Giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp bộ máy
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ; quan tâm giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp theo quy định.
Phấn đấu tăng trưởng 12%; toàn tỉnh không còn hộ nghèo
Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 23 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 của HĐND tỉnh khóa XIV, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh các nội dung về sắp xếp tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế, xã hội,....
Đồng chí Vũ Đại Thắng cho biết: Ngày 2/12/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Nghị quyết xác định 19 chỉ tiêu chủ yếu về xây dựng đảng, kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 12%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt chỉ tiêu Trung ương giao.
Toàn tỉnh không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh; có 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ít nhất 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phục hồi tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42%...
Kỳ họp thứ 23 - Kỳ họp thường lệ cuối năm với rất nhiều nội dung quan trọng là bước cụ thể hóa rất kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và khát vọng phát triển của địa phương. Bí thư Quảng Ninh đề nghị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận thẳng thắn, tích cực, thiết thực đối với các nội dung trình Kỳ họp để thống nhất quyết nghị thông qua.
Trên cơ sở đó, ngay sau kỳ họp này, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải khẩn trương cụ thể hóa, đưa nghị quyết vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Trong đó cần lưu ý một số nội dung sau đây:
Tập trung thu hút FDI thế hệ mới; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; quyết liệt khắc phục các điểm nghẽn đầu tư công
Một là, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, quyết tâm hoàn thành mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm.
Cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, tính bền vững của nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định.
Khẩn trương hoàn thiện và triển khai có hiệu quả Đề án khôi phục, tái thiết nền kinh tế sau cơn bão số 3.
Đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; tích cực đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp đi vào hoạt động, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng, nhất là Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng; chú trọng triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Phát triển ổn định, bền vững ngành than và điện; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo, năng lượng mới…
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển bền vững; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ, phát triển các sân golf theo quy hoạch; phấn đấu năm 2025 thu hút được 20 triệu lượt khách, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn…
Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nhanh chóng phục hồi sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp sau bão số 3; khẩn trương giao khu vực nuôi biển theo quy hoạch bảo đảm công khai, minh bạch; tập trung trồng rừng gỗ lớn, phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với du lịch sinh thái.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách; nuôi dưỡng nguồn thu, mở rộng cơ sở thu và các nguồn thu mới từ thuế, phí.
Quyết liệt sớm khắc phục các điểm nghẽn, hạn chế trong đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm; hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định. Phấn đấu năm 2025 giải ngân 100% kế hoạch vốn.
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án xây dựng cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Đồn
Hai là, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, y tế, giáo dục, văn hóa…
Đẩy nhanh triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI: thông tuyến Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, nút giao Đầm Nhà Mạc, Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279, đường tỉnh 342…
Triển khai có hiệu quả Đề án Cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án nâng cấp đô thị thị xã Quảng Yên.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, kinh tế tư nhân; phấn đấu tạo ra ít nhất 30.000 việc làm tăng thêm trong năm 2025.
Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý, điều hành; phát triển kinh tế số, xã hội số.
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án xây dựng cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Đồn và một số lĩnh vực trọng điểm của tỉnh báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.
Tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân dân.
Tiếp tục rà soát, xóa bỏ 100% nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh cho các đối tượng là người nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội.
Quan tâm chăm lo phát triển giáo dục đào tạo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, củng cố và phát triển hệ thống y tế chuyên sâu, y tế cơ sở, y tế dự phòng; bảo đảm nhu cầu thiết yếu về nước sạch sinh hoạt theo quy chuẩn đối với mọi người dân…
Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai; kiểm soát chặt chẽ, an toàn bãi thải mỏ; khắc phục tình trạng sạt lở, ngập lụt trong các đô thị.
Triển khai các giải pháp bảo đảm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu thu gom, xử lý nước thải, rác thải đề ra tại Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền
Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, tài nguyên và môi trường; triển khai có hiệu quả, đồng thời rà soát, cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với tình hình mới; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền.
Chú trọng làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm nguồn vật liệu san lấp, kiểm soát giá nguyên vật liệu …
Tập trung rà soát, phân loại, có giải pháp căn cơ xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án có sử dụng đất còn tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm chống lãng phí, thất thoát.
Thứ năm, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; chủ động nắm, dự báo tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời xử lý tốt các vấn đề nảy sinh, vụ việc phức tạp trên địa bàn ở cấp độ địa phương; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại đội đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo chủ trương của Trung ương.
Quan tâm giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp theo quy định.
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, công tác phối hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với động viên, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; kiên quyết khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân; kiên quyết không để hình thành “điểm nóng”.