Các công trình trọng điểm, biểu tượng như cầu Đồng Nai, cầu Hóa An, hầm chui Tam Hiệp, đường Võ Nguyên Giáp, nút giao Vũng Tàu…

Ở bình diện chung, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, nhận thức về lợi ích nối kết hạ tầng giao thông chưa rõ, vẫn còn xoay quanh trong ranh giới địa phương. Chưa hình thành, cập nhật và chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng. Chưa thành lập được Quỹ Đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng, do chưa có cơ chế phù hợp và sự đồng thuận. Chưa giải quyết bài toán lợi ích giữa các địa phương trong toàn vùng, lợi ích của từng tỉnh, thành khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch, đứng trên góc độ liên vùng.

TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, nhìn tổng thể, tính liên kết vùng tại ĐNB vẫn chưa rõ nét. Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, khu vực phía Nam thiếu sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Cơ chế chỉ huy hiện nay chưa rõ ràng, các chương trình hành động của các tỉnh khu vực ĐNB không kết nối được với nhau, tính kết nối tương đối yếu. “Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát hiện ra tính kết nối vùng tương đối lỏng lẻo vì thế trong vòng 1 năm trở lại đây, Thủ tướng đã 3 lần đi vào ĐNB” - ông Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Cần thể chế thúc đẩy sự liên kết vùng

Để khắc phục sự “mờ nhạt” trong liên kết vùng, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho hay, quan trọng nhất là tạo ra một thể chế vùng để thúc đẩy sự liên kết nội vùng phát triển. Muốn như vậy, phải có những quy định cụ thể cho Hội đồng Vùng phát triển, đi liền với đó là “trao” những quyền hạn nhất định cho Hội đồng Vùng và các thành viên trong vùng. “Các thành viên trong vùng phải cảm thấy có được quyền lợi khi tham gia vào Hội đồng Vùng. Cụ thể, khi nguồn thu ngân sách của cả vùng tăng lên thì phải được để lại cho vùng để đầu tư. Thể chế này sẽ giúp tháo gỡ các ách tắc hiện nay” - PGS-TS Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Thực tế, khi có thêm nguồn lực từ Hội đồng Vùng, các địa phương sẽ hỗ trợ lẫn nhau góp phần tăng tốc phát triển, tăng nguồn thu và như vậy sẽ có điều kiện đầu tư vào kết nối hạ tầng và nâng cao tốc độ tăng trưởng và phát huy được thế mạnh của từng địa phương. Đơn cử, TP.HCM có thế mạnh của một trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghệ cao sẽ kết nối được với những trung tâm sản xuất là Đồng Nai, Bình Dương là những địa phương có rất nhiều KCN. Kết nối được với Bà Rịa - Vũng Tàu một trung tâm du lịch, dầu khí của cả nước. Kết nối mua bán biên mậu với 2 tỉnh Bình Phước, Tây Ninh.

Thừa nhận việc xây dựng thể chế hoạt động cho Hội đồng Vùng sẽ gặp những vướng mắc so với các quy định của pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, tuy nhiên
PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, vướng ở điểm nào thì phải gỡ ở điểm đó.

Trong khi đó, với tư cách là người làm công tác nghiên cứu, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, về cơ chế chính sách hiện nay là tạm ổn. Do đó, để thúc đẩy tính kết nối vùng hiện nay chính là việc tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch về hạ tầng đã có.

Quỳnh Nhi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202011/giai-quyet-loi-ich-rieng-trong-buc-tranh-chung-3031952/