Giải pháp phát triển bền vững cây có múi tại huyện Lục Ngạn: Đẩy mạnh liên kết

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) hiện có 3.990ha cây ăn quả có múi, cho sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm, giá trị doanh thu ước đạt 700-800 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích cây có múi trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại như: chủ yếu trồng tự phát, phân tán, nhỏ lẻ; khả năng đầu tư, thâm canh của các mô hình chưa cao; việc ứng dụng các kỹ thuật mới còn hạn chế... Giải pháp để phát triển bền vững cây có múi tại huyện Lục Ngạn là gì?.

Huyện Lục Ngạn hiện có 3.990 ha cây ăn quả có múi, cho sản lượng khoảng 30.000 tấn, giá trị doanh thu ước đạt 700 - 800 tỷ đồng/năm.

Hiệu quả cao

Theo báo cáo của UBND huyện Lục Ngạn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện này là 31.757,59 ha, trong đó diện tích cây ăn quả các loại là 26.667ha. Riêng diện tích vải thiều chiếm tới 16.293ha, diện tích cây có múi 3.990ha bao gồm: cam đường Canh, cam Vinh, cam V2, bưởi Diễn. Hàng năm, cây có múi cho sản lượng khoảng 30.000 tấn, giá trị doanh thu ước đạt 700-800 tỷ đồng.

Thực tế, cây có múi đã đem lại thu nhập khá cao cho người sản xuất. Giá trị thu nhập trung bình từ 500-600 triệu đồng/ha và có thể đạt tới 1,2-1,5 tỷ đồng/ha. Đặc biệt, cây có múi ở Lục Ngạn cho chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Theo ông Nguyễn Thành Đồng, Chủ tịch UBND xã Quý Sơn, hiện xã này có 2.348ha cây ăn quả các loại, trong đó diện tích cây có múi chiếm 423ha. Việc chuyển đổi một phần diện tích vải thiều, diện tích cấy lúa cho năng suất thấp sang trồng cây ăn quả có múi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần cho người dân Quý Sơn.

Ông Đồng so sánh, người trồng cam đường Canh cho thu nhập cao gấp 17 lần so với cấy lúa, gấp 6,8 lần so với trồng vải, gấp 30 lần so với trồng hồng; cam Vinh cho thu nhập cao gấp 9,6 lần so với cấy lúa, gấp 3,9 lần so với trồng vải, gấp 18 lần so với trồng hồng... Nhiều mô hình trồng cây có múi cho giá trị thu nhập cao, từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, cá biệt có mô hình cho thu nhập trên 2,5 tỷ đồng/ha.

Còn theo đại diện UBND xã Tân Quang thì cây có múi nói riêng, cây ăn quả nói chung đã giúp đời sống người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 10,72%. Có nhiều hộ dân có doanh thu từ 800 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng/năm. Điển hình như, gia đình ông Trần Văn Hinh, ở thôn Đoàn Kết, có 2,6 mẫu (2,7 mẫu Bắc Bộ = 1ha) trồng cây có múi, đạt thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm; ông Trần Văn Hạnh, thôn Trường Sinh, thu nhập gần 1,2 tỷ đồng/năm trên diện tích 4,8 mẫu trồng cây có múi.

Với lợi thế, thế mạnh của mình, thời gian tới, UBND huyện Lục Ngạn xác định tập trung thâm canh, cải tạo, mở rộng diện tích và tổ chức sản xuất theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Phấn đấu sản xuất theo quy trình VietGAP, đạt 1.350ha vào năm 2020. Trong đó, vùng phát triển cam trồng mới 655ha, tập trung mở rộng diện tích cam Vinh, cam V2. Vùng phát triển cây bưởi, trồng mới 190ha, tập trung ở các xã: Tân Quang, Tân Mộc, Quý Sơn, Thanh Hải, Nam Dương, Phượng Sơn, Tân Lập......

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Đồng, việc phát triển diện tích cây ăn quả của xã vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các mô hình trồng cây ăn quả có múi vẫn còn mang tính tự phát; đầu tư chưa đúng mức, phân tán nhỏ lẻ, manh mún, khả năng đầu tư thâm canh của các mô hình chưa cao, việc ứng dụng các kỹ thuật mới còn hạn chế. Cây giống chưa được quan tâm đúng mức nên độ tuổi, chất lượng giống không đồng đều.

Hình thức, mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa cao; kỹ thuật canh tác còn nhiều bất cập; bón nhiều phân vô cơ, phun nhiều thuốc hóa học; kỹ thuật bón phân, phun thuốc chưa đúng quy trình. Do đó, nguy cơ ô nhiễm đất, nước tăng cao. Năng suất cây có múi không ổn định. Hiện nay, việc tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái và quả tươi là chính, một số loại cây ăn quả không qua chế biến, chưa có thương hiệu, nhãn hiệu (trừ vải thiều). Vai trò của Nhà nước trong liên kết 4 nhà còn nhiều hạn chế, thị trường đầu ra cho sản phẩm còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả huyện Lục Ngạn cho biết, các loại cây có múi thường có rất nhiều sâu bệnh, đặc biệt là bệnh vàng lá gân xanh (Greening), khi đã để bệnh này phát triển thành dịch thì rất nguy hiểm, bệnh lây lan ra cả xóm, cả xã nếu không phòng trị tốt, gây thiệt hại rất lớn, có khi phải xóa sổ diện tích cả vùng. Bệnh này chưa có thuốc chữa, phòng bệnh là chính, một vài hộ gia đình phòng thì không có tác dụng mà tất cả mọi người trồng cây có múi đều phải phòng thì mới hiệu quả”.

Lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn thừa nhận, việc liên kết “4 nhà” còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, chưa có sự ràng buộc lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và nông dân; chưa có chính sách đủ mạnh để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia sâu vào các khâu từ tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng sản phẩm đồng đều, sản xuất khép kín theo hướng bền vững.

Lãnh đạo huyện Lục Ngạn nhấn mạnh, phát triển sản xuất trong những năm gần đây hầu hết mang tính tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch. Người dân tự chuyển đổi đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp sang phát triển các loại cây ăn quả làm phá vỡ các quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Cần có giải pháp hữu hiệu

Về giải pháp phát triển bền vững diện tích cây ăn quả có múi, ông Bùi Đức Long, chủ trang trại cam đường Canh ở xã Hồng Giang, cho biết, Nhà nước cần chú trọng tới hoạt động hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm của nông dân; khuyến khích thúc đẩy thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, các doanh nghiệp, trang trại trong nông nghiệp. Phát huy các loại hình dịch vụ mà nông dân đang quan tâm như: vật tư phân bón, máy nông nghiệp, cây - con giống các loại, dịch vụ về vốn, hoạt động quảng bá tiếp thị sản phẩm… Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của tập đoàn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Lãnh đạo huyện Lục Ngạn cũng khẳng định, thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào một số việc mang tính chiến lược như: Tập trung đào tạo cán bộ kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật cho người dân; tăng cường công tác quản lý, tổ chức sản xuất và cung ứng giống; đầu tư xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm quả đặc sản; xây dựng liên kết sản xuất, sơ chế và kinh doanh; tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp các hộ nông dân trồng, thâm canh cây ăn quả.

Đặc biệt là tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm cây ăn quả. Huyện sẽ kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến, bảo quản quả, không để tình trạng đưa các loại quả kém chất lượng, sử dụng thuốc bảo quản ngoài danh mục không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông vào thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hoàng Văn

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/giai-phap-phat-trien-ben-vung-cay-co-mui-tai-huyen-luc-ngan-day-manh-lien-ket-post2961.html