Giải pháp phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu

Bài 2: Cơ cấu lại dựa trên ứng dụng công nghệ cao

Trong thời gian dài, TP Hồ Chí Minh phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu là phù hợp đối với kinh tế thành phố. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương khác, thành phố cần phải cơ cấu lại ngành công nghiệp.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Theo các chuyên gia, sản xuất của bốn ngành công nghiệp trọng yếu tuy có sự phát triển tương đối tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố. Phần lớn doanh nghiệp (DN) sản xuất còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, còn hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa vẫn chưa cao. Chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng cao và xu hướng đầu tư ra các tỉnh của các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng tăng. Quỹ đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của DN, do đó nhiều DN thành phố đã đầu tư cơ sở sản xuất ra các địa phương lân cận. Tính liên kết giữa DN sản xuất công nghiệp các ngành, DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, các doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Ngoài ra, phần lớn DN của bốn ngành công nghiệp trọng yếu là DN vừa và nhỏ, chiếm 60 đến 70%, có trình độ công nghệ trung bình. Cùng với đó, nhiều DN hạn chế về vốn, quy mô, chưa đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, quản trị sản xuất, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu đến khâu hậu mãi... vì thế còn hạn chế về năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cho biết: "Bên cạnh những thuận lợi về chính sách, thị trường và tiềm năng phát triển, các DN cơ khí khuôn mẫu đang gặp phải rất nhiều khó khăn làm cho ngành chưa thật sự phát triển đúng với tiềm năng vốn có. Về nguồn nhân lực, do đặc thù ngành cơ khí khuôn mẫu chính xác cao là một ngành khó, ngoài kiến thức chuyên môn, còn đòi hỏi người lao động có óc sáng tạo. Hiện, để tìm được nguồn nhân lực có trình độ cao và ổn định cho DN không phải là việc dễ dàng. Ngoài ra, về nguồn vốn đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng nhất nhưng cũng là vấn đề khó khăn nhất. Vì đầu tư vào ngành cơ khí nói chung, khuôn mẫu chính xác nói riêng, cần phải có nguồn vốn rất lớn nhưng chậm có lãi và thu hồi vốn rất lâu. TP Hồ Chí Minh đã thành lập nhiều quỹ hỗ trợ vốn đầu tư cho DN nhưng thủ tục hành chính còn phức tạp, khó tiếp cận, vì thế cần cải cách thủ tục hành chính quyết liệt hơn". Ông Trí cũng cho biết thêm, ngành cơ khí đa dạng về sản phẩm nhưng cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh của các DN trong nước chưa đủ mạnh.

GS,TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định: "Các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố trong những năm qua đã có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển, nhưng trong bối cảnh mới với mức độ đô thị hóa cao và cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành này đã bộc lộ những điểm yếu, và tỷ trọng đóng góp vào GRDP đang có xu hướng chững lại với sự lấn át từ các ngành dịch vụ".

Dựa trên bốn trụ cột

Ðặt toàn ngành công nghiệp thành phố trong bối cảnh hiện nay, nhất là sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc nhiều DN trên địa bàn thành phố đầu tư ra các địa phương lân cận, GS, TS Nguyễn Trọng Hoài đề xuất một cách tiếp cận mới theo hướng đổi mới sáng tạo, cùng với thiết kế môi trường phát triển đồng bộ theo quan điểm không tập trung vào một ngành công nghiệp cụ thể nào. "Thành phố cần xây dựng hệ sinh thái cho tất cả các ngành cùng cạnh tranh và phát triển theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó là xây dựng, phát triển một hệ sinh thái nhằm chuyển đổi các ngành công nghiệp hiện hữu, bao gồm cả các ngành công nghiệp trước đây được xem là trọng yếu theo hướng thông minh, đổi mới sáng tạo và hiệu quả...", GS, TS Nguyễn Trọng Hoài nói.

Dựa theo số liệu phân tích của hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam được ban hành năm 2019, trong bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, có đến 11 ngành cấp 2, 42 ngành cấp 3, 84 ngành cấp 4 và 107 ngành cấp 5, PGS, TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Việc ưu tiên phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu là rất rộng và dàn trải, các nguồn lực khó có thể đáp ứng. Vì vậy, định hướng phát triển công nghiệp thành phố trong thời gian tới cần dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, gắn với kinh tế vùng. Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước trong mối liên kết vùng, việc xác định bốn ngành công nghiệp trọng yếu để tập trung phát triển không còn phù hợp đối với thành phố. Vì vậy, định hướng phát triển công nghiệp thành phố trong thời gian tới không nên tiếp tục lựa chọn bốn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như trước đây mà phát triển công nghiệp dựa trên bốn trụ cột chính: phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, nghiên cứu phát triển, liên kết vùng".

Các chuyên gia cũng cho rằng, xét trên phương diện tổng thể, thành phố cần thay đổi hướng tiếp cận trong việc khuyến khích phát triển công nghiệp. Cụ thể, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, bởi vấn đề này có tác động lan tỏa đến hầu hết các ngành công nghiệp, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng tính cạnh tranh. Ðồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, vì đây là một trong những phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi sản xuất công nghiệp. Do đó, thành phố cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển trên địa bàn thành phố...

Ðể làm đòn bẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: Thành phố sẽ tập trung triển khai, sớm hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông; xây dựng khu công nghiệp mới với hơn 360 ha để tạo quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Cùng với đó, thành phố tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp như: robot, tự động hóa, năng lượng thông minh, phần mềm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ phát triển; đẩy mạnh thu hút các ngành có khả năng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa rộng đến các ngành kinh tế khác. Thành phố cũng tiến hành rà soát toàn bộ các chính sách hỗ trợ đối với các ngành công nghiệp, nghiên cứu đề ra các chính sách hỗ trợ mới, tối ưu nhất trong thẩm quyền của thành phố...

(*) Xem Trang TP Hồ Chí Minh từ số ra ngày 13-12-2019.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42605202-giai-phap-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-trong-yeu.html