Giải pháp nào để phát triển đáp ứng hội nhập quốc tế?

Những năm qua, lĩnh vực đo lường đạt được nhiều thành tựu quan trọng và trở thành công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Tuy nhiên, hiện hạ tầng đo lường (HTĐL) của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình của khu vực ASEAN. Vì vậy, để HTĐL quốc gia phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế cần có những giải pháp phù hợp.

Đo lường mới đáp ứng 70-75% yêu cầu

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh: Đo lường là một lĩnh vực khoa học-kỹ thuật chính xác, có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh (SXKD), nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Hiện nay, hệ thống các cơ quan Nhà nước về đo lường có thẩm quyền đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trên địa bàn cả nước được xác lập và phát triển với hơn 350 tổ chức được cấp giấy chứng nhận, hơn 3.000 kiểm định viên đã và đang kiểm định khoảng 32 triệu phương tiện đo thuộc danh mục phương tiện đo nhóm 2 bắt buộc phải kiểm định, hiệu chuẩn trên phạm vi cả nước.

 Cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Hải Dương thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương kiểm định công tơ điện 3 pha. Ảnh: HẢI NINH

Cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Hải Dương thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương kiểm định công tơ điện 3 pha. Ảnh: HẢI NINH

Dưới sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường, thời gian qua, công tác quản lý chất lượng thiết bị đo đếm điện năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nâng cao chất lượng một cách mạnh mẽ. Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN: Tập đoàn đã tập trung đầu tư, lắp đặt đầy đủ thiết bị đo đếm cho từng khách hàng, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng “khoán” trong sử dụng điện; thay thế các thiết bị đo đếm cũ, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật bằng các thiết bị mới đạt tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường công tác giám sát hoạt động đo đếm điện. Đặc biệt, đối với khu vực nông thôn trước đây, lưới điện do các hợp tác xã quản lý, vận hành và bán điện, tỷ lệ tổn thất điện hơn 20%. Sau khi bàn giao cho EVN, các thiết bị đo đếm cũ, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật được thay thế, công tác thay thế công tơ định kỳ và đo đếm được quan tâm, tổn thất điện năng ở khu vực nông thôn đã giảm xuống. Tính đến cuối năm 2018, toàn EVN có hơn 27,1 triệu công tơ lắp đặt trên lưới, trong đó có hơn 26,9 triệu công tơ bán điện cho khách hàng, số công tơ điện tử và thu thập số liệu từ xa là hơn 10,1 triệu (chiếm tỷ lệ 37,2%).

Mặc dù đã đạt được những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực đo lường, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, HTĐL quốc gia của Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình của khu vực ASEAN; chưa bắt kịp xu thế thế giới hiện nay là phát triển HTĐL quốc gia để tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; chưa đáp ứng được những yêu cầu cao của một số lĩnh vực SXKD mới, quan trọng như: Công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông, trang thiết bị y tế công nghệ cao, logistics… Hệ thống các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 70-75% yêu cầu kiểm định; một số lĩnh vực SXKD, doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống các hoạt động tự bảo đảm đo lường cho chính hoạt động SXKD của mình. Năng lực sản xuất phương tiện đo, chuẩn đo lường ở trong nước còn rất hạn chế (chỉ chiếm khoảng 15% tổng số phương tiện đo, chuẩn đo lường đang sử dụng tại Việt Nam).

Phát triển hạ tầng đo lường theo hướng đồng bộ

Các chuyên gia đề xuất, cần xây dựng các kế hoạch đầu tư hằng năm và trung hạn phát triển HTĐL chất lượng quốc gia; trong đó tăng cường xây dựng và công nhận chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch và kế hoạch; công nhận mới các phép hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; phát triển các lĩnh vực đo lường mới trong các lĩnh vực: Y tế, hóa học, khoa học… Mặt khác, cần tập trung phát triển HTĐL từ cấp quốc gia đến cấp bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; tăng cường hợp tác, tham gia vào tổ chức, diễn đàn quốc tế, khu vực về đo lường khoa học và ứng dụng.

Trước những bất cập trong lĩnh vực đo lường, ngày 10-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996). Nhiệm vụ chính của Đề án 996 là phát triển HTĐL quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và bảo đảm đo lường chính xác cho hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Cụ thể, đến năm 2030 sẽ phát triển HTĐL quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất cho 20.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai chương trình bảo đảm đo lường ít nhất cho 100.000 doanh nghiệp; áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất đối với 2.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường...

LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-phap-nao-de-phat-trien-dap-ung-hoi-nhap-quoc-te-572899