Giải pháp phát triển nghề nuôi cá nước ngọt ở huyện Thạch Thành

Huyện Thạch Thành có gần 930 ha mặt nước, với 58 km chiều dài sông Bưởi chảy qua 15 xã, thị trấn, 12 hồ đập có thể nuôi trồng thủy sản kết hợp với thủy lợi. Vì vậy, để phát huy tiềm năng, lợi thế này, những năm gần đây, huyện Thạch Thành đã có chủ trương khuyến khích, phát triển nuôi trồng thủy sản trên tất cả diện tích ao, hồ, sông, suối.

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ tại xã Thành Tâm (Thạch Thành).

Theo đó, những năm qua, huyện đã và đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức về nuôi cá lồng; xây dựng, trình diễn các mô hình nuôi cá lồng làm cơ sở để nhân rộng tại các địa phương. Đồng thời, chú trọng công tác quản lý, khuyến cáo người dân về sử dụng nguồn giống cá khi đưa vào thả nuôi.

Được chính quyền địa phương khuyến khích phát triển nuôi thủy sản, nên số hộ mạnh dạn tham gia đầu tư nuôi cá nước ngọt theo hình thức thả lồng trên sông và các hồ trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thạch Thành, hiện toàn huyện có 43 hộ nuôi cá lồng, với tổng số 140 lồng nuôi tại 10 xã. Trong đó, có 38 hộ nuôi, với 79 lồng nuôi cá trên sông Bưởi, tại 7 xã, thị trấn, gồm: thị trấn Kim Tân, Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thạch Định, Thành Vinh, Thành Trực và Thành Kim; có 5 hộ nuôi, với 61 lồng nuôi trên các hồ: Giếng Ấm, Đồng Phú, Tây Trác, tại 3 xã: Thành Tâm, Thành Tân, Thành Long.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thành, đánh giá: Các đối tượng nuôi cá lồng chủ yếu trên địa bàn là rô phi, trắm cỏ, chép lai; hình thức nuôi của các hộ dân trên sông Bưởi chủ yếu là nuôi bán thâm canh, kết hợp với đánh bắt, nên năng suất, sản lượng đạt thấp, chỉ có số ít hộ nuôi cá lồng trên các hồ là đầu tư thâm canh. Vì vậy, sản lượng từ nuôi cá lồng hàng năm của huyện chỉ đạt khoảng 134 tấn/năm, doanh thu đạt từ 160 đến 200 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/ha/vụ. Hiệu quả này cho thấy nghề nuôi cá nước ngọt tại huyện Thạch Thành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Sở dĩ nuôi cá lồng trên sông, hồ của huyện Thạch Thành đạt hiệu quả kinh tế chưa cao là do hầu hết các hộ dân đều nuôi cá lồng với quy mô nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm, nên công tác phòng bệnh và trị bệnh cho cá chưa tốt. Nguồn nước trên hệ thống sông Bưởi không ổn định, lại thường xuyên xảy ra các vấn đề về môi trường của nguồn nước, nên cá hay bị chết, làm ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả kinh tế và tâm lý đầu tư mở rộng sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, sản phẩm cá sau thu hoạch hầu hết đều bán cho thương lái tiêu thụ ở thị trường tự do, nên không ổn định.

Trên cơ sở phân tích thực trạng và những khó khăn, hạn chế, để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt ở huyện Thạch Thành, nhất là nuôi cá lồng, chính quyền địa phương và các hộ dân có diện tích nuôi cá nước ngọt cần chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng. Tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản, khuyến khích người nuôi áp dụng mô hình kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuỗi các tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP để tạo ra các sản phẩm tươi ngon, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến ngư đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó đưa vào thả nuôi các giống thủy sản có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, phù hợp với hình thức nuôi lồng trên sông, hồ. Cùng với đó, khuyến khích các dự án đầu tư phát triển nuôi cá lồng kết hợp với việc chế biến, tiêu thụ gắn với loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm thực tế để nâng cao giá trị sản xuất. Đồng thời, áp dụng việc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc đối với cơ sở nuôi.

Bài và ảnh: Tiến Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/giai-phap-phat-trien-nghe-nuoi-ca-nuoc-ngot-o-huyen-thach-thanh/132165.htm