Giải pháp nào để chống ngập nước?

Những năm gần đây, mưa lớn, triều cường tại TP Hồ Chí Minh xảy ra thường xuyên, nên nguy cơ ngập úng tại địa bàn ngày càng gia tăng. Mặc dù Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã không ngừng nỗ lực đầu tư công sức, trí tuệ, tài chính để khắc phục, nhưng tình trạng ngập nước tại TP Hồ Chí Minh vẫn diễn ra phức tạp. Vậy đâu là giải pháp căn cơ cho việc chống ngập tại địa phương này?

Thực trạng và nguyên nhân

Trên cơ sở nghiên cứu thực tế, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đã nhận thấy rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ngập úng tại địa bàn. Đáng chú ý, do tình hình biến đổi khí hậu nên các hiện tượng tự nhiên diễn ra ngày càng phức tạp. Mưa tăng đáng kể cả về lượng, cường độ và tần suất. Diễn biến của triều cường cũng khá phức tạp, mực đỉnh triều đã chạm mức +1,68m. Bên cạnh đó, do dân số toàn thành phố gia tăng nhanh chóng lên mức hơn 10 triệu người, trong khi đó theo quy hoạch cũ thành phố chỉ đáp ứng khoảng 2 triệu dân, tình trạng tăng dân số cơ học vẫn đang tiếp diễn. Mặt khác, do khó khăn về nguồn vốn nên việc thực hiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch công trình, dự án chống ngập còn chậm. Hệ thống cống thoát nước trên địa bàn thành phố với gần 3.100km nhưng hầu hết là cống chung thu gom nước mưa, nước thải tập trung tại khu vực các quận nội thành cũ. Do tồn tại lâu năm, được đầu tư qua nhiều thời kỳ, đã xuống cấp, hư hỏng, không đồng bộ, kích thước cống nhỏ nên hệ thống cống này chỉ phục vụ thoát nước cho từng tuyến đường cụ thể, chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước theo vùng và lưu vực.

Ảnh minh họa. Nguồn: vtv.vn

Đối với khu vực ngoại thành, hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư hoặc đã đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước, san lấp kênh, rạch thoát nước, xả rác làm bít lấp các miệng thu nước, lòng kênh rạch, diễn ra khá phổ biến...

Đâu là giải pháp căn cơ?

Chúng tôi được biết, để đáp ứng kịp với diễn biến tình hình, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Giảm ngập nước khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện rà soát bổ sung xây dựng hoàn thiện kế hoạch thực hiện Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 khu vực ngoại vi rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Nhằm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã xác định, Thành ủy, UBND thành phố chủ trương tiến hành đồng bộ, quyết liệt 5 nhóm giải pháp chủ yếu. Trước hết, Thành ủy, UBND thành phố xác định phải tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong vùng. Đồng thời ban hành cơ chế chính sách và cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu công tác xóa ngập, giảm ngập.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn; tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập; tăng cường liên kết, hợp tác khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân góp phần giải quyết tình trạng ngập nước.

Đi đôi với quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, Thành ủy, UBND thành phố chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ các hồ điều hòa nước, các vùng chứa nước hiện có; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hồ điều hòa mới để chủ động trữ nước, giảm ngập. Để tiêu thoát nước nhanh, giảm thời gian ngập úng khi trời mưa lớn, Thành ủy, UBND thành phố yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên chỉ đạo công tác nạo vét, giải tỏa các vật cản trên toàn bộ hệ thống kênh, rạch. Cùng với đó, Thành ủy, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp tăng cường công tác quản lý, hạn chế thấp nhất việc khai thác nước ngầm. Được biết, tổng nhu cầu vốn TP Hồ Chí Minh cần cho Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 là 97.298 tỷ đồng. Trong đó ngân sách thành phố là 6.967 tỷ đồng; nguồn vốn Quỹ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp là 10.008 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương là 1.788 tỷ đồng; nguồn vốn xã hội hóa là 17.938 tỷ đồng và vốn ODA là 60.597 tỷ đồng. Thành ủy, UBND thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tập trung bảo đảm đủ nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án thuộc các quy hoạch thoát nước và chống ngập.

TRẦN HÀ LINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giai-phap-nao-de-chong-ngap-nuoc-553570