Giải quyết bất cập trong việc bàn giao, sử dụng quỹ bảo trì chung cư

Phí bảo trì là nguồn kinh phí cần thiết để bảo trì các phần sở hữu chung của nhà chung cư nhằm bảo đảm cho chung cư vận hành một cách an toàn. Thế nhưng, việc bàn giao, sử dụng quỹ bảo trì giữa chủ đầu tư và ban quản trị các khu chung cư đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến tranh chấp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Luật Nhà ở hiện hành quy định người mua căn hộ chung cư phải nộp phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua nhà tại thời điểm nhận bàn giao nhà. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho ban quản trị chung cư để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, không ít chủ đầu tư cố tình chây ỳ, chậm chuyển trả quỹ bảo trì nhằm tận dụng dòng vốn vào mục đích khác. Tranh chấp xung quanh việc quản lý và sử dụng quỹ bảo trì chung cư giữa ban quản trị chung cư với chủ đầu tư đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương. Với mức thu phí 2% giá trị hợp đồng, tại nhiều chung cư, quỹ bảo trì lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Mặc dù nhiều chung cư đã có ban quản trị nhưng phía chủ đầu tư vẫn không bàn giao quỹ bảo trì theo quy định để ban quản trị quản lý, sử dụng. Ví dụ, tại Hà Nội hiện có 127/526 ban quản trị chung cư chưa được bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì từ chủ đầu tư. Có những dự án quỹ bảo trì chung cư lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng chủ đầu tư đã tự ý sử dụng nguồn tài chính này để tái đầu tư, kinh doanh nhằm thu thêm lợi nhuận. Tranh chấp về phí bảo trì diễn ra quyết liệt, dai dẳng, điển hình như đã và đang xảy ra ở chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), chung cư Star City (81 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân)...

 Tại chung cư 361 (Cầu Giấy, Hà Nội), ban quản trị đã tiếp nhận 17 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì và thông báo công khai đến từng người dân.

Tại chung cư 361 (Cầu Giấy, Hà Nội), ban quản trị đã tiếp nhận 17 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì và thông báo công khai đến từng người dân.

Tại TP Hồ Chí Minh, các tranh chấp về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư cũng diễn ra gay gắt. Trong 44 nhà chung cư có tranh chấp mà Sở Xây dựng đang thụ lý, giải quyết, có đến 34 vụ việc liên quan đến kinh phí bảo trì, như tại chung cư Khang Gia Tân Hương có địa chỉ ở quận Tân Phú. Hay tại chung cư Trương Đình Hội (phường 16, quận 8), chủ đầu tư đã “ôm” hơn 4 tỷ đồng phí bảo trì và chỉ mới bàn giao cho ban quản trị 1,2 tỷ đồng...

Tình trạng chủ đầu tư cố tình "tận dụng" quỹ bảo trì chung cư khiến nhiều cư dân chung cư bức xúc. Ở một số chung cư tại Hà Nội, thời gian qua đã xảy ra tình trạng cư dân tập trung căng băng rôn đòi chủ đầu tư trả lại quỹ bảo trì, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Thủ đô cũng như môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố.

Để kịp thời chấn chỉnh những bất cập nêu trên, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trong đó có đề xuất sửa đổi quy định về quản lý quỹ bảo trì chung cư nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp liên quan đến phí bảo trì. Nhiều chuyên gia cho rằng, từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, cần thiết phải bỏ quy định về hình thức nộp phí bảo trì chung cư trực tiếp cho chủ đầu tư để hạn chế tình trạng chiếm dụng quỹ nêu trên; nghiên cứu có quy định về tài khoản phí bảo trì theo hướng "tài khoản đóng”; theo đó, chủ đầu tư sẽ không được sử dụng tài khoản này cho đến khi bàn giao cho ban quản trị chung cư quản lý, sử dụng. Cùng với đó, để có thể giải quyết triệt để vấn đề này, cần phát huy vai trò của chính quyền cùng các cơ quan chức năng trong quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Mặt khác, cần phải tăng mức xử phạt đối với hành vi chậm bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho cư dân và ban quản trị để tạo hiệu ứng răn đe...

Bài và ảnh: GIANG LONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giai-quyet-bat-cap-trong-viec-ban-giao-su-dung-quy-bao-tri-chung-cu-640632