Giải pháp tạo đầu ra ổn định cho trái nhãn?

Các vùng trồng nhãn đang củng cố và phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà vườn tiêu thụ sản phẩm, hướng đến tạo đầu ra ổn định.

Nhãn lồng Hưng Yên trồng theo mô hình VietGAP có năng suất và chất lượng cao. Ảnh: Phạm Kiên

Nhãn lồng Hưng Yên trồng theo mô hình VietGAP có năng suất và chất lượng cao. Ảnh: Phạm Kiên

Dịch Covid-19 tái bùng phát khiến hoạt động xúc tiến tiêu thụ nhãn không thuận lợi như mọi năm. Các vùng trồng nhãn đang củng cố và phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà vườn tiêu thụ sản phẩm, hướng đến tạo đầu ra ổn định.

Liên kết sản xuất và xuất khẩu

Đã thành thông lệ, tháng 7 - 8 hằng năm là dịp Sơn La vào mùa nhãn. Từ loại nông sản chỉ trồng tự phát, phục vụ chủ yếu tự cung tự cấp, những năm gần đây, việc trồng nhãn đã được tỉnh Sơn La chú trọng nhằm nâng cao năng suất, bảo đảm sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu.

Cụ thể, Sơn La đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình sản xuất an toàn VietGAP... Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, các nông dân đã biết liên kết trong các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đến nay, Sơn La có 203 HTX, doanh nghiệp trồng nhãn theo quy trình mới, nhãn chất lượng cao, với hơn 2.500 ha, chiếm hơn 25% diện tích nhãn toàn tỉnh. Trong đó, nhãn được cấp mã số vùng trồng ngày càng mở rộng. Tới nay, có 207,6ha được cấp 34 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, Australia; 2415ha được cấp 58 mã số vùng trồng để xuất sang Trung Quốc.

Năm 2020, nhãn Sơn La tiếp tục được mùa, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhãn an toàn tăng lên. Diện tích nhãn toàn tỉnh đạt 17.292ha nhãn, sản lượng ước đạt 70.412 tấn. Trong đó, vùng trồng nhãn huyện Sông Mã có diện tích lớn nhất, với trên 7.000ha, sản lượng 38.000 tấn.

Cùng với nâng cao chất lượng, hoạt động xúc tiến tiêu thụ cũng được tổ chức thông qua nhiều kênh. Trong đó, đặc sắc nhất là bắt đầu từ năm 2017, hằng năm, huyện Sông Mã đều tổ chức “Ngày hội nhãn Sông Mã” nhằm quảng bá, thu hút đầu tư, giới thiệu sản phẩm nhãn.

Nhờ đó, không chỉ tránh được tình trạng được mùa mất giá, những năm gần đây, nhãn Sơn La đã xuất hiện ở hầu khắp các trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sơn La hiện đã kết nối, duy trì 144 chuỗi cung ứng an toàn, trong đó chuỗi cung ứng quả an toàn đạt 90 chuỗi, với tổng diện tích sản xuất 1.726ha để đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, như: VinMart, BigC, Lotte, Hapro…; đồng thời, mở rộng thị trường đến các tỉnh, thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An…

Cùng với tiêu thụ trong nước, nhãn Sơn La cũng được nhiều thị trường thế giới ưa chuộng. Hiện sản phẩm đang xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khó tính khác như: Mỹ, Nhật, Australia…

Để tổ chức tiêu thụ tốt sản phẩm nhãn trước khó khăn do dịch Covid-19, vụ nhãn năm nay, Sơn La tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn bằng hình thức trực tuyến giữa điểm cầu vùng trồng nhãn Sông Mã (Sơn La) với hai điểm cầu tại tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc). Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước cũng như thị trường Trung Quốc.

Trong khâu chế biến, Sơn La tập trung đẩy mạnh tiến độ xây dựng một số nhà máy chế biến nông sản. Hiện Sơn La đã có 4 nhà máy và trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng 3 nhà máy trên địa bàn các huyện Vân Hồ, Mộc Châu..., từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sông Mã Nguyễn Tiến Hải cho biết, để tiêu thụ nhãn thuận lợi cho bà con, huyện chủ động kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ đến Sông Mã tìm hiểu làm ăn.

Đến nay, một số HTX, cơ sở sản xuất đã ký biên bản ghi nhớ, hoặc ứng tiền, đặt giá tiêu thụ nhãn. Nhờ có nhãn rải vụ nên áp lực tiêu thụ nhãn được giảm bớt. Dự kiến, giá nhãn chính vụ của Sông Mã năm nay dao động khoảng 18.000 đến 20.000 đồng/kg, nhãn chín sớm và chín muộn giá cao hơn, từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg.

Theo kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn năm 2020, Sơn La kỳ vọng nhãn sẽ được tiêu thụ thuận lợi. Các cơ quan, đơn vị, ngành trong tỉnh được phân công đang làm tốt công tác tiêu thụ nhãn cho nhà vườn. Ước tính, trong số hơn 70.000 tấn nhãn, tiêu thụ trong nước khoảng 57.000 tấn, xuất khẩu 7.900 tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 9 triệu USD.

Đưa nhãn lồng giao dịch trên các sàn thương mại điện tử

Đại dịch COVID-19 tái bùng phát đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, nhãn lồng Hưng Yên đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay, nhãn được mùa, sản lượng dự kiến đạt 50 nghìn tấn quả.

Người tiêu dùng mua nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội. Ảnh: Đinh Tuấn.

Để đảm bảo đầu ra ổn định cho nhà vườn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên.

Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào mùa vụ canh tác, nhãn Hưng Yên có 3 trà chính là trà sớm, trà chính vụ và trà muộn, gồm các giống chất lượng cao như: Nhãn Hương Chi, nhãn cùi, nhãn đường phèn, nhãn Miền Thiết, nhãn T6... Trong đó, các giống nhãn chín sớm và chính vụ được trồng chủ yếu tại thành phố Hưng Yên, các huyện Tiên Lữ, Kim Động. Nhãn chín muộn chủ yếu được trồng ở huyện Khoái Châu. Do đó, giảm được sự tập trung ồ ạt thu hoạch cùng thời điểm và có giá cao hơn.

Đánh giá cao công tác phát triển thị trường, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trái nhãn nói riêng và nông sản nói chung, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, nhãn lồng Hưng Yên nằm trong TOP 50 trái cây ngon nhất Việt Nam. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án nâng cao chất lượng vùng trồng nhãn, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại được Hưng Yên tổ chức bài bản nhằm kết nối tiêu thụ vào hệ thống phân phối hiện đại trong nước. Hưng Yên đã và đang tận dụng được vị thế là vệ tinh của thị trường Hà Nội.

Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hưng Yên dự kiến hỗ trợ người dân đưa ra các giải pháp đưa nhãn lồng giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên đã tạo nên mối liên kết nông dân với doanh nghiệp chặt chẽ, bền vững, có sự liên kết “4 nhà”, gắn sản xuất với chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng. Qua đó, góp phần đưa trái nhãn lồng Hưng Yên vươn ra thị trường ngoại tỉnh và xuất khẩu, nhà vườn gạt bỏ nỗi lo “được mùa rớt giá”. Tuy vậy, để việc tiêu thụ nhãn đạt kết quả cao hơn, cần chú trọng xuất khẩu chính ngạch sản phẩm này. Đồng thời mở rộng kho đông lạnh, việc chiếu xạ và tăng cường công nghiệp chế biến.

Đăng quang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/giai-phap-tao-dau-ra-on-dinh-cho-trai-nhan-post36992.html