Giải pháp phù hợp

Sau nhiều năm can dự vào chiến trường Xy-ri, chính quyền Mỹ mới đây cho biết, đã thông báo đến Quốc hội về việc hủy bỏ dự án trị giá hơn 200 triệu USD cho các chương trình khôi phục ổn định tại Xy-ri. Ðộng thái này khiến dư luận hoài nghi rằng 'miếng bánh tái thiết Xy-ri' chưa đủ hấp dẫn hay tính phức tạp của chiến trường này khiến Mỹ không muốn bị sa lầy. Cho dù câu trả lời là gì thì cũng chứng tỏ vai trò ngày càng mờ nhạt của Mỹ, trên 'bàn cờ Xy-ri'.

Số tiền tài trợ các dự án tái thiết Xy-ri nêu trên đã được cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ R.Ti-lơ-xơn cam kết hồi tháng 2 vừa qua, song phần lớn trong số đó đã bị giữ và xem xét lại khi ông bị cách chức một tháng sau đó. Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đã ra lệnh "đóng băng" khoản kinh phí 230 triệu USD dành tái thiết Xy-ri sau khi ông tuyên bố muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Ðông. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, mặc dù quyết định chuyển hướng khoản kinh phí ổn định tình hình Xy-ri sang các mục tiêu ưu tiên khác, nhưng chính quyền Oa-sinh-tơn không thay đổi cam kết đối với các mục tiêu ở quốc gia Trung Ðông này. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Trung Ðông Ð.Xát-tơ-phin nêu rõ, trong tương lai, Mỹ sẽ không hỗ trợ tái thiết nếu không có sự xác nhận của Liên hợp quốc về "quá trình chuyển đổi chính trị không thể đảo ngược" tại Xy-ri.

Ðộng thái nêu trên cho thấy, Mỹ vẫn không ngừng theo đuổi mục tiêu nhằm thay đổi chế độ tại Xy-ri. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Nga - quốc gia dành sự ủng hộ cho Tổng thống Xy-ri B.Át-xát, đang thể hiện vai trò dẫn dắt việc đi tìm giải pháp cho Xy-ri, thì một "kịch bản" về sự ra đi của ông Át-xát như Mỹ và các đồng minh mong muốn khó xảy ra.

Bởi thế, việc Mỹ muốn rút khỏi Xy-ri lúc này cũng là sự chuyển hướng thích hợp. Sau hội nghị kéo dài hai ngày do Ủy ban Kinh tế và Xã hội Tây Á của Liên hợp quốc (ESCWA) tổ chức tại Li-băng mới đây, Liên hợp quốc đã đưa ra báo cáo cho biết, cuộc xung đột kéo dài suốt bảy năm qua khiến Xy-ri thiệt hại với phí tổn ước tính lên tới gần 400 tỷ USD.

Ðược sự hỗ trợ của không quân Nga, quân đội Xy-ri đã giải phóng thêm nhiều khu vực ở tỉnh Xuây-đa, tây nam nước này, từ tay lực lượng phiến quân được thế lực nước ngoài hậu thuẫn, qua đó giành lại 60% lãnh thổ bị các nhóm khủng bố và phiến quân chiếm giữ. Nga đã nổi lên như cường quốc trung gian khi Mát-xcơ-va phối hợp Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình Xy-ri ở A-xta-na (Ca-dắc-xtan). Tuy nhiên, Nga cáo buộc phương Tây cố tình cản trở tiến trình A-xta-na về hòa bình Xy-ri, sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ. Nga khẳng định, dù còn không ít khác biệt, song nước này cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran đã tìm được biện pháp đúng đắn, góp phần làm thay đổi tình hình tại Xy-ri.

Trong lúc Mỹ tuyên bố rút khỏi các hoạt động tái thiết Xy-ri thì vẫn có những thông tin về việc các lực lượng Mỹ bắt đầu xây dựng một căn cứ không quân mới ở vùng An Sa-đa-đi, tỉnh Ha-xa-ca, đông bắc
Xy-ri. Tổ chức Giám sát nhân quyền Xy-ri (SOHR) tiết lộ, liên quân do Mỹ đứng đầu đã điều động hơn 250 xe tải chở nhiều vũ khí và đạn dược tới các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Các lực lượng dân chủ Xy-ri (SDF) ở bờ Ðông sông Ơ-phơ-rết. Ðây là một phần trong kế hoạch phát triển và trang bị cho các căn cứ của liên quân ở phía đông và đông bắc Xy-ri. SOHR cho rằng, quân đội Mỹ đã bắt đầu phát triển và trang bị thêm cho ba căn cứ của nước này ở các tỉnh Ha-xa-ca và A-lép-pô, đồng thời đang xây dựng thêm một căn cứ lớn ở khu vực do SDF kiểm soát.

Mỹ đã không thể làm thay đổi được thực tế hiện nay là Nga đang hỗ trợ hiệu quả và giúp quân đội Xy-ri giành thế thắng trên nhiều mặt trận. Oa-sinh-tơn buộc phải cắt giảm sự can dự vào Xy-ri, song cũng không thể buông tay bỏ mặc phiến quân Xy-ri mà Mỹ và liên quân hậu thuẫn. Sau khi Mỹ đình chỉ khoản kinh phí ổn định tình hình Xy-ri, khoản tiền này được bù đắp bằng 300 triệu USD do các nước đối tác trong liên minh chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cung cấp, trong đó A-rập Xê-út cam kết hỗ trợ 100 triệu USD. Các khoản đóng góp của các nước đối tác được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm để chia sẻ chi phí cho việc tái thiết Xy-ri và bảo vệ các thành quả đạt được trong cuộc chiến chống IS. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngay lập tức hoan nghênh sự đóng góp của A-rập Xê-út nhằm giúp hồi sinh các thành phố bị IS tàn phá như Rắc-ca.

Trong lúc Mỹ rơi vào tình thế "đi mắc núi, ở lại mắc sông", diễn biến nêu trên được cho là giải pháp phù hợp cho Oa-sinh-tơn, khi Mỹ không còn giữ vai trò trung tâm trong những vấn đề liên quan Xy-ri. Thủ tướng Ðức đã đề cập khả năng tổ chức một cuộc gặp bốn bên về tình hình Xy-ri, với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Ðức. Cuộc chiến Xy-ri đang đi đến hồi kết, song công cuộc tái thiết mới chỉ bắt đầu với chặng đường gian nan ở phía trước.

MỸ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37356302-giai-phap-phu-hop.html