Giải quyết dứt điểm tình trạng ngập do triều cường

Nhiều nguyên nhân gây ngập, nhiều giải pháp chống ngập lại tiếp tục được nêu ra tại hội thảo 'Thực trạng và các giải pháp giảm ngập nước trong 5 năm qua và chỉ tiêu định hướng cho 5 năm tới tại TP Hồ Chí Minh' do Viện nghiên cứu phát triển thành phố tổ chức mới đây, nhằm tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước do mưa, triều cường tại trung tâm thành phố.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh Đỗ Tấn Long cho biết: Tình trạng thành phố do triều cường, mưa lớn bị ngập là bởi hệ thống thoát nước hiện chỉ đáp ứng quy mô hai triệu dân, nay số dân tăng gấp năm lần và khối lượng cống thoát nước chỉ đạt gần 70% so với yêu cầu. Hệ thống cống đã xuống cấp, biến dạng và không đồng bộ khi đấu nối ở cửa xả; lòng rạch bị bồi lắng và trữ nước rất kém. Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn (Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) giải thích thêm nguyên nhân khiến thành phố ngập như hiện nay là việc lấp kênh, lấp rạch tràn lan và do hành vi vứt rác xuống kênh làm tắc dòng chảy. Năm 2000, thành phố có chủ trương lấp kênh Hàng Bàng thay bằng cống hộp. 15 năm sau, thành phố phải chi hai nghìn tỷ đồng đào lên trả lại kênh hở tự nhiên. Do vậy, muốn hết ngập một cách căn cơ, cần chấn chỉnh ngay và hạn chế lấp kênh, rạch. Kế đến, phải xử lý nghiêm hành vi vứt rác xuống kênh để bảo đảm cho dòng chảy được thông suốt. Ngoài ra, thành phố cần hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước đấu nối từ hẻm nhỏ ra hẻm lớn và thông ra các tuyến đường; đẩy mạnh xây dựng các cống ngăn triều để hình thành một hệ thống hoàn chỉnh.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiệp, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh nêu giải pháp nạo vét bề mặt tất cả các kênh, rạch và cụ thể hóa hình thức thưởng, phạt, khuyến khích người dân giám sát việc xả rác. Bên cạnh đó, thành phố cần nghiên cứu đập làm giảm năng lượng dòng triều để tránh rủi ro cho lưu vực bên trong đập khi xảy ra thiên tai. Đầu tư bờ kè dọc bờ tả và hữu sông Sài Gòn, kết hợp ưu tiên giao thông và cảnh quan. Kiểm soát triều, lũ trên sông Chợ Đệm ở hạ nguồn, trên sông Vàm Cỏ Đông ở thượng nguồn. Nghiên cứu lập trạm bơm công suất lớn phù hợp từng tiểu vùng khi kết hợp với cống/đập ngăn triều cho kênh rạch thành hồ điều tiết tự nhiên. Do thiếu đất để xây dựng hồ điều tiết nhân tạo, cho nên cần mở rộng tiết diện cống thoát nước thêm 30 đến 40% nhằm tăng thể tích trữ trên mạng lưới. Đồng thời cần hạ thấp cốt nền của thảm xanh thực vật nhân tạo (công viên cây xanh, hành lang cây xanh theo trục giao thông) thấp hơn mặt đường khoảng 10 đến 20 cm, nhằm tạo hồ trữ nước lớp mỏng, giúp trữ nước ngắn hạn, giảm sự tập trung nước mưa, giảm áp lực cho mạng lưới cống ngầm thoát nước. Theo ông Thiệp, thành phố cần đặt mục tiêu trong 10 năm mềm hóa từ 3 đến 5 triệu m2 (khoảng 300 đến 500 ha) các vỉa hè, các mặt bằng nơi công cộng bằng các loại vật liệu thấm nước nhanh, nhiều.

Tiến sĩ Đặng Vũ Trọng, chuyên gia đến từ Ca-na-đa, đề xuất giải pháp dùng hóa chất để giải quyết ngập. Các nghiên cứu cho thấy khi bỏ tạp chất polymer (tên viết tắt đầy đủ DRP) vào trong nước sẽ tăng công suất dòng chảy lên đến 30 đến 40%. Công nghệ này đã áp dụng thành công tại Anh, Mỹ và cả Ca-na-đa. Kết quả cho thấy, nước được đẩy nhanh ra khỏi hệ thống cống, hạn chế tắc nghẽn và mực nước mặt đường hạ xuống rõ rệt. Chất này không ảnh hưởng sức khỏe và hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, giải pháp này tương đối rẻ hơn so với các giải pháp dùng bơm. Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm, thay vì thực hiện các công trình mới, dự án mới thì thành phố nên ưu tiên hoàn thành dự án chống ngập 10 nghìn tỷ đồng. Bởi đây là dự án có thể giải quyết căn cơ bài toán chống ngập do triều cường, biến đổi khí hậu cũng như do mưa lớn.

Tại một cuộc họp mới đây, Trưởng Ban Đô thị, HĐND thành phố Hồ Chí Minh Trương Trung Kiên cho biết: Dự kiến đến năm 2020, 48 dự án chống ngập sẽ hoàn thành và 16 dự án khác tiếp tục được thực hiện, hoàn thành sau năm 2020. Tuy nhiên, các dự án này đều chậm tiến độ. Mục tiêu giải quyết các tuyến ngập do mưa, giải quyết ngập do triều, xây dựng cải tạo các nhà máy xử lý nước thải và các hạng mục dự án chống ngập do triều, khó có thể hoàn thành giai đoạn 2016-2020 theo kế hoạch. Nhiều dự án đang thực hiện gặp vướng mắc về vốn, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho nên hiệu quả bị hạn chế. Một vài dự án thoát nước, giảm ngập đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả hạn chế, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập khiến người dân bức xúc.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, chống ngập là bài toán rất nan giải. Hiện nay, thành phố đối diện với những cơn mưa lớn, kéo dài đồng thời triều cường không ngừng dâng cao; mặt đất lún là những áp lực lớn trong việc giải quyết ngập. Do vậy, nếu không chống được ngập sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại năm lưu vực ngoại vi rộng 550 km2 thuộc lưu vực trung tâm, bắc, tây, một phần đông bắc, đông nam với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường nước…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42677202-giai-quyet-dut-diem-tinh-trang-ngap-do-trieu-cuong.html