Giải pháp quy hoạch nào cho bờ sông ở TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh là đô thị có hệ thống sông ngòi, kênh rạch quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển. Đây vừa là nét đặc trưng về cảnh quan tự nhiên, đóng góp vào hình thái không gian đô thị, vừa là hệ thống giao thông thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch và cải thiện điều kiện khí hậu, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa nhanh chóng gây nên tình trạng nước biển xâm lấn, sạt lở, sụt lún; các hiện tượng san lấp, xây dựng lấn chiếm trái phép, ô nhiễm môi trường…

Sông Sài Gòn bao quanh bán đảo Thủ Thiêm, quận 2, TP Hồ Chí Minh.

Sông, kênh là nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt

Phát biểu tại hội thảo “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành, các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông sài gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025”, ông Trần Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết: Tất cả các khu vực dọc sông, kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh đều đã được phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch 1/2.000, có quy định về hành lang bảo vệ sông, kênh rạch. Tuy nhiên, những đồ án quy hoạch này lại thiếu kết nối giữa các khu vực ven sông, phần lớn các dự án có quy hoạch 1/500 ven sông, kênh thiếu đồng bộ, chất lượng hạn chế, chưa có giải pháp khai thác cảnh quan ven sông... Mặc dù, các quy hoạch này chỉ rõ chức năng của các khu vực ven sông, trong hành lang an toàn chủ yếu là cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Ven các dòng sông, kênh rạch của TP Hồ Chí Minh còn có đồ án quy hoạch du lịch đường thủy, giao thông đường thủy...

Cũng theo ông Nhã, các cơ quan Nhà nước thực hiện các dự án liên quan đến sông, kênh cũng không đồng bộ với nhau, mạnh ngành nào nấy làm. Từ đó dẫn đến tình trạng lấn chiếm hành lang sông rạch để xây dựng, khai thác trái phép còn phổ biến mà chính quyền chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh thì sông, kênh là nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt. Do đó, thành phố phải có quy hoạch sử dụng sông nước gắn với quy hoạch xây dựng kè và sử dụng đất ven sông. Khi xây dựng kè sông, đất ven sông sẽ đẹp hơn, giá đất tăng lên, trở thành nguồn tài chính để thành phố tái đầu tư xây dựng. Sắp tới TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng kế hoạch hành động phát triển thành phố định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có quy hoạch kè bờ sông và sử dụng quỹ đất ven sông.

Làm được điều đó thì TP Hồ Chí Minh sẽ học tập kinh nghiệm các nước khi quy hoạch kè sông để tránh những sai lầm. Đồng thời, định hướng sẽ xây dựng hệ thống kè sông đa chức năng, bao gồm ngăn nước, chỗ vui chơi công cộng, đường giao thông...

Chợ hoa ngày Tết trên kênh Tàu Hủ.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng: Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công nhiều dự án chỉnh trang kênh rạch, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch, khôi phục dòng chảy, kè bờ cứng, làm đường, làm cầu, xây dựng công viên và chỉnh trang các khu dân cư lụp xụp, đã làm thay đổi diện mạo đô thị, môi trường sống và “đổi đời” cho hàng chục ngàn hộ gia đình. Điển hình như dự án: Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án rạch Bến Nghé, dự án kênh Tàu Hủ - Ruột Ngựa, dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Thời gian tới, công tác chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch còn lại rất lớn, phải di dời và tái định cư nhà trên và ven kênh rạch hơn 20.000 căn hộ. Trong đó, có dự án kênh Tẻ - Nam Kênh Đôi trên địa bàn các quận 4, 7, 8 phải di dời và tái định cư hơn 5.050 căn hộ; dự án Rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh có hơn 2.100 căn hộ; dự án Rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh 827 căn hộ; dự án Rạch Bần Đôn, quận 7; dự án kênh Tham Lương - Bến Cát thuộc các quận 12, Tân Bình, Gò Vấp...

Phát huy lợi thế, quỹ đất ven sông

Ông Lưu Văn Tấn – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng cho biết: TP Hồ Chí Minh nằm ở đồng bằng hạ lưu sông Đồng Nai – Sài Gòn, giữa khu vực chuyển tiếp từ cực Nam Trung Bộ sang đồng bằng sông Cửu Long có đặc điểm địa hình đồng bằng thấp là chủ yếu, bề mặt tương đối bằng phẳng và bị chia cắt bởi mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Với tổng chiều dài hơn 5.000km kênh rạch, thành phố có nhiều ưu thế nhất định để phát triển một đô thị hiện đại, bền vững và tươi đẹp.

“Do đó, để phát huy lợi thế từ mạng lưới sông, kênh rạch mang lại, thành phố cần phải có những chủ trương, chính sách và hành lang pháp lý hiệu quả đi kèm. Cùng đó là bộ máy làm việc chăm chỉ mà nhanh nhẹn, đơn giản mà hiệu quả, mạnh mẽ mà đúng đắn, tất cả chính là từ quyết sách của chính quyền các cấp từ quy hoạch đô thị. Trong đó, nghiên cứu, quy hoạch phát triển bờ kè sông kênh rạch thành phố có chiều sâu với không gian mở rộng theo xu hướng tận dụng tối đa lợi thế về tiềm năng và yếu tố tự nhiên, hướng tới mục tiêu “Văn minh, hiện đại, sinh thái và bền vững”; Tầm nhìn quy hoạch phải đủ dài, chất lượng quy hoạch đủ cao để không phải liên tục điều chỉnh, xé nát, gây nhiều hệ lụy cho thế hệ đời sau”, ông Tấn nhấn mạnh.

Cùng đó, TS.KTS Lê Văn Năm đề xuất: Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của hệ thống sông, rạch vào sự phát triển của thành phố. Tạo các cơ chế chính sách khuyến khích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tham gia tích cực bảo vệ và phát huy giá trị của kênh, rạch vào cuộc sống đô thị. Tăng thêm mức đầu tư từ ngân sách thành phố cho các công tác liên quan đến bảo vệ, cải tạo, chỉnh trang và phát huy lợi thế sông rạch.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Châu kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh và sửa đổi, bổ sung Quyết định 22/2017/QĐ-UB của UBND thành phố để thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và khai thác nguồn lực kinh tế của quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch. Hiệp hội cũng đề nghị thành phố chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành; Không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững.

Trên cơ sở các đề xuất, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị thành phố cần nghiên cứu sâu về kinh nghiệm quốc tế trong việc quy hoạch làm kè, sử dụng đất ven sông. Thành phố cũng cần làm rõ những giải pháp kỹ thuật tiến bộ xây kè bờ sông, kinh nghiệm các mô hình hợp tác giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, định hướng phân loại chức năng hệ thống sông, kênh, rạch thành phố…

Cao Cường

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/giai-phap-quy-hoach-nao-cho-bo-song-o-tp-ho-chi-minh.html