Giải quyết dứt điểm xét tuyển giáo viên hợp đồng trong năm học mới

Hơn 5.000 tỷ đồng là con số mà Hà Nội đã đầu tư cho cơ sở vật chất trường lớp trước khi bước vào năm học mới 2019-2020. Những năm gần đây, TP đang tiếp tục thực hiện các giải pháp giãn sĩ số lớp học. Năm học tới này, ngoài vấn đề sĩ số, việc giải quyết dứt điểm xét tuyển giáo viên hợp đồng nhiều năm sẽ được thực hiện.

Tiếp tục “giãn” sĩ số lớp học

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao về mức đầu tư cùng sự quan tâm của toàn TP dành cho giáo dục. Theo đó, quy mô mạng lưới trường, lớp của giáo dục Thủ đô tiếp tục được mở rộng và không ngừng phát triển, với 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, 58.422 nhóm lớp, 1.983.435 học sinh. Chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020, TP đã đầu tư xây dựng 70 trường học mới và sửa chữa 387 trường với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng.

Mở thêm trường mới, cải tạo tăng thêm số phòng học là một trong những giải pháp để ngành giáo dục Thủ đô giãn sĩ số lớp học, nhất là trong tình trạng ở một số nơi, dân số cơ học tăng nhanh, địa bàn các quận nội đô lại khó khăn bố trí quỹ đất xây trường.

Theo ông Phạm Văn Đại - Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2019-2020 tuy số học sinh vào lớp 6 chỉ tăng 2.000, học sinh vào lớp 10 giảm 4.000 so với năm trước nhưng tổng thể vẫn tăng trên 25.000 học sinh. Có nghĩa tình trạng quá tải vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Đặc biệt, số lượng học sinh vào lớp 1 năm học 2019-2020 vẫn tăng khoảng 30.000 so với số lượng học sinh lớp 5 vừa chuyển cấp (rời khỏi trường tiểu học).

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các vấn đề chính sách của TP về giáo dục được triển khai hiệu quả, góp phần giải quyết trực tiếp các bức xúc như đầu tư xây mới, sửa chữa gần 80% nhà vệ sinh, triển khai chương trình sữa học đường với tỷ lệ 90% học sinh tham gia...

Sở GD&ĐT cần sớm tham mưu cho TP thành lập hội đồng giáo dục với các nhà khoa học trong ngoài nước để đề xuất UBND TP, HĐND TP những việc cần làm để đạt mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới ngay khi triển khai vào năm học 2020-2021. Đây là mục tiêu ngành giáo dục cần đặt lên hàng đầu trong năm học này.

Nhiệm vụ tiếp theo với ngành giáo dục Thủ đô là xây dựng hệ thống giáo dục cân bằng, giảm tình trạng trái tuyến. TP khuyến khích lãnh đạo Sở và trường chất lượng cao mạnh dạn đề xuất cơ chế tự chủ.

TP mong muốn thầy trò Thủ đô nhìn thẳng vào tồn tại như bạo lực học đường hay các vấn đề an toàn thực phẩm, những vấn đề các địa phương khác vấp phải để rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời nhằm đưa môi trường giáo dục Thủ đô lên một bước mới.

Năm học mới, ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục giãn sĩ số lớp học và phát triển đội ngũ nhà giáo. Ảnh: T.F

Năm học mới, ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục giãn sĩ số lớp học và phát triển đội ngũ nhà giáo. Ảnh: T.F

Giải quyết dứt điểm xét tuyển đối với giáo viên lâu năm

Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội tại Hội nghị triển khai năm học mới 2019-2020 cho thấy: Trong năm học vừa qua, Sở đã thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Sở đã triển khai rà soát quy hoạch giai đoạn 2015-2020 và xây dựng nguồn quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2021-2026 đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng.

Giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề còn khiến người dân bức xúc cần giải quyết dứt điểm tồn tại, như việc xét tuyển giáo viên hợp đồng nhiều năm. Qua rà soát có khoảng 2.000 giáo viên hợp đồng lâu năm cần giải quyết vào biên chế.

Cũng liên quan đến vấn đề xét tuyển giáo viên tại Hà Nội, mới đây, Bộ Nội vụ đã phối hợp, trao đổi với Hà Nội về vấn đề tuyển dụng viên chức giáo viên. Theo đó, Bộ Nội vụ đã đề nghị tổ chức rà soát thống kê số lượng nhà giáo hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét, quyết định việc tuyển dụng (qua thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc tuyển dụng đặc biệt) đối với viên chức ngành giáo dục năm 2019 phù hợp, đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật.

Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh và tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng đội ngũ. Do đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ và lãnh đạo các quận huyện năm nay phải giải quyết dứt điểm tồn tại về xét tuyển các giáo viên hợp đồng nhiều năm.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giai-quyet-dut-diem-xet-tuyen-giao-vien-hop-dong-trong-nam-hoc-moi-158918.html