Giải pháp thanh toán qua thuê bao di động

Chủ trương của Nhà nước hiện nay là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm minh bạch hóa các giao dịch, giúp đồng vốn luân chuyển nhanh hơn, giao dịch an toàn hơn với chi phí giảm, vừa kiểm soát và phát hiện tốt hơn các thanh toán phạm pháp. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm chỉ đạo vấn đề này, nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4.

Chủ trương của Nhà nước hiện nay là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm minh bạch hóa các giao dịch, giúp đồng vốn luân chuyển nhanh hơn, giao dịch an toàn hơn với chi phí giảm, vừa kiểm soát và phát hiện tốt hơn các thanh toán phạm pháp. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm chỉ đạo vấn đề này, nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong TTKDTM khi tốc độ tăng trưởng về giá trị vừa qua đạt 160%, nhưng tất cả mới chỉ là bước đầu. Theo thống kê tại Việt Nam hiện nay, 99% các giao dịch dưới 100 nghìn đồng đều sử dụng tiền mặt. Theo các chuyên gia, dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động (Mobile Money) sẽ là sáng kiến đột phá để thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam. Khi được triển khai, Mobile Money sẽ cho phép người dân được gửi tiền vào nhà mạng dù không có tài khoản ngân hàng. Người dân cũng có thể dùng tiền trong tài khoản điện thoại của mình để gửi cho nhau hoặc mua hàng hóa với giá trị nhỏ. Hiện có 90 quốc gia đã phát triển nền tảng thanh toán này với khoảng 900 triệu người sử dụng, chiếm một phần bảy dân số thế giới. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua Mobile Money hiện khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm.

Ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đang nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhưng lại không chú ý nhiều đến một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy những lĩnh vực trên là nền tảng thanh toán. Muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Trong khi đó, không ít người dân hiện chưa có điều kiện sử dụng hệ thống tài chính chính thống, là những người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, trong khi tỷ lệ thuê bao di động đã vượt 100% từ nhiều năm nay. Do đó, Mobile Money sẽ là phương thức thanh toán có thể triển khai nhanh và hiệu quả nhất. Mobile Money có khả năng dễ dàng thâm nhập thị trường nông thôn và số hóa chuỗi giá trị nông nghiệp. Tại các nước đang phát triển, khoảng 15% số người trưởng thành có doanh thu từ bán nông sản, nhưng đa số họ nhận tiền mặt, hình thức thanh toán rủi ro, không hiệu quả và bất tiện khi thu tiền. Họ cũng không thể bán nông sản cho một người ở xa. Mobile Money sẽ giúp cư dân thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người cụ thể ở bất kỳ thôn, bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn cây đó. Người nông dân cũng nhờ đó mà bán được giá cao. Mặt khác, với cách giao dịch đơn giản, dễ dàng, sẽ không quá bất ngờ nếu Mobile Money trở thành phương thức thanh toán phổ biến nhất và góp phần tạo ra sự bùng nổ cho các start-up Việt Nam. Không những vậy, Mobile Money còn đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Còn nhiều vấn đề pháp lý phải giải quyết cho Mobile Money. Cũng có những thách thức, rủi ro đi kèm, nhưng lợi ích của Mobile Money là lớn hơn rất nhiều. Các chuyên gia nhận định, vấn đề ở đây là công nghệ có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của đất nước, nhưng chúng ta phải thay đổi, dám thay đổi và dám chấp nhận các mô hình mới. Trong một phát biểu gần đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Nếu chúng ta có thể cấp phép thử nghiệm Mobile Money ngay trong năm 2019, thì Việt Nam cũng đã là nước thứ 91 ứng dụng nền tảng thanh toán mới này.

THÁI LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/40613802-giai-phap-thanh-toan-qua-thue-bao-di-dong.html