'Giải quyết bài toán bảo vệ di sản văn hóa nhưng không nghèo'

Đó là phát biểu của TS Trần Du Lịch tại Hội thảo xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 25-10, tại TP Huế, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo do ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chủ trì.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Báo cáo tại hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW, tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2009-2018 là 7,16%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá từ 17.500 tỉ đồng lên 32.749 tỉ đồng, tăng 1,86 lần.

Thừa Thiên-Huế từng bước khẳng định là trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất theo Kết luận 48-KL/TW là "Xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương" vẫn chưa đạt được. Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu đến năm 2030, địa phương trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố di sản, thành phố festival, trung tâm du lịch, văn hóa và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, hiến kế thêm các giải pháp nhằm giúp tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

GS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, đề xuất: Cần xây dựng, thực hiện cơ chế đặc thù cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt nói chung và di sản Huế nói riêng. Trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng và thực hiện chiến lược khai thác kinh tế di sản; khuyến khích thực hiện mô hình hợp tác công tư nhằm khai thác giá trị kho tàng di sản theo hướng phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, TS Trần Du Lịch cho rằng tuy kinh tế Thừa Thiên-Huế tăng trưởng chưa cao trong những năm qua nhưng lãnh đạo địa phương đã không nóng ruột mà làm ảnh hưởng đến công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.

Vì thế cần có chính sách đặc thù để giúp tỉnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, rút ngắn chênh lệch phát triển kinh tế với các địa phương. "Cần giải quyết bài toán bảo vệ di sản văn hóa nhưng không nghèo" - TS Trần Du Lịch nói.

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh phát triển bất kỳ địa phương nào cũng phải dựa vào những đặc thù, lợi thế của địa phương đó. Ở Thừa Thiên-Huế có rất nhiều thuận lợi, như nền tảng văn hóa của Huế mang tính đặc trưng mà khó địa phương nào có được.

Dựa trên những thuận lợi có được, Thừa Thiên-Huế phải định hướng trở thành trung tâm giáo dục; phát triển khoa học công nghệ; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; trung tâm khám chữa bệnh của cả vùng; nông nghiệp công nghệ cao, sạch và có giá trị cao…

NGUYỄN DO

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giai-quyet-bai-toan-bao-ve-di-san-van-hoa-nhung-khong-ngheo-866246.html