Giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam: Vẫn còn tình trạng xôi đỗ

Công tác GPMB cao tốc Bắc – Nam đang đi vào giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều 'nút thắt' chưa được tháo gỡ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của chính quyền các địa phương.

Cuối tháng 6/2020, Bộ GTVT vui mừng thông báo, công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án đền bù của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã cơ bản hoàn thành. Cùng với đó, công tác đền bù, thu hồi đất và bàn giao mặt bằng tính đến ngày 20/6 đã đạt 81,21%, tức là hoàn thành 530,8km trong tổng số 653,61km.

Công tác xây dựng các khu tái định cư – một trong những khâu có vai trò rất quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án cũng đã có những kết quả tích cực. Cụ thể, trong tổng số 110 khu tái định cư cần xây dựng đã có 9 khu được hoàn thành; 66 khu đang triển khai thi công; 3 khu đang lựa chọn nhà thầu và 32 khu đang thực hiện việc khảo sát, thiết kế phê duyệt hồ sơ thiết kế.

Còn nhiều điểm nghẽn

Theo đánh giá của Bộ GTVT, công tác GPMB của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã có những tiến triển nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ. Sau khi có Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 442/CĐ-TTg ngày 16/4/2020 về việc giải quyết vướng mắc trong GPMB Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban QLDA phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai GPMB phục vụ thi công dự án tuân thủ các quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

 Công tác xây dựng các khu tái định cư thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn còn chậm. Ảnh: Duy Lợi

Công tác xây dựng các khu tái định cư thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn còn chậm. Ảnh: Duy Lợi

Mặc dù đã hoàn thành được trên 80% khối lượng công việc nhưng trên thực tế phần việc còn lại của công tác GPMB cao tốc Bắc – Nam phía Đông vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn. Đơn cử, tại cao tốc La Sơn – Túy Loan, tính đến cuối tháng 7/2020, đoạn tuyến mở rộng tuyến tránh Nam hầm Hải Vân (Hòa Liên - Túy Loan, Km66 - Km77+550) hầu như chưa thể triển khai do vướng mắc GPMB.

Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng lý giải, việc chậm trễ GPMB tại đoạn tuyến này do kiến nghị phía địa phương nhằm bảo đảm quy mô đường gom với quy hoạch đường đô thị. Trong khi đó, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tính đến cuối tháng 7/2020, đoạn qua tỉnh Quảng Trị đã bàn giao xong toàn bộ 37,3km, đạt 100% nhưng đoạn qua tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn đang tương đối chậm.

Theo tính toán, có 178 hộ dân tại địa phương này nằm trong diện phải di dời để nhường đất cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Tuy nhiên, hiện cả 9 khu tái định cư tại huyện Phong Điền, Hương Trà và thị xã Hương Thủy đều chưa hoàn thành. Ngoài ra còn có hơn 2,1km tuyến chính và 3,8km hoàn trả tuyến tránh vẫn chưa được bàn giao.

Địa phương phải là cầu nối

Công tác GPMB cao tốc Bắc – Nam gặp khó trong giai đoạn nước rút là điều đã được dự báo từ trước. Ông Phan Quang Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT nhận định, phần việc còn lại của công tác GPMB cao tốc Bắc – Nam phía Đông chỉ còn lại khoảng 19%, tuy nhiên, lại toàn việc khó, tập trung vào những hạng mục phức tạp như xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, những điểm nghẽn trong công tác GPMB tại dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông hiện nay là điều dễ hiểu. Thứ nhất, cả nước vừa trải qua một thời gian tương đối dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 (và hiện dịch đang có diễn biến mới), nhiều dự án bị ngưng trệ, trong đó có dự án cao tốc Bắc – Nam.

Thứ hai, chi phí GPMB tại một số địa phương bị đội lên cao hơn so với ban đầu cũng là tác nhân kéo chậm tiến độ GPMB. “Việc tăng chi phí GPMB một phần do các địa phương công bố giá đất định kỳ năm 2020 theo quy định của Luật Đất đai cao hơn so với thời điểm lập dự án. Tuy nhiên, khi có sự chênh lệch về giá thì đương nhiên phải điều chỉnh lại. Điều này chắc chắn làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB” – PGS. TS Ngô Trí Long phân tích.

Do vậy, muốn tháo gỡ các điểm nghẽn GPMB đang tồn tại ở cao tốc Bắc - Nam, ngoài sự quyết liệt đôn đốc của Bộ GTVT cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các địa phương nơi có cao tốc đi qua.

"Phần lớn những điểm nghẽn GPMB đều do sự chậm trễ ở khâu đền bù và bố trí tái định cư. Việc đảm bảo đời sống cho người dân nằm trong diện phải di dời để nhường đất cho dự án có vai trò rất quan trọng để sớm có đất sạch bàn giao cho dự án. Cái này các địa phương phải tích cực vào cuộc, trở thành cầu nối giải quyết những vướng mắc trong công tác GPMB." - Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giai-phong-mat-bang-cao-toc-bac-nam-van-con-tinh-trang-xoi-do-391195.html