Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập

Ngày 10/5, Bộ Tài chính phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hội nhập. Giới chuyên gia cũng như DN cho rằng, nhu cầu vay vốn của DN rất cao song thực tế đáp ứng lại ít ỏi.

Theo Báo cáo khảo sát đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hỗ trợ DN khu vực Đồng bằng sông Hồng tăng cường tiếp cận tín dụng thông qua năng lực quản trị và minh bạch hoạt động tài chính do VCCI thực hiện, hầu hết các DN có nhu cầu vay vốn ngắn, trung và dài hạn rất lớn. Hiện nay, số DN huy động vốn thành công trên số lần huy động có nhiều kết quả khác nhau. Có DN có nhu cầu vay là vay được, bên cạnh đó, cũng có khoảng 20% DN có nhu cầu nhưng chưa tiếp cận được tín dụng. Trong điều kiện hiện nay, bên cạnh một số cơ hội, DN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về vốn, công nghệ, năng suất lao động, nguồn nhân lực có tay nghề.

Bà Trần Thu Hằng – Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết, DN rất cần vốn, ngân hàng cũng rất cần giải ngân, nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đó là tài sản thế chấp. DN hiện đang vay vốn với mức lãi suất khá thấp nhưng cần phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, có bao nhiêu tài sản đều đã mang đi thế chấp nên nếu muốn mở rộng sản xuất sẽ rất khó khăn.

Đại diện VCCI cho rằng, để giúp DN tiếp cận tín dụng thành công cần sự phối hợp các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, cả DN lẫn tổ chức tín dụng, Nhà nước và các bộ, ngành. Tuy nhiên, do cung cách quản lý, sự quản trị DN còn có khiếm khuyết và bất cập, thiếu minh bạch trong hoạt động tài chính nên nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa chưa thể thuyết phục các ngân hàng và các tổ chức tín dụng chấp nhận cung cấp tín dụng.

Theo Ths. Nguyễn Việt Hưng -Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho DN nhỏ và vừa còn hạn chế như chưa phát triển đồng bộ, vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, một số cơ chế chính sách còn chậm thay đổi so với tình hình thực tế; một số cơ chế chính sách tuy được ban hành nhưng vẫn còn chưa hoàn toàn khả thi; năng lực tài chính của các định chế tài chính còn hạn chế, quy mô còn nhỏ. Ông Hưng cũng cho rằng, quy mô vốn nhỏ, năng lực quản trị, quản lý tài chính, khả năng quản trị rủi ro, điều hành chưa chuyên nghiệp.

Do đó, để giúp DN tiếp cần nguồn vốn tốt hơn, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách về hỗ trợ cho DN tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ các định chế tài chính nhà nước; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho DN theo hướng đơn giản hóa về thủ tục cho vay và điều kiện vay, tài sản đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc – Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát ở mức độ hợp lý, bảo đảm lãi suất và tỉ giá hối đoái ổn định; tập trung thực hiện và triển khai đồng bộ các giải pháp tại Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế; rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn theo năng lực kinh doanh và thực lực tài chính, đa dạng các kênh, hình thức tiếp cận vốn tín dụng cho DN.

Phía NHNN cũng cho biết, NHNN xây dựng định hướng tăng trưởng tín dụng hàng năm, có sự điều chỉnh theo thực tế, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, nhằm đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, góp phần đạt được mục tiêu về tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, NHNN thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến từng tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, đặc biệt trong năm 2019 ưu tiên chỉ tiêu cao hơn đối với tổ chức tín dụng thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/giai-phap-tai-chinh-cho-doanh-nghiep-trong-boi-canh-hoi-nhap-tintuc436549