Giải pháp nào giúp Việt Nam vượt qua làn sóng Covid-19 thứ 2?

Với nguyên nhân, tính chất, quy mô khác biệt trong làn sóng thứ 2 dịch Covid-19, Quảng Nam, Đà Nẵng cùng cả nước phải có thái độ, phương pháp phòng, chống dịch khác so với trước.

Việt Nam thực hiện cách ly triệt để F0, F1, F2, thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội và biện pháp phòng, chống Covid-19, nhưng sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, cả nước liên tiếp xuất hiện ca mắc mới từ 20/7, số trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới 14 vào ngày 10/8.

Trong bài nghiên cứu dài 23 trang về tình hình dịch Covid-19 trên toàn thế giới và Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng làn sóng Covid-19 lần thứ 2 của nước ta có sự khác biệt lớn về nguyên nhân, quy mô và tính chất so với làn sóng đầu tiên.

Zing lược trích những nội dung chính của phân tích này.

Nhận diện làn sóng thứ 2 trên thế giới

Hơn 8 tháng từ thời điểm bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên của thế giới được ghi nhận tại Trung Quốc hồi tháng 1, dịch bệnh đã lan ra 213 nước với quy mô và tốc độ chưa từng thấy của một đại dịch có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ngày 10/1, bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên qua đời tại Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay, căn bệnh chưa có vắc xin đã lấy đi mạng sống của hơn 730.000 người.

Với sự gia tăng đột biến ca nhiễm sau khi đạt đỉnh dịch tại một số nước, Covid-19 đang có những dấu hiệu bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2.

 Sinh viên Hong Kong từ London trở về nhà hôm 17/3, trước khi nơi này siết chặt quy định nhập cảnh. Ảnh: Reuters.

Sinh viên Hong Kong từ London trở về nhà hôm 17/3, trước khi nơi này siết chặt quy định nhập cảnh. Ảnh: Reuters.

Dấu hiệu của làn sóng thứ 2 thể hiện rõ nét tại Nhật Bản, quốc gia này đã đạt đỉnh dịch vào ngày 29/4 với 11.443 người điều trị trong bệnh viện. Đến ngày 5/6, số trường hợp điều trị giảm còn 1.248 người.

Với việc sớm mở cửa các hoạt động thương mại, Nhật Bản liên tiếp xuất hiện ca nhiễm mới từ ngày 5/7. Đến tháng 8, Nhật Bản có hơn 12.600 trường hợp nhập viện do Covid-19. Trong ngày 21/6, chỉ 770 người mắc Covid-19 tại đất nước này phải tới bệnh viện.

Thời điểm này, chúng ta có thể nhận định Nhật Bản đang trải qua làn sóng thứ 2 của dịch bệnh với số người cần điều trị gấp 1,1 lần thời kỳ đỉnh dịch. Chúng ta chưa thể dự báo lúc nào thì Nhật đạt đỉnh trong làn sóng thứ 2 này.

Biểu đồ về làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Nhật Bản và Hong Kong. Dữ liệu: Bí thư Nguyễn Thiện Nhân.

Hong Kong là một trường hợp tương tự khi đạt đỉnh dịch ngày 9/4 với 936 người nhiễm và 696 người điều trị tại bệnh viện. Tới ngày 10/5, Hong Kong chỉ còn 74 người điều trị và đến 21/5, con số này giảm còn 26.

Đợt lây nhiễm Covid-19 thứ 2 của nơi này xuất hiện sau đó 44 ngày, số người cần điều trị bởi Covid-19 có dấu hiệu vượt ngưỡng an toàn. Nới lỏng tụ tập đông người, giảm mức kiểm soát các ca bệnh được cho là nguyên nhân dẫn tới trạng thái trên.

Do nới lỏng kiểm soát, mở cửa lại hoạt động kinh tế, nhiều nước có số bệnh nhân đã tăng mạnh trở lại và chưa dự báo được thời điểm an toàn.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Đến ngày 2/8, Hong Kong có 1.519 người điều trị tại bệnh viện do Covid-19, gấp 2,2 lần thời kỳ đỉnh dịch thứ nhất. Đến ngày 7/8, nơi đây ghi nhận 3.939 người nhiễm virus SARS-CoV-2, số người điều trị đã bắt đầu giảm.

Hong Kong là nơi vừa bước qua đỉnh dịch lần thứ 2 tuy nhiên cũng chưa biết bao giờ sẽ trở lại trạng thái an toàn.

Dấu hiệu của làn sóng thứ 2 cũng xuất hiện tại nhiều nơi khác như Australia, Israel và Campuchia. Cả 3 nước đều có một giai đoạn giảm mạnh về số ca nhiễm, số người phải điều trị do Covid-19. Tuy nhiên, do nới lỏng kiểm soát, mở cửa lại hoạt động kinh tế, số bệnh nhân đã tăng mạnh trở lại và chưa dự báo được thời điểm an toàn.

Nguyên nhân làn sóng thứ 2 tại Việt Nam

Việt Nam ghi nhận người mắc Covid-19 đầu tiên ngày 23/1, chạm đỉnh dịch vào ngày 30/3 với 178 người cần điều trị. Đến 18/6, cả nước chỉ có 10 người nhiễm virus SARS-CoV-2 đang khám chữa tại bệnh viện.

Với việc thực hiện cách ly ngay từ sân bay đối với trường hợp F0 từ nước ngoài về, những ca tiếp xúc F1, F2 được khoanh vùng trong thời gian ngắn, Việt Nam đã kiểm soát tốt vấn đề lây nhiễm trong cộng đồng. Kèm theo đó là việc giãn cách xã hội, đeo khẩu trang được thực hiện nghiêm túc, toàn đất nước trải qua 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam qua 2 làn sóng dịch bệnh. Dữ liệu: Bí thư Nguyễn Thiện Nhân.

Từ ngày 22/7, hàng loạt ca mắc Covid-19 xuất hiện tại Đà Nẵng và lan sang các địa phương khác. Điều đó đồng nghĩa với việc F0 của đợt lây nhiễm này là từ nước ngoài vào thông qua nhập cảnh trái phép đường bộ. Chỉ riêng tháng 7, Đà Nẵng và TP.HCM đã có hàng trăm người nhập cảnh trái phép bằng đường bộ từ một nước đã có dịch Covid-19. Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 của nước ta đến từ một nguyên nhân hoàn toàn khác với giai đoạn trước.

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 của nước ta đến từ một nguyên nhân hoàn toàn khác với giai đoạn trước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Tính đến 10/8, Việt Nam đang có 429 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện, gấp hơn 2 lần đỉnh lây nhiễm giai đoạn trước. Sau hơn 190 ngày không có người tử vong từ khi có dịch Covid-19, đất nước đã mất đi 15 sinh mạng do virus SARS-CoV-2.

Trong đỉnh dịch của làn sóng Covid-19 đầu tiên, Việt Nam có 178 người mắc Covid-19 cần điều trị, tỷ lệ là 1,8 người/1 triệu dân. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ người cần điều trị là 4,5 người/1 triệu dân. Về tổng thể, Việt Nam vẫn là nước có mức độ lây nhiễm thấp trên thế giới.

Tuy nhiên, tâm dịch Đà Nẵng là nơi có tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 phải điều trị ở mức cao với 150 người/1 triệu dân. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn tăng từng ngày và chưa thể xác định được giai đoạn chạm đỉnh.

Với số liệu trên, có khả năng từ 15 đến 20/8, Việt Nam sẽ có 1.000 ca nhiễm và khoảng 500 người cần điều trị tại viện. Làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam có thể nghiêm trọng hơn lần thứ 1 rất nhiều.

Chúng ta cần làm gì?

Từ thực tế xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ 2 ở Nhật Bản, Hong Kong, Australia và Israel, ta nhận thấy ở cuối làn sóng thứ nhất, khi số người phải điều trị giảm, các nước đã nhanh chóng nới lỏng kiểm soát (không đeo khẩu trang, tụ tập đông người), mở lại các hoạt động dịch vụ xã hội. Dịch bệnh bùng phát trở lại bởi nguyên nhân trên.

Tại Việt Nam, ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, Đảng và Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và được người dân, chính quyền các địa phương hưởng ứng mạnh mẽ. Đây là bài học quý giá cần tiếp tục phát huy trong công cuộc phòng, chống Covid-19.

Để dập dịch tại Quảng Nam, Đà Nẵng và tiếp tục giữ cho Việt Nam là nước không có dịch, công tác phòng, chống Covid-19 của cả nước cần bổ sung thêm nhiều biện pháp, phương châm so với trước đây.

Toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc, truyền thống đoàn kết - nhân ái - kiên cường của người Việt Nam phải được phát huy. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một tổ chiến đấu, mỗi quận, huyện là một pháo đài vững chắc phòng chống dịch.

Trong 2-3 tuần tới, Đà Nẵng, Quảng Nam cần cách ly với địa phương khác và hoàn tất việc dập dịch, ngăn chặn lây lan Covid-19. Để ngăn chặn F0 từ bên ngoài, biên giới đường bộ cần được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép.

Để ngăn chặn F0 từ bên ngoài, biên giới đường bộ cần được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Các địa phương về địa lý giáp ranh với Quảng Nam, Đà Nẵng đều nằm trong nhóm có nguy cơ dịch bệnh cao, cần triển khai những biện pháp phòng, chống Covid-19 phù hợp. Các tỉnh, thành phố khác có giao lưu với khu vực tâm dịch trong 1 tháng qua cũng cần thực hiện biện pháp tương tự.

Ngoài ra, Bộ Y tế cần là đầu mối để tập trung trang, thiết bị, vật tư y tế, thuốc men cho công tác dập dịch tại Quảng Nam, Đà Nẵng và phòng dịch toàn quốc. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cần đưa ra dự báo diễn biến lây lan trong nước 3 ngày và hàng tuần xác định các biện pháp cần triển khai trong cả nước, ở các ngành và các địa phương.

Các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện tốt phương châm phòng, chống dịch theo yêu cầu của dịch tễ học gồm: Chủ động phòng dịch sớm; Phát hiện kịp thời; Cách ly triệt để; Điều trị hiệu quả.

Những cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện phòng dịch cần vận dụng linh hoạt phương châm 5 tại chỗ là: Nhiệm vụ tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Trên cơ sở những phương châm, giải pháp đã nêu, chúng ta hoàn toàn có thể dập dịch thành công ở Quảng Nam, Đà Nẵng và phòng dịch hiệu quả ở các địa phương khác.

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng xuất viện: 'Tôi rất biết ơn bác sĩ' "Các bác sĩ đã tạm xa gia đình để đến đây, đem lại sức khỏe cho tôi và các bệnh nhân. Sự hy sinh của họ đáng được trân trọng", bệnh nhân 423 xúc động chia sẻ.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-phap-nao-giup-viet-nam-vuot-qua-lan-song-covid-19-thu-2-post1117918.html