Giải pháp nào giúp VNPT đảm bảo chất lượng mạng cao ở Tiền Giang?

Không chỉ là đơn vị đi đầu trong định hướng chú trọng phát triển các dịch vụ CNTT, VNPT Tiền Giang còn được đánh giá là đơn vị làm khá chắc hạ tầng mạng lưới dịch vụ, với tỷ lệ mất liên lạc/trạm thấp và độ khả dụng mạng BTS/NodeB cao tuyệt đối 100%.

Vậy đơn vị này đã có những giải pháp quan trọng nào để có thể triển khai hiệu quả mạng thông tin như thế?!.

Đầu tư mạng lưới đáp ứng khách hàng

Tiền Giang cách Tp.HCM chỉ 70km nên cũng là thị trường VT-CNTT khá sôi động trong số các tỉnh miền Tây nam bộ. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, thời gian qua VNPT Tiền Giang đã hết sức chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới thông tin liên lạc, mạng dịch vụ để phục vụ nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Cụ thể ở hầu hết các hạng mục như mạng MAN-E hay mạng truy nhập, đơn vị đã kịp thời đầu tư theo các cấu trúc mạng được phê duyệt cũng như theo các số liệu được dự báo phát triển thuê bao mới trên địa bàn. Nhờ tăng cường công tác nâng cao chất lượng mạng cáp quang nên đơn vị đã triển khai hiệu quả việc chuyển đổi dần các thuê bao từ cáp đồng sang. Đặc biệt, số lượng thuê bao dịch vụ FTTX tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017, trong đó chủ yếu là tăng trưởng dịch vụ GPON/FTTx.

Chỉ tính đến hết nửa năm đầu 2018, tổng số thuê bao FTTX trên địa bàn đã đạt gần 95.000 máy, hiệu suất sử dụng cổng chiếm gần 70%. Lưu lượng kết nối BRAS/BNG đi Mane cũng đã tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái - do các thuê bao được nâng cấp chuyển đổi từ xDSL lên FTTH. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao cho thuê bao FTTH trong thời gian tới, đơn vị cũng đã phối hợp cùng VNPT-Net triển khai các hợp đồng mở rộng BRAS/BNG mới, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Giải pháp giúp Tiền Giang đảm bảo chất lượng mạng cao

Lý giải về việc tỷ lệ mất liên lạc/trạm thấp và độ khả dụng mạng BTS/NodeB được đánh giá là cao tuyệt đối 100%, Phó Giám đốc VNPT Tiền Giang Đào Mạnh Hùng cho biết, đó là kết quả của cả một quá trình chú trọng xây dựng hạ tầng mạng của đơn vị - theo các tiêu chí Tập đoàn đề ra. Trong đó có 2 vấn đề chủ yếu là Truyền dẫn và Nguồn điện cho các trạm BTS.

Thực tế cho thấy ở nhiều nơi, việc để mất liên lạc/trạm BTS/NodeB phần lớn do vấn đề nguồn, khi mất điện lưới vì bất cứ lý do nào đó và máy phát điện dự phòng đã không kịp chạy để vận hành thông suốt thiết bị nhà trạm. Trong bối cảnh các nguồn lực (thiết bị, nhân công) cho việc đảm bảo Nguồn đối với các nhà trạm dựa trên nguồn vốn đầu tư của Tập đoàn còn hạn chế, VNPT Tiền Giang đã đề xuất giải pháp xã hội hóa máy nổ. Bằng cách khoán này, hàng tháng đơn vị phải trả tiền thuê cho các đầu mối/hộ gia đình chỉ từ 2,0-2,5 triệu đồng/trạm/tháng. Đây là cách mà các anh em làm kỹ thuật ở Tiền Giang gọi vui là “phải biết tự cứu mình trước khi trời cứu”. Hiện số nhà trạm được xã hội hóa máy nổ này trên địa bàn vào khoảng trên 85%; và cũng chính nhờ vậy mà trong khoảng 3-4 năm gần đây, độ khả dụng mạng của VNPT Tiền Giang luôn đạt yêu cầu.

Về vấn đề Truyền dẫn, các hệ thống mạng trên địa bàn Tiền Giang đều được đơn vị triển khai kết nối vòng Ring dự phòng đầy đủ, giúp đảm bảo giảm thiểu thấp nhất rủi ro mất kết nối 2G mỗi khi có sự cố về cáp quang. Còn rủi ro mất các kết nối 3G cũng bị hạn chế bớt, bởi điều này phụ thuộc rất lớn vào các thiết bị mà VNPT Tiền Giang phối hợp với các đơn vị triển khai trên địa bàn. Được biết, hiện năng lực hạ tầng mạng của VNPT Tiền Giang có khoảng 325 trạm 2G, 383 trạm 3G và 259 trạm 4G, sóng mạng luôn đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Những nỗ lực đảm bảo hạ tầng mạng dịch vụ của VNPT Tiền Giang đã góp phần quan trọng để công tác kinh doanh, bán hàng trên địa bàn đạt được kết quả tích cực. Đại diện Trung tâm kinh doanh VNPT Tiền Giang cho biết, qua 8 tháng đầu năm đơn vị này đã đạt 62% kế hoạch doanh thu; đặc biệt doanh thu từ băng rộng đã tăng 28,5 tỷ đồng, bằng 130% doanh số so với cùng kỳ năm ngoái; thị phần di động VinaPhone qua 8 tháng đã liên tục tăng trưởng - trong khi thị phần của các đối thủ lại có xu hướng giảm.

Thời gian này, VNPT Tiền Giang đang tiếp tục cố gắng kiện toàn công tác quản lý vật tư để hệ số tồn kho có thể thấp đạt quy định của Tập đoàn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển mạng đúng tiến độ, kịp thời đưa vào sử dụng để bổ sung vùng phủ sóng, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Q.T

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201810/giai-phap-nao-giup-vnpt-dam-bao-chat-luong-mang-cao-o-tien-giang-618214/