Giải pháp quản lý hỗ trợ sau cai cần quyết liệt, hiệu quả hơn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, sáng 13-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống ma túy sửa đổi. Nhiều vấn đề về quản lý sau cai, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, các quy định về chế tài… đã được các đại biểu thảo luận.

Tỷ lệ tái nghiện còn cao

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị cần có quy định rõ hơn trong dự án luật về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái trong công tác phòng chống ma túy. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lại mô hình cai nghiện tại nhà vì đã xảy ra nhiều vụ việc rất nguy hiểm khi người nghiện lên cơn, ngáo đá, không kiểm soát được hành vi đã hành hung, tấn công chính người thân của mình.

“Tôi cho rằng, cần phát huy mô hình cai nghiện tại trung tâm, đây là mô hình cai nghiện an toàn và hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), cần đa dạng hóa các loại hình cai nghiện để người cai nghiện và gia đình của người cai nghiện có nhiều sự lựa chọn. Đồng thời, đại biểu cũng nhấn mạnh, đây là dự án Luật về phòng, chống ma túy, tuy nhiên các quy định chủ yếu chỉ là chống, đây mới chỉ là phần ngọn, trong khi nội dung về vấn đề phòng ngừa còn ít. Vì vậy, dự án luật cần tăng cường nội hàm các quy định về phòng ngừa ma túy.

Lo ngại về tình trạng tái nghiện hiện nay tỉ lệ rất lớn, với thực tế theo báo cáo của nhiều tỉnh thành, tỷ lệ tái nghiện lên đến 95%, đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) đề nghị dự án Luật cần có giải pháp hỗ trợ, quản lý, giám sát sau cai nghiện một cách hiệu quả hơn; đặc biệt cần có những hỗ trợ về sinh kế cho người sau cai nghiện cũng như những biện pháp để người sau cai nghiện dễ dàng tái hòa nhập với cộng đồng.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) thống nhất với phạm vi sửa đổi luật, đặc biệt là bổ sung chương 4 về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Cơ bản thống nhất với các chính sách trong Dự luật, nhưng đại biểu cho rằng, Dự luật cần thiết kế gọn, tránh trùng lặp, ví dụ như chính sách hỗ trợ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng chống ma túy. Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung quy định Nhà nước có chính sách ưu tiên nguồn lực cho phòng chống ma túy ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vì đây là những nơi rất khó khăn trong tuyên truyền phòng chống ma túy, nhưng lại có tình trạng buôn bán ma túy phức tạp.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh Quốc hội

Khoảng 75% các tội phạm hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ người nghiện ma túy

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) dẫn chứng, theo thống kê của cơ quan chức năng, hàng năm, khoảng 75% các tội phạm hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ người nghiện ma túy. Những vụ án mạng nghiêm trọng gần đây cho thấy, đối với đối tượng gây án là người nghiện ma túy thì bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân và bất cứ hành vi tàn nhẫn nào cũng có thể diễn ra.

Mới đây nhất, chúng ta đã chứng kiến hai đối tượng nghiện ma túy đã sát hại nữ sinh Học viện Ngân hàng. Vấn đề đặt ra là dường như đang có nhiều bất cập trong quản lý người nghiện ma túy tại cộng đồng.

Vì vậy, đại biểu Hoa đồng tình với việc dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và ghi nhận Điều 54 quy định vấn đề này là biện pháp phòng ngừa, chứ không phải biện pháp xử lý hành chính. Đây là cách tiếp cận dựa trên quyền, tạo ra cách nhìn mới, cách nhìn nhân văn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng và có tính nhân văn với cả cộng đồng - là ngăn chặn các hành vi vi phạm của người sử dụng trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoa góp ý cần cân nhắc thêm về thời hạn quản lý 1 năm với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và 6 tháng với người dưới 18 tuổi liệu có hạn chế quyền của người dưới 18 tuổi với người từ đủ 18 tuổi trở lên? Hay về trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thì theo dự thảo Luật, gia đình có người sử dụng trái phép chất ma túy phải thông báo với CA cấp xã nơi cư trú; cơ quan, tổ chức phát hiện hành vi có trách nhiệm thông báo với CA nơi gần nhất thì theo đại biểu, việc thông báo của gia đình đang là vướng mắc nhiều nhất.

Chúng ta đã có quy định này nhưng không quy định cách thức thông báo như thế nào và liệu CA cấp xã có đủ điều kiện, khả năng kiểm chứng hay không.

Đồng tình tăng thêm thẩm quyền cho công an xã

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đồng tình với việc Dự luật sửa đổi đã bổ sung thêm một số quy định hoàn toàn mới, tăng thêm thẩm quyền cho CA xã trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy tại nơi cư trú.

Vì theo đại biểu, việc sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng và phức tạp. Theo thống kê, tháng 12- 2009, cả nước có 146.731 người nghiện ma túy thì năm 2019 là 235.314 người nghiện, tăng 60%. Đây chỉ là thống kê người nghiện có hồ sơ quản lý, còn trong thực tiễn con số người sử dụng trái phép ma túy, người nghiện còn cao hơn nhiều.

Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó, Bộ luật Hình sự đã bỏ Điều 199 về sử dụng trái phép chất ma túy, theo đó người sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm mà chỉ là con bệnh, chế tài xử lý với họ là xử lý hành chính, phạt tiền hoặc đưa vào cai nghiện.

Luật PCMT chưa quy định rõ đối với đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, hầu hết những người này không được kiểm tra, giám sát. Họ vẫn tồn tại bên ngoài xã hội, hiện nay Nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý nên người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện có xu hướng tăng cao.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa đồng bộ, nhận thức về tác hại của ma túy và ý thức tự giác của người sử dụng trái phép chất ma túy hạn chế, nhiều trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy chưa tự chủ, quyết tâm thoát khỏi ma túy.

Hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy rất lớn, nhiều trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp, ngáo đá không kiểm soát được hành vi của mình, gây ra các hậu quả vô cùng đau xót, thâm chí với chính người thân của mình, gây hoang mang, bất bình trong dư luận.

“CA xã là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, nên tăng thẩm quyền và bổ sung quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cho cho CA xã là phù hợp”, đại biểu nói.

Không đồng tình với nội dung xác định nội dung trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 25), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, đây là một điều khoản rất… “thơ ngây”.

“Việc yêu cầu người sử dụng trái phép chất ma túy “tự khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc CA cấp xã nơi cư trú” và một số các quy định khác. Những quy định này chỉ khả thi khi mà người sử dụng trái phép chất ma túy rất hiền lành, thật thà khai báo với cán bộ là hôm nay sẽ đi đâu, làm gì…”

Theo đại biểu Dung, nên xem xét và điều chỉnh các nội dung trên. Vì nếu thực hiện được thì đâu có chuyện con số người nghiện ma túy ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, sẽ không có những vụ án đau lòng, những tai nạn giao thông thảm khốc nguyên nhân từ ma túy. Hơn nữa, các điều khoản trên cũng không quy định rõ ràng việc xử phạt, trách nhiệm của các đối tượng liên quan.

“Với những quy định nhập nhằng, thiếu khả thi thì tôi chắc rằng số người nghiện ma túy trong thời gian tới còn tăng hơn nữa.” Do đó đại biểu Dung đề nghị, những người cai nghiện đủ 18 tuổi trở lên khi phát hiện nghiện ma túy đều phải bắt buộc đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc và họ phải chịu chi phí khi thực hiện việc cai nghiện tại các cơ sở bắt buộc. Họ chỉ có thể thực hiện cai nghiện tại cộng đồng khi đã thực hiện xong việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phương Thảo – Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giai-phap-quan-ly-ho-tro-sau-cai-can-quyet-liet-hieu-qua-hon-217360.html