Giải pháp nào quản lý hiệu quả rác thải nhựa tại Việt Nam?

Với mong muốn tăng cường sự kết nối hợp tác giữa khu vực công - tư trong vấn đề quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, hội thảo 'Rác thải nhựa - khu vực công - tư cùng giải quyết thách thức' do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, đã thu hút nhiều thành phần trong nước và quốc tế tham dự, nhằm thảo luận đưa ra các giải pháp hữu hiệu cho vấn đề trên.

Ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam - SOS!

Cảnh báo về ô nhiễm và mối nguy hại rác thải nhựa đang gia tăng trên toàn cầu trong đó có Việt Nam, tiến sĩ Albert T. Lieberg, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO) đã chia sẻ những con số thống kê kinh hoàng.

13 triệu tấn rác thải nhựa thải ra đại dương mỗi năm

13 triệu tấn rác thải nhựa thải ra đại dương mỗi năm

Có khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa được sản xuất từ năm 1950 đến nay và 60% trong số đó không thể phân hủy. Chỉ tính riêng năm 2018, có 300 tấn nhựa đã được sản xuất và dự kiến con số này là 500 triệu tấn vào năm 2030.

Theo tiến sĩ Albert T.Lieberg, tốc độ sản xuất nhựa gia tăng chóng mặt theo xu hướng dùng 1 lần mà không tái sử dụng khiến rác thải nhựa gia tăng với 5.000 tỷ túi nhựa mỗi năm. Có khoảng 1 triệu chai nhựa được mua mỗi phút, 100 ngàn động vật biển đã bị giết mỗi năm bởi rác thải nhựa; 60% chất thải nhựa được thải ra từ châu Á. Trong đó Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu chịu trách nhiệm cho 13 tấn rác thải nhựa thải ra đại dương mỗi năm…

Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu về xả rác thải nhựa ra biển

Ông Nguyễn Thành Phương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam, Tổng cục Môi trường cũng nhìn nhận: Hiện Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất (theo một báo cáo gần đây của Mỹ), trong khi đó Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về xử lý rác thải nhựa.

Đẩy mạnh hợp tác công - tư, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ là giải pháp hữu hiệu

Đó là quan điểm chung của nhiều đại biểu tham dự hội nghị khi chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận tìm kiếm giải pháp tốt nhất.

Tại hội thảo, ông Phương đã cập nhật những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm giảm thiểu rác thải nhựa với 3 định hướng chính sách nổi bật là: Cải thiện môi trường pháp lý; Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường và Định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả các chính sách trên, theo ông Phương sự bắt tay giữa khu vực công và tư đóng vai trò quyết định.

Hợp tác công - tư và phát triển kinh tế tuần hoàn theo hướng bền vững sẽ quản lý hiệu quả rác thải nhựa ra môi trường

Bà Đỗ Thị Diễm Thúy - Phó Phòng xử lý rác thải rắn, Sở Tài nguyên Môi trường TP. Hồ Chí Minh cũng đã chia sẻ những biện pháp mà chính quyền thành phố đang thực thi trong công cuộc giảm rác thải nhựa.

Cụ thể, từ năm 2016, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra 7 giải pháp cho rác thải môi trường, đặc biệt giảm rác thải nhựa ra môi trường như: Vận động tiểu thương chợ, siêu thị không phát túi nilon miễn phí; khuyến khích sử dụng túi sinh học hoặc nhựa tái chế để sử dụng nhiều lần. Thường xuyên tuyên truyền cho người dân sử dụng túi thân thiện môi trường. Hiện 100% siêu thị thành phố đã dùng túi nilon thân thiện với môi trường và thành phố đang nỗ lực tuyên truyền người dân phân loại rác tại nguồn…

Để phối hợp công - tư, bà Thúy cho biết, hiện thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác chuyển thành năng lượng…

Ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch EuroCham và đồng thời là Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh - cũng trình bày những khuyến nghị về quản lý rác thải nhựa từ các doanh nghiệp châu Âu. Những sáng kiến của các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành công nghiệp bao bì sẽ tạo ra những ảnh hưởng đột phá cho công cuộc quản lý rác thải nhựa. Như BASF- một doanh nghiệp châu Âu rất tâm huyết với phát triển nền kinh tế tuần hoàn và các giải pháp bền vững, đã giới thiệu những ví dụ thực tế khi đầu tư nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm nhựa sinh học thân thiện với môi trường (những sản phẩm này phân hủy 100% và trở thành hữu cơ).

Đại diện Công ty BAFS tại khu vực châu Á cho biết: Giải pháp cho rác thải nhựa là tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn xử lý nguồn tài nguyên quay vòng (tức tái sử dụng. BAFS đóng góp vào qui trình đó là đưa ra các sản phẩm tái sử dụng. Khả năng tái chế trong lĩnh vực nhựa chính là giải pháp hạn chế rác thải nhựa.

Ở khu vực tư nhân, có nhà máy của Việt Nam đã đi đầu sản xuất các sản phẩm túi phân hủy làm từ tinh bột đầu tiên như Tập đoàn An Phát Holdings - với các sản phẩm như túi vi sinh, dao thìa dĩa ống hút vi sinh, găng tay vi sinh, cốc giấy vi sinh… để thay thế cho các sản phẩm nhựa thông thường…

Ở góc độ đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, tiến sĩ Albert T. Lieberg chia sẻ: “Hơn 15 tổ chức và 25 sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đã khởi động chống rác thải nhựa và đưa ra qui tắc chống chất thải tại Việt Nam do Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng: Để có thể giải quyết vấn đề rác thải nhựa được hiệu quả và triệt để, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa khu vực công và tư, nhằm đưa ra những giải pháp và khung chương trình đồng bộ, mang tầm quốc gia.

Ông Nguyễn Nhơn Quý - Đại diện Công ty AEON Việt Nam: Hiện hệ thống siêu thị AEON mới chỉ sử dụng sản phẩm bao bì 50% thân thiện vì nếu dùng loại bao bì nhựa sinh học phân hủy 100% thì giá thành sẽ cao gấp 3 lần so với bao bì hiện tại (hiện 35 ngàn/kg), làm đội giá thành sản phẩm. Làm sao để giá bao bì sinh học phù hợp hơn, người dân có ý thức hơn khi sử dụng bao bì nhựa… rất cần có chính sách đồng bộ của Chính phủ…

Minh Long - Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-phap-nao-quan-ly-hieu-qua-rac-thai-nhua-tai-viet-nam-120726.html