Giải quyết khó khăn trong quản lý dữ liệu phòng chống thiên tai

Tổng cục Phòng chống thiên tai đang gặp phải một số khó khăn, thách thức trong quá trình ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống thiên tai, trước hết là việc quản lý dữ liệu phân tán, trùng lắp, chưa đồng bộ.

Ở nước ta, thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo. Năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập, mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường ở mức lịch sử trên khắp các vùng miền với 16/22 loại hình thiên tai, làm 357 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế trên 40.000 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2020 có 14 cơn bão trên biển Đông và 1 áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất. Chính vì vậy, việc áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào công tác dự báo, cảnh báo là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế tối đa sự thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo tổng kết mới đây trên phongchongthientai.mard.gov.vn, 4 năm qua, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ như ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone, flycam...) trong hoạt động giám sát, thu thập dữ liệu trước, sau khi thiên tai; thành lập bản đồ 3D trực quan, chi tiết khu vực bị ảnh hưởng hoặc các khu vực có rủi ro cao sạt lở đất, lũ quét.

Tổng cục đang nghiên cứu, từng bước phát triển hệ thống mô phỏng thiên tai, hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền thông tin về phòng chống thiên tai; hướng tới hỗ trợ mô phỏng trực quan tình huống thiên tai thực tế; ứng dụng công nghệ xây dựng bản đồ trực tuyến trong quản lý thông tin trên môi trường Internet…

Hiện nay đang từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên biệt: CSDL viễn thám, CSDL dân sinh kinh tế phục vụ phòng chống thiên tai, CSDL thiệt hại, CSDL vận hành liên hồ chứa 11 lưu vực sông, CSDL khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai...

Tổng cục phát triển Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam (VNDMS) nhằm quản lý, hiển thị thông tin tập trung, kịp thời, trực quan phục vụ phòng chống thiên tai. Hiện hệ thống đã tích hợp gần gần 1.900 trạm đo mưa và hơn 400 trạm quan trắc gió tự động; 133 camera giám sát hồ chứa và đê điều; 67 khu neo đậu tàu thuyền và hệ thống giám sát 26.556 tàu cá.

Các thông tin được cung cấp theo thời gian thực và gần thời gian thực hỗ trợ hiệu quả cho việc ra quyết định chỉ đạo, điều hành.

Tổng cục Phòng chống thiên tai phát triển Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam VNDMS (nguồn ảnh: phongchongthientai.mard.gov.vn).

Đơn vị này cũng tập trung triển khai cập nhật CSDL sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng bản đồ WebGis sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với khoảng 500 điểm sạt lở và công trình phòng chống sạt lở. Đây là công cụ hữu hiệu trong việc hỗ trợ ra quyết định đối với công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các cấp.

Với thực trạng hạ tầng CNTT và phần mềm, dữ liệu hiện nay, Tổng cục đang gặp phải một số khó khăn, thách thức trong quá trình ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống thiên tai. Trước hết là việc quản lý dữ liệu phân tán, trùng lắp, chưa đồng bộ; hay sự chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, thông tin dữ liệu còn có sự khác nhau về định dạng, thể loại, khả năng chia sẻ, kết nối; một số loại sản phẩm (bản đồ,..) chưa có quy định chung về định dạng nên khó tích hợp vào hệ thống quản lý chung.

Nhằm giải quyết các vấn đề trên, Tổng cục đặt mục tiêu từng bước nâng cao năng lực quản lý thông tin, dữ liệu theo hướng tập trung, tránh sự chồng chéo; tham mưu, xây dựng quy chế thu thập và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức nhằm phục vụ mục đích chung.

Tổng cục cũng từng bước xây dựng hệ thống quản lý thông tin, chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai thống nhất từ Trung ương đến địa phương; phát triển CSDL, hệ thống giám sát thiên tai liên thông; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trong việc ứng dụng công nghệ mới, phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

Sắp tới, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cảnh báo, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai. Các thành viên đặc biệt quan tâm đến những hoạt động trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Anh Hào

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/gia-i-quye-t-kho-khan-trong-qua-n-ly-du-lie-u-pho-ng-cho-ng-thien-tai-400560.html