Giải pháp nào để xóa 100 điểm ngập ở TPHCM?

Dù TPHCM đã triển khai nhiều dự án với kinh phí hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng không chỉ không giảm ngập mà tình trạng ngập còn phức tạp hơn trước. Chính quyền TPHCM đã quyết định 'rút quyền' Trung tâm chống ngập và kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân có năng lực tìm cách chống ngập.

Nhiều khu vực ở TPHCM bị ngập do mưa và triều cường.

Là người có tâm huyết, bỏ nhiều năm nghiên cứu về thực trạng ngập của TPHCM, ông Nguyễn Tăng Cường- Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đã đưa ra nhiều giải pháp chống ngập cho TPHCM với chi phí thấp và khả năng phát huy hiệu quả cao.

Sai lầm khi nâng đường, thay cống?

Trao đổi với phóng viên, ông Cường cho rằng, hiện nay trên địa bàn TPHCM có hơn 100 “khu vực ngập” chứ không phải “điểm ngập” bởi hơn 100 khu vực ngập này có diện tích lớn, từ ngoài đường vào khu dân cư chứ không riêng gì ngập ngoài đường.

Ông Nguyễn Tăng Cường, Anh hùng lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ.

Đại đa số trên 100 khu vực ngập đều có cốt nền rất thấp, từ 1,2m – 1,5m. Với cốt nền này thì nước thủy triều lên 1,5m là một số nơi đã bị ngập và thời gian bị ngập kéo dài vài giờ. Thành phố đã phải lắp các van 1 chiều để cho nước ngoài sông không xâm nhập vào bên trong. Tuy nhiên, vào mùa mưa, khi mưa trút xuống đúng vào lúc triều cường dâng lên thì nước không thoát đi đâu được.

Ông Cường đưa ra ví dụ về khu vực rộng 100ha, nếu 1h mưa xuống với vũ lượng 100mm thì ở khu vực này đã có 100.000m3 nước mưa. Chia đều cho 100ha, tương đương 1 triệu m2 thì mực nước khu vực này sẽ bị ngập bình quân 10cm. Sau đó nước chỗ cao sẽ chảy về chỗ thấp, chỗ nào có cốt nền thấp dưới 1,5m sẽ bị ngập sâu từ 50cm – 70cm trong nhiều giờ. Khi thủy triều rút xuống thì nước mới cạn. Hiện nay do trái đất nóng lên, nước biển dâng, cốt nền của TPHCM bình quân hàng năm bị lún tự nhiên từ 3-5cm, dự báo trong 10 năm tới, TPHCM sẽ bị lún 50cm, các điểm ngập ngày một tăng.

Nước ngập kiến công việc kinh doanh của người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Cường, giải pháp nâng đường, thay cống lớn để chống ngập như hiện nay không những không giảm ngập mà còn gây lãng phí, biến nhà dân thành ao chứa nước mỗi khi trời mưa. Nếu đường đã xuống cấp, hết tuổi thọ thì công tác sửa chữa, duy tu đường là chuyện đương nhiên. Còn nâng đường để chống ngập thì xung quanh khu vực có cốt nền thấp dưới 1,5m là nhà của dân sẽ thành “ao”, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe do tiếp xúc nước ô nhiễm, đảo lộn cuộc sống sinh hoạt và kinh doanh của người dân.

Nếu thay cống to để chống ngập mà đặt cống có độ dốc thủy lực tối thiểu 0,1% (theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng) thì cốt nền phải đạt 2,5m. Như thế, nền nhà của dân sẽ bị thấp hơn mặt đường 1m. Nếu nâng công trình lên cốt nền là 2m như quyết định 752 thì độ dốc thủy lực của cống chỉ đạt 1/2 độ dốc tối thiểu theo tiêu chuẩn. Như vậy, nhà của người dân sẽ thấp hơn mặt đường 50cm.

Người dân TPHCM vật lộn với nước ngập mỗi khi trời mưa lớn.

Tóm lại, nếu các chuyên gia đưa ra giải pháp nâng cốt nền đường và cốt nền đặt cống thì sẽ phải nâng cốt nền cho toàn bộ khu vực có cốt nền thấp. Như vậy sẽ phá vỡ hết kết cấu hạ tầng và vô cùng tốn kém, lãng phí tiền của nhân dân. Nếu nâng công trình cục bộ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, không giải quyết được chống ngập, càng gây lãng phí nghiêm trọng.

“Tôi cho rằng, nếu nâng đường, thay cống ở nơi có cốt nền thấp dưới 1,5m, không hiệu quả chống ngập thì phải quy trách nhiệm gây lãng phí tiền của nhân dân. Thậm chí nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì phải quy trách nhiệm hình sự”, ông Cường nói.

Nước ngoài chống ngập ra sao?

Ông Cường cho biết, ông đã có dịp đến nhiều nước trên thế giới và tìm hiểu công nghệ chống ngập của các nước trên thế giới và để chống ngập hiệu quả không thể thiếu máy bơm.

Nhiều nước tiên tiến dùng máy bơm công suất lớn để chống ngập.

Để không phá vỡ kết cấu hạ tầng, tiết kiệm ngân sách nhà nước khi chống ngập cho các khu vực có cốt nền thấp dưới 1,5m chỉ có giải pháp dùng bơm, đưa nước ra sông như Hà Lan, Nhật, Singapore, Malaisia và một số nước khác đang làm hiệu quả.

Tất cả các khu vực bị ngập của TPHCM đều có hệ thống cống thoát nước chảy ra sông, có chỗ gần sông và có chỗ xa sông. Theo nguyên tắc vật lý, nước chỗ cao sẽ chảy xuống chỗ thấp. Nhưng chúng ta muốn nước từ chỗ thấp lại chảy lên chỗ cao thì phải dùng bơm. Nhưng là loại bơm gì, không phải bơm nào cũng bơm được nước dưới cống để chống ngập. Mà ở dưới cống lại có rất nhiều tạp chất, thời gian phải bơm chống ngập rất nhanh, khoảng 10 – 20 phút thì mới đạt yêu cầu chống ngập.

“Còn việc một số chuyên gia cho rằng dùng máy bơm sẽ chuyển điểm ngập từ chỗ này qua chỗ khác, tôi xin khẳng định rằng, trên 100 khu vực bị ngập của thành phố nếu đồng loạt bơm nước ra sông thì nước ngoài sông chỉ dâng cao lên không quá 3cm, và không có chuyện bơm chỗ ngập này nước sẽ chảy sang chỗ ngập khác”, ông Cường nói.

TPHCM đang đối mặt với hiện tượng lún và nước biển dâng gây ngập nặng.

Cũng liên quan đến việc chống ngập cho TPHCM, “siêu máy bơm” chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh đã được đưa vào hoạt động ngót hai mùa mưa và có 23 lần thành công, 2 lần thất bại do tắc cống. Như TS.Nguyễn Thành Sơn cho rằng, nguyên nhân thất bại là do hệ quả của “quả đấm thủy lực”.

Ông Cường cho rằng, ông đã đọc nhiều bài viết có ý kiến của TS.Nguyễn Thành Sơn và bài nào cũng đưa ra công thức máy bơm ví như các công trình thủy điện. Hiện tượng có không khí vào đường ống hút và đường ống đẩy sẽ gây ra hiện tượng “quả đấm thủy lực”.

"Siêu máy bơm" chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh được đánh giá hiệu quả sau 2 mùa mưa.

Theo ông Cường, cột áp các công trình thủy điện là trên 10 At-mot-phe, cột áp của hệ thống bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ có 0,3 At-mot-phe. “Chúng tôi đã nghiên cứu thiết kế loại bơm lắp ở đường Nguyễn Hữu Cảnh là đã tính toán triệt tiêu toàn bộ “hiện tượng nước va”. Vì bơm của chúng tôi đặt dưới mực nước của đường ống cống, lúc nào nước cũng chảy về buồng bơm”, ông Cường khẳng định.

Còn TS.Nguyễn Thành Sơn đưa ra ví dụ như hiện tượng đường ống nước của sông Đà bị bục gần 30 lần để ám chỉ hiện tượng tắc cống, nước không chảy về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ông Cường giải thích, đường ống dẫn nước được kéo từ trên đập hồ Hòa Bình về Hà Nội có chiều dài gần 70km, cốt mực nước của hồ Hòa Bình là 122m (so với mực nước biển), cốt mực nước của sông Hồng là 4,8m – 5,5m. Như vậy độ chênh áp là 117m tương đương với 11,7 At-mot-phe.

Rác ngập dưới cống là một trong những nguyên nhân gây ngập ở TPHCM.

Lúc đầu tư lắp hệ thống đường ống dẫn nước này đáng lẽ chủ đầu tư phải chọn vật liệu đường ống là vật liệu thép mạ kẽm hoặc vật liệu gang cầu. Hiện nay lại chọn loại đường ống nhựa HDPE, không thể chịu được áp suất đường ống 11,7 At-mot-phe, mà lại không có dự phòng an toàn, trong khi chôn lấp ở các vùng đất tốt xấu khác nhau, có tải trọng nén cục bộ do các phương tiện có tải trọng khác nhau đi qua, chưa kể các mối nối của đường ống do quá trình thi công ở ngoài hiện trường không đảm bảo nên bị bục thường xuyên là lẽ đương nhiên, không liên quan đến “quả đấm thủy lực”.

Ngô Bình

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/giai-phap-nao-de-xoa-100-diem-ngap-o-tphcm-1295778.tpo