Giải pháp ngừa bệnh đái tháo đường

Thừa cân, béo phì và lối sống ít vận động là những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh đái tháo đường và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Các chuyên gia khuyến cáo các giải pháp hữu hiệu để phòng tránh bệnh, đó là duy trì cân nặng hợp lý bằng cách thực hiện chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, rèn luyện sức khỏe.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thực hiện lối sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng tránh bệnh đái tháo đường.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thực hiện lối sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng tránh bệnh đái tháo đường.

Kết quả do Bộ Y tế điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm ở nhóm tuổi từ 18-69 cho thấy, trong 5 người trên 65 tuổi thì có một người mắc bệnh đái tháo đường; tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán gần 70%. Việt Nam hiện có 2 triệu người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán, đang chịu các biến chứng âm thầm hủy hoại sức khỏe.

Thừa cân, béo phì, ít hoạt động thể lực được xác định là những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh đái tháo đường. Do vậy, tại Hội nghị khoa học về Bệnh Nội tiết, Ðái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần thứ X vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, Ban tổ chức phát đi thông điệp: “HbA1C ≤ 7% cho bệnh nhân đái tháo đường; vòng bụng đạt chuẩn: dưới 80cm đối với nữ và dưới 90cm đối với nam”. Theo GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Ðái tháo đường Việt Nam, thông điệp đó chính là khẩu hiệu hành động, kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức phòng tránh căn bệnh mạn tính nguy hiểm này. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, nếu đạt những chỉ số tiêu chuẩn trên, không những giúp phòng và điều trị tốt hơn nhiều bệnh về tiền đái tháo đường, đái tháo đường, các rối loạn chuyển hóa, tim mạch, sa sút trí tuệ, kể cả ung thư mà còn góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.

GS.TS Trần Hữu Dàng cho biết, tình trạng thừa cân, béo phì không chỉ gây ra đái tháo đường mà còn dẫn đến nhiều bệnh lý và biến chứng nguy hiểm khác, trong đó nặng nề nhất là biến chứng tim mạch. Cứ 10 người đái tháo đường tử vong, có hơn 5 người chết vì bệnh lý tim. Ðó là do mạch máu bị xơ vữa, lòng mạch hẹp gây tắc, viêm mạch, dẫn đến các cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, tắc chi. Ðái tháo đường có nhiều thể, phổ biến là đái tháo đường tuýp 2, chiếm hơn 90% tổng số người mắc bệnh lý này. Nhóm đối tượng này thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể cải thiện tình trạng, kiểm soát tốt bệnh và đôi khi không cần dùng thuốc.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Ðào, Phó Giám đốc Viện Tim Tâm Ðức, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và Ðái tháo đường Việt Nam, chế độ dinh dưỡng và vận động rất quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường cũng như người chưa mắc bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, đến năm 2030, bệnh đái tháo đường trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7 trên thế giới. Bệnh lý đái tháo đường đang có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, độ tuổi mắc bệnh phổ biến là sau 40 nhưng nay nhiều bệnh nhân ở tuổi vị thành niên. Do vậy, để phòng tránh bệnh lý này, việc làm thiết thực trước tiên là điều chỉnh lối sống, thực hiện chế độ dinh dưỡng y khoa, vừa cung cấp năng lượng đảm bảo cho cơ thể hoạt động, vừa góp phần kiểm soát được cân nặng, chỉ số đường huyết cho cơ thể.

Căn cứ trên tổng trạng sức khỏe và nhu cầu cơ thể, các bác sĩ chuyên khoa về nội tiết và dinh dưỡng phối hợp đưa ra chỉ dẫn hợp lý về khẩu phần ăn cho từng cá nhân. Ðể phòng tránh bệnh đái tháo đường tuýp 2 đang gia tăng trong cộng đồng, cần có chiến lược truyền thông rộng rãi để nâng cao ý thức, chuyển đổi hành vi của người dân. Hướng dẫn người dân ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh như sử dụng thuốc lá, rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh và tình trạng béo phì, lười vận động. Mọi người cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giúp ngăn chặn quá trình phát triển bệnh và nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/giai-phap-ngua-benh-dai-thao-duong-a127307.html