Giải pháp nào giúp doanh nghiệp du lịch ứng phó với dịch cúm nCov?

Rất nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam đang chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus 2019-nCoV gây ra, đặc biệt ngành du lịch lâm vào cảnh khủng hoảng nghiêm trọng.

Du lịch vốn là ngành rất nhạy cảm với mọi diễn biến từ thiên tai, tự nhiên, chiến tranh, dịch bệnh… trên thế giới. Đặc biệt, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) đã không chỉ gây thiệt hại lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng mà còn trực tiếp làm suy giảm ngành du lịch.

Hơn lúc nào hết, thời điểm này các doanh nghiệp du lịch trong nước đang phải đối mặt hậu quả nghiêm trọng do virus 2019-nCoV) với việc suy giảm tới 70-80% số lượng khách hàng.

Du lịch lâm cảnh “sa mạc”

Nếu du lịch Việt đang ở vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12/2019 thì sang đầu tháng 1/2020 đã rơi vào khủng hoảng mà nguyên nhân trực tiếp là do virus 2019-nCoV.

Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch… trở nên phổ biến. Ước tính thiệt hại đối với ngành du lịch có thể lên tới con số hàng ngàn tỷ đồng.

Mối nguy hiểm từ dịch 2019-nCoV đã buộc nhiều quốc gia hành động quyết liệt, nhiều đường bay của các hãng hàng không không thể tiếp tục duy trì nên nhiều khách du lịch lâm cảnh “mắc kẹt” tại một số điểm đến…

“Có thể nói nhiều khu, điểm du lịch đã trở thành ‘sa mạc.’ So sánh với những gì đã xảy ra với ngành du lịch khi có dịch SARS năm 2012 thì ảnh hưởng của dịch nCoV đã tác động mạnh mẽ hơn. Dịch bệnh theo dự báo có thể sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục trong vòng vài tháng. Do vậy, có thể xem đây là một cuộc khủng hoảng tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch,” ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Hanoitourist chia sẻ.

Bên cạnh công tác phòng chống dịch, ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp hiện đang tham khảo những kinh nghiệm về xử ký khủng hoảng đã xảy ra trước đây nhằm hạn chế tối thiểu tác động của dịch nCoV tới du lịch Việt.

Với đặc tính của thị trường du lịch thường rất nhạy cảm với các thiên tai, dịch bệnh đồng thời cần có thời gian để khôi phục nên song song với phòng, chống dịch cần có những giải pháp cho các doanh nghiệp với những hướng đi cụ thể.

Người đi bộ đeo khẩu trang bảo vệ ở Tokyo. (Nguồn: Getty Images)

Người đi bộ đeo khẩu trang bảo vệ ở Tokyo. (Nguồn: Getty Images)

Doanh nghiệp làm gì?

Ông Phùng Quang Thắng cho rằng trước mắt, các doanh nghiệp cần xây dựng và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa.

Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác du lịch của Việt Nam ở thị trường nguồn nhằm cung cấp thông tin du lịch có chất lượng và mang tính chuyên nghiệp sẽ tạo ra sự tin tưởng của du khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam.

Do các thị trường du lịch quốc tế không nằm trong vùng dịch vẫn diễn ra tương đối bình thường nên những người làm du lịch xác định đẩy mạnh hoạt động tại các thị trường này, cả inbound và outbound.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia tích cực các sự kiện xúc tiến trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch ngay khi dịch bệnh được khống chế, không chờ dịch hết mới triển khai.

Theo ông Thắng, trong bối cảnh hiện nay, du lịch nội địa sẽ là hướng ưu tiên hàng đầu sau khi hết dịch bệnh. Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch kết thúc.

“Với các doanh nghiệp du lịch, sau khi đỉnh điểm dịch đi qua, để khôi phục và thúc đẩy du lịch nội địa cần lựa chọn điểm điểm phù hợp nhất. Có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách nội địa phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường của từng công ty,” ông Thắng nói.

Máy bay Vietnam Airlines được tiến hành khử trùng để phòng tránh virus corona. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo một số chuyên gia, cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, tập trung vào khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty Du lịch AZA, cho rằng công điện số 396/CĐ- BVHTTDL (ngày 3/2) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân công) để tránh tập trung đông người có phần hơi cực đoan. Bởi thực tế Chính phủ mới công bố dịch chứ vẫn chưa ban bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra.

Tuy nhiên, do các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị đóng cửa nên phía Công ty Du lịch AZA phải điều chỉnh điểm đến.

“Thay bằng những điểm di tích đã đóng vừa thì chúng tôi đưa khách đến làng cổ Đường Lâm, làng Gốm Bát Tràng, đi những điểm tham quan du lịch ngoài trời quanh khu vực Bờ Hồ… Tất nhiên khách sẽ không thể hoàn toàn hài lòng được như trong chương trình tour chuẩn đã được xây dựng nhưng vì liên quan tới việc đã chốt ngày vé máy may ra và vào của khách nên chúng tôi cũng không thể rút ngắn chương trình tour,” ông Đạt cho biết.

Rất nhiều doanh nghiệp du lịch Việt đang “như ngồi trên đống lửa” vì dịch bệnh… Nhưng trên tất cả, các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết hàng loạt tình huống phát sinh./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/giai-phap-nao-giup-doanh-nghiep-du-lich-ung-pho-voi-dich-cum-ncov/621663.vnp