Giải pháp nào chống ngập cho Cần Thơ khi triều cường lên cao?

Sở GTVT thành phố Cần Thơ đề ra nhiều giải pháp đối phó triều cường dâng cao gây ngập sâu, hư hỏng nhiều tuyến đường.

Ngập sâu trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ khi triều cường lên cao

Ngập sâu trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ khi triều cường lên cao

Ngày 10/11, thông tin từ Sở GTVT thành phố Cần Thơ cho biết, đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục tình hình triều cường dâng cao, gây ngập sâu hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố.

Theo Sở GTVT thành phố Cần Thơ, từ ngày 17 đến 31/10, triều cường dâng cao, đỉnh triều cao nhất tại Trạm Cần Thơ trên sông Hậu đo được vào ngày 19/10 đạt mức cao nhất 2,17m, cao hơn mức báo động III từ 0,17m, khiều nhiều tuyến giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ bị ngập nặng.

Trong đó, địa bàn quận Ninh Kiều có 62 tuyến nội ô quận bị ngập trung bình từ 0,2-0,4m, một số tuyến ngập sâu hơn 0,5m như đường Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, đường 30 tháng 4,…; Quận Bình Thủy có 13 tuyến đường bị ngập, quận Cái Răng có 35 tuyến, quận Ô Môn có 20 tuyến, quận Thốt Nốt có 24 tuyến bị ngập... Nhiều tuyến đường do Sở GTVT quản lý cũng bị ngập nặng, ước tính tổng thiệt hại phải duy tu sửa chữa mặt đường hư hỏng do triều cường và mưa kéo dài theo báo cáo của các đơn vị khoảng 20 tỷ đồng.

Ngành chức năng đánh giá, nguyên nhân gây ngập là do thành phố Cần Thơ có sông rạch chằng chịt, nền đất thấp nên bị ảnh hưởng rất lớn của thủy triều. Địa phương lại nằm trọn trong lưu vực của 3 con sông lớn là sông Hậu, sông Cần Thơ, kênh Sắn, chịu sự tác động rất lớn từ chế độ tiêu thoát nước của 3 con sông nên vào thời điểm triều cường dâng cao, nhiều khu vực không có mưa vẫn xảy ra ngập vì cao độ nền thấp hơn cả mực triều cường.

Nhiều tuyến giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ bị hư hỏng sau đợt triều cường lên cao, mưa lớn kéo dài.

Cạnh đó, thành phố Cần Thơ xung quanh được bao bọc bởi các dự án đê bao thủy lợi ngăn lũ, ngăn mặn trong vùng như Ô Môn-Xà No, Nam Mang Thít, Quản Lộ - Phụng Hiệp,… Trong khi đó, việc vận hành đóng mở các cửa van ở các dự án tại những thời điểm triều cường chưa hợp lý cũng đã tác động đến việc gây ngập cho thành phố.

Mặt khác, khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, hệ thống cống thoát nước đã cũ, tiết diện nhỏ và đang xuống cấp. Thậm chí, nhiều tuyến đường còn chưa có cống thoát nước, hoặc có nhưng bị tắc khi mưa xuống khiến đường thành kênh thoát nước.

Một nguyên nhân khác là hiện nay, phần lớn các van ngăn triều hoạt động chưa đạt hiệu quả cao và đã có nhiều van bị hư hỏng, mất hoặc không đảm bảo độ bịt kín để chống nước tràn vào hệ thống cống khi đóng van. Công tác vận hành van ngăn triều đóng, mở van phụ thuộc chủ yếu vào thủ công.

Thêm nữa, thành phố đang triển khai các giải pháp chống ngập như nâng đường, nâng nền, làm bờ bao khép kín, cống kiểm soát triều, hồ điều tiết, nâng cấp hệ thống thoát nước… Tuy nhiên, các dự án này triển khai chưa đồng bộ, khép kín và đang thực hiện nên chưa mang lại hiệu quả chống ngập.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như một số tuyến đường có thiết kế thấp hơn mực nước, cửa xả của hệ thống thoát nước thấp hơn thiết kế đường nên khi triều cường dâng cao, nước sẽ theo các cửa xả đi vào hệ thống cống thoát nước mưa và chảy tràn ra đường; một số khu dân cư có hiện tượng lắp kênh, rạch tự nhiên hoặc kênh rạch tự nhiên không được nạo vét, khai thông dòng chảy,…

Nói về giải pháp trước mắt, Giám đốc Sở GTVT cho biết, đơn vị đã có báo cáo, đồng thời đề nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm theo chỉ thị 08 của Chủ Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ về việc tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa khi triều cường dâng cao trên địa bàn và các hướng dẫn của Sở GTVT.

Bên cạnh đó, Sở GTVT đề nghị UBND thành phố bố trí kinh phí cho các địa phương và Sở GTVT khoảng 20 tỷ để khắc phục ngay hư hỏng mặt đường; chỉ đạo ngành chức năng có liên quan phối hợp với các quận, huyện tổ chức kiểm tra và có phương án đóng mở các van ngăn triều cường, các cửa cống cho hợp lý.

"Về giải pháp lâu dài, Sở GTVT đề xuất xây dựng đề án chống ngập cho thành phố, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, các cấp các ngành, Bộ ngành trung ương, sau đó tổng hợp hoàn chỉnh đề án trình UBND thành phố phê duyệt, bố trí vốn để thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình trong giai đoạn 2021-2025 và những giai đoạn tiếp theo.

Tiếp tục rà soát, lập kế hoạch xây dựng hệ thống kè chống sạt lở kết hợp đê bao dọc theo các tuyến sông chính. Xây dựng các cống ngăn triều, kết hợp với âu thuyền, hệ thống bơm tiêu thoát tại vị trí sông, kênh có kết nối với ba tuyến sông lớn nói trên. Đồng thời, triển khai đồng bộ việc nạo vét kênh rạch, cống thoát nước hiện hữu để khơi thông dòng chảy", người đứng đầu Sở GTVT thông tin.

Sở GTVT cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và khả năng thích ứng đô thị. Dự án tập trung chống ngập khu đô thị lõi thành phố Cần Thơ thuộc hai địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Diện tích bảo vệ là 2.850ha, số dân trong khu vực bảo vệ khoảng 423.400 người.

"Đơn vị đề xuất xây dựng hệ thống kiểm soát ngập. Cụ thể, là xây dựng hệ thống kiểm soát ngập vòng ngoài bao gồm hệ thống kè sông Nam Cần Thơ, kè rạch Cái Sơn - Mương Khai, nâng cấp QL 91; triển khai dự án “Cải tạo hệ thống cống thoát nước khu vực Trung tâm quận Ninh Kiều để kiểm soát ngập vòng trong", lãnh đạo Sở GTVT Cần Thơ thông tin thêm.

Lê An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giai-phap-nao-chong-ngap-cho-can-tho-khi-trieu-cuong-len-cao-d485599.html