Giải pháp xây dựng Chính phủ kiến tạo

Chính phủ kiến tạo không phải là một thuật ngữ mới trên thế giới mà thực chất đã được lãnh đạo nhiều quốc gia nghiên cứu và áp dụng từ lâu. Quan niệm về nhà nước kiến tạo hay chính phủ kiến tạo được tác giả Chalmers Ashby Johnson đưa ra từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Đây là một mô hình quản lý nhà nước, trong đó, quan trọng nhất là chính phủ đề ra các chính sách mang tính định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các chủ thể, thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Chính phủ trong một phiên họp trực tuyến với các địa phương.

Từ thực trạng

Ngay đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều thành viên Chính phủ đã nhấn mạnh thông điệp về chính phủ kiến tạo: “Đó phải là một chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế; nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì nhà nước không can thiệp, thay vào đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm. Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư…”. Đây là một thông điệp thể hiện rất rõ sự đổi mới trong hoạt động của Chính phủ để xây dựng một chính phủ chủ động trong mọi hoạt động.

Để xây dựng chính phủ kiến tạo trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước cần tạo môi trường thông thoáng cho người dân và các doanh nghiệp. Do đó, hoạt động cải cách hành chính phải được chú trọng hơn. Tính đồng bộ, toàn diện của cải cách hành chính thể hiện rõ nhất ở Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010 do Chính phủ ban hành theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17-9-2001. Mười năm thực hiện, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, nhiều mục tiêu của Chương trình vẫn chưa được giải quyết. Ngày 8-11-2011, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 đã được ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ. Riêng giai đoạn 2012 – 2015, 10/30 bộ, ngành, 55/63 địa phương ban hành kế hoạch cải cách hành chính. Các bộ, ngành và địa phương đã ban hành kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính từng năm và tiến hành kiểm tra công tác cải cách hành chính, việc giải quyết thủ tục hành chính và kỷ cương, kỷ luật hành chính tại các đơn vị trực thuộc... Ví dụ, với Bộ Tư pháp, quy trình ban hành pháp luật được đổi mới, tính công khai trong xây dựng và ban hành văn bản pháp luật được tăng cường, nhiều bộ luật được lấy ý kiến từ phía người dân. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp theo tinh thần quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017-NQ/CP ngày 6-2-2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và 9 nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.

Xây dựng chính phủ kiến tạo sẽ không theo đuổi sự vận động phát triển của xã hội để rồi đưa ra các chính sách để ngăn chặn, kìm hãm hay khuyến khích mà chính phủ phải biết dự đoán trước những gì sẽ xảy ra và xảy ra theo những cách như thế nào để đưa ra các giải pháp phù hợp. Như vậy, từ góc độ quản lý hành chính nhà nước để xây dựng chính phủ kiến tạo mang tính chủ động trong mọi hoạt động, cần phải chú trọng đến phân cấp quản lý, quy định cụ thể hơn nữa về điều kiện để phân cấp và trách nhiệm của cơ quan phân cấp, sự tham gia người dân vào hoạt động của Nhà nước. Chương trình cải cách tổng thể hành chính xác đinh mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2020 các cơ quan hành chính phải nâng chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%.

Ngày 20-9-2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018. Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Con số này được Bộ Công Thương đưa ra sau hơn hai tuần các đơn vị tiến hành rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực Bộ quản lý. 675 là con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh. Sau hành động cắt giảm của Bộ Công Thương, hàng loạt các bộ, ngành khác cũng tiếp tục cắt giảm như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 đăng ký kinh doanh, chiếm 34,2% đăng ký kinh doanh đang quản lý. Trong đó, bãi bỏ 65 đăng ký kinh doanh, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Mới đây nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ bãi bỏ 36 đăng ký kinh doanh, đồng thời sửa đổi 15 điều kiện yêu cầu đối với cá nhân trong doanh nghiệp, chiếm 44,7% đăng ký kinh doanh đang quản lý.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến từ phía người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đó là cắt giảm bao nhiêu thủ tục hành chính, tinh giản bao nhiêu bộ phận, bao nhiêu biên chế là đủ? Người dân, doanh nghiệp, những đối tượng bị quản lý không thực sự quan tâm và cũng “không cần biết” những gì đã và đang thay đổi mang tính chủ quan của các chủ thể quản lý. Cái họ mong muốn và chờ đợi chính là tác động của hoạt động quản lý mà các chủ thể quản lý sẽ tác động đến họ nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp và làm cho cuộc sống, hoạt động kinh tế của họ tốt hơn.

Đến giải pháp

Mục tiêu của cải cách hành chính là hướng tới xây dựng nền hành chính lấy phục vụ người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động. Mặc dù vậy, cải cách hành chính vẫn còn nhiều hạn chế. Những thủ tục quy định thời gian cung cấp dịch vụ của các cơ quan hành chính nhà nước cho người dân vẫn mang tính áp đặt do chính các cơ quan quy định; mức độ tuân thủ thời hạn giải quyết theo các quy định này không được chấp hành nghiêm. Trong khi đó, người dân, doanh nghiệp vẫn phải chật vật với nhiều thủ tục hành chính dù đến “một cửa”.

Xây dựng chính phủ kiến tạo không phải là việc dễ dàng trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, phải được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể hệ thống chính trị và của toàn thể dân tộc Việt Nam, đặc biệt cần có quyết tâm chính trị cao và sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng. Có thể nêu một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần có sự đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận của Đảng. Đảng cần có quyết tâm chính trị cao trong xây dựng nhà nước kiến tạo để làm nền tảng cho việc hình thành chính phủ kiến tạo, tức là phải đồng bộ của ba bộ phận: Lập pháp, tư pháp và hành pháp, được xây dựng và vận hành theo tinh thần kiến tạo.

Thứ hai, trao quyền tự quản, trao quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương, áp dụng tự chủ cho nhiều loại hình tổ chức Nhà nước, mở rộng sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước, mở rộng đối tác khu vực tư nhân trong việc cung cấp các loại dịch vụ cho xã hội; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhà nước, xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức để thực thi nhiệm vụ, đặc biệt cần chú trọng đến năng lực đội ngũ cấp cơ sở để phục vụ người dân tốt hơn….

Thứ ba, chính phủ làm cho công dân mạnh hơn bằng cách đẩy sự kiểm soát từ trong bộ máy hành chính sang cho cộng đồng. Người dân có quyền tham gia và hoạt động quản lý nhà nước. Các hoạt động của các cơ quan chính phủ thường được quan tâm ở sản phẩm mà họ cung cấp chứ không phải những gì họ cần có để cung cấp. Muốn vậy, cần tuyên truyền cho người dân ý thức pháp luật, hiểu pháp luật để có thể kiểm soát, đánh giá chất lượng của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức. Khi ban hành chính sách hay các quy định pháp luật cần lấy ý kiến đóng góp từ phía người dân.

Thứ tư, người dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước thông qua việc họ có quyền đánh giá dịch vụ do nhà nước cung cấp, đánh giá hoạt động của cán bộ công chức chính quyền địa phương. Người dân có quyền lựa chọn dịch vụ của nhà nước hay khu vực khác cung cấp. Người dân phải là một chủ thể tham gia vào trong quá trình đánh giá cán bộ, công chức. Việc mở rộng hình thức tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước không chỉ đòi hỏi từ phía người dân mà quan trọng hơn là từ chính yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, dân chủ hóa đời sống xã hội và của bản thân nhà nước. Mở rộng sự tham gia mạnh mẽ của người dân vào các quá trình ra quyết định, các hoạt động quản lý nhà nước, đánh giá các thủ tục, dịch vụ hành chính sẽ đóng góp quan trọng cho việc xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hiện nay.

Th.S Phạm Thị Minh ThuỷKhoa Xây dựng Đảng – Học viện Chính trị khu vực I

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/to-chuc/2018/12338/giai-phap-xay-dung-chinh-phu-kien-tao.aspx