Giải pháp triển khai nhanh thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT

Việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra về số lượng phương tiện tham gia dịch vụ và cũng chưa hoàn thiện đồng bộ hệ thống thu phí.

Trạm thu phí BOT Quảng Trị đã thực hiện thu phí tự động. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Trạm thu phí BOT Quảng Trị đã thực hiện thu phí tự động. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Đến nay, cả nước mới chỉ có trên 700.000 phương tiện trong tổng số trên 3 triệu ô tô dán thẻ Etag (thẻ nhận dạng khi qua trạm thu phí). Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương báo cáo tình hình triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (thu phí tự động không dừng) trước ngày 20/6.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí tự động không dừng, đối với các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu phí không dừng chậm nhất đến ngày 31/12/2018.

Đối với các trạm còn lại trên toàn quốc, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện thu phí tự động không dừng. Cũng tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo: Từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức BOT trên cả nước.

Về kết quả thực hiện, ông Nguyễn Viết Huy thông tin, dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 có 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc, quốc lộ khác. Hiện, các đơn vị đã hoàn thành lắp đặt xong 26 trạm, còn lại 18 trạm khác đang triển khai.

Đối với 33 trạm thuộc dự án thu phí không dừng giai đoạn 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thành việc đấu thầu; nhà đầu tư đang chuẩn bị tổ chức lắp đặt ngoài hiện trường. Dự kiến, các trạm thu phí của giai đoạn này sẽ được hoàn thành trong năm 2019.

Về triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT do địa phương quản lý, theo ông Nguyễn Viết Huy, đến thời điểm này đã có 6/14 địa phương có trạm thu phí triển khai thu phí không dừng hoàn thành việc lắp đặt vận hành; 8 địa phương đang nghiên cứu để tự triển khai và sau khi hoàn thành sẽ kết nối vào dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.

Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, việc triển khai dán thẻ Etag trên các phương tiện giao thông đang diễn ra khá chậm. Tỷ lệ người sử dụng vẫn chưa đạt yêu cầu, chỉ khoảng 30% số xe đã dán thẻ sử dụng dịch vụ này.

Ông Nguyễn Viết Huy cho rằng, bất cập hiện nay trong thu phí tự động không dừng là việc dán, nộp tiền vào thẻ còn hạn chế. Do chưa hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống nên các trạm thu phí mặc dù đã triển khai thu phí không dừng vẫn phải kết hợp thu phí thủ công.

Đánh giá về khó khăn trong quá trình triển khai, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, do hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) rất phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể. Đó là, nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, các ngân hàng, người sử dụng đường bộ nên trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến tài khoản giao thông, việc nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng.

“Về tài khoản giao thông được chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng thì chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản trả trước để chi trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc thanh toán qua tài khoản giao thông chưa thuận tiện cho người sử dụng trong việc nạp tiền, quản lý số tiền trong tài khoản khi tài khoản giao thông chưa kết nối với các tài khoản cá nhân tại các ngân hàng”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, tạo thuận tiện cho người sử dụng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng cung cấp tín dụng để xây dựng các phương án kết nối tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân của các chủ phương tiện.

Đại diện Công ty TNHH thu phí tự động không dừng VETC (đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng giai đoạn 1) chia sẻ, trong quá trình thực hiện dán thẻ Etag, nhiều người dân còn e ngại do đây sử dụng công nghệ mới, nhiều khách hàng và phương tiện chưa hiểu rõ phương thức vận hành khi xe lưu thông qua trạm. Có trường hợp lái xe sợ khi dán thẻ bị "giám sát" lộ trình trên toàn quốc nên không muốn tham gia.

Từ những khó khăn vướng mắc trong triển khai thu phí không dừng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải báo cáo nêu rõ tiến độ hoàn thành đối với từng trạm, khó khăn vướng mắc và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan; biện pháp xử lý với các trường hợp không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu tự động không dừng.

Ông Nguyễn Viết Huy cho biết, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ theo hướng, tới cuối năm 2019 bắt buộc các phương tiện chưa dán thẻ thu phí không dừng, chưa nộp tiền vào thẻ sẽ phải đi vào làn thu tiền thủ công và mỗi trạm bố trí hai làn thu phí thủ công.

Cùng đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước về liên thông tài khoản thẻ với tài khoản ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lái xe.

Bộ Giao thông Vận tải đặt kế hoạch cuối năm 2019, khi tất cả các trạm đều thu phí tự động không dừng, từng trạm sẽ có phần mềm thu phí và chỉ cần truy cập vào là biết được số liệu. Tất cả các trạm cũng được lắp camera giám sát công tác thu phí, phục vụ thanh tra, giám sát. Số liệu sẽ được kiểm tra trong một ngày, một tuần, có đối chiếu để đảm bảo tính chính xác.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị khuyến khích các phương tiện thuộc diện thu phí đường bộ phải tham gia dán thẻ và sử dụng dịch vụ; chỉ đạo các bộ, ngành địa phương gương mẫu dán thẻ và sử dụng dịch vụ đối với toàn bộ các phương tiện thuộc diện nộp phí khi qua trạm thu phí đường bộ do mình quản lý.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc; trong đó Bộ Giao thông Vận tải quản lý 74 trạm và UBND các tỉnh, thành phố quản lý 19 trạm.

Quang Toàn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/giai-phap-trien-khai-nhanh-thu-phi-tu-dong-khong-dung-tai-cac-tram-bot-20190613164540388.htm