Giải pháp nào cho tình trạng 'Vượt biên đi lao động trái phép' ở Tây Bắc?

Hệ lụy luôn trực chờ, người lao động vượt biên như bị bóc lột, lạm dụng tình dục và mắc tệ nạn xã hội, bị xã hội kỳ thị, kinh tế khó khăn càng khó khăn.

Không có việc làm ổn định, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, đây cũng là điều dễ hiểu tại sao số lượng lao động tại các tỉnh Tây Bắc tìm đường vượt biên ra nước ngoài lao động tăng cao trong thời gian qua.

Tình trạng này còn gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đây thực sự là những hệ lụy đáng báo động và đang trở nên vô cùng phức tạp tại địa bàn các tỉnh Tây Bắc. Vậy giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?

Một buổi tuyên truyền pháp luật cho đồng bào vùng cao.

Ông Khoàng Văn Quán, Chủ tịch UBND xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên khẳng định, qua khảo sát thực tế nhu cầu của các hộ dân từng vượt biên đi lao động trái phép nước ngoài, thì phần lớn cho rằng tại địa phương chưa thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đặc biệt, sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đường giao thông đi lại khó khăn khiến sản phẩm nông nghiệp do người dân làm ra không tìm được đầu ra, không có thu nhập khiến người dân chán nản, muốn ra nước ngoài lao động.

Trước thực trạng này, tỉnh Điện Biên cũng xác định việc đồng bào xuất cảnh sang các nước lao động nếu hợp pháp thì cũng rất tốt, vì giải quyết được việc làm, tăng thêm thu nhập và cũng giải quyết một phần cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Do đó tỉnh cũng đang có ý kiến với các bộ ngành, Chính phủ trong việc xem xét ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa Điện Biên với các tỉnh của Trung Quốc và Lào, từ đó đảm bảo tối đa quyền lợi cho công dân.

Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên kiến nghị: “Tới đây để đảm bảo quyền lợi cũng như việc tổ chức cho công dân Việt Nam đi xuất cảnh lao động ở Trung Quốc và Lào được hiệu quả, đảm bảo quyền của công dân thì chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ sẽ ký kết một hiệp định với Trung Quốc và một hiệp định với Lào để chúng ta chính thức hóa, pháp lý hóa việc người lao động của không riêng Điện Biên mà của các tỉnh sang Trung Quốc và Lào lao động một cách hợp pháp. Đây cũng là giải pháp tốt nhất để chúng ta vừa ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, vừa đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động”.

Trong khi đó, ông Đinh Quang Phửa, Phó Trưởng phòng An ninh đối nội Công an tỉnh Sơn La cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là việc làm ổn định tại quê hương: “Điều mấu chốt quan trọng nhất là phải tăng cường công tác tuyên truyền vì đối tượng xuất cảnh thường là ở vùng sâu vùng xa, xuất cảnh chủ yếu do công ăn việc làm, thu nhập không ổn định. Hai là cần tuyên truyền hậu quả, tác hại, rủi ro mà quần chúng nhân dân có thể gặp phải khi xuất cảnh trái phép ra nước ngoài làm thuê, để quần chúng nhân dân hạn chế đi ra nước ngoài làm thuê, mà nên làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp trong nước sẽ có thu nhập đảm bảo hơn”.

Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai khẳng định, tìm kiếm việc làm có thu nhập cao là nhu cầu chính đáng của người lao động, vì vậy việc nhiều người dân sang Trung Quốc làm thuê cũng là xu hướng tất yếu bởi thu nhập hấp dẫn hơn ở quê nhà.

Những đứa trẻ chịu cảnh xa bố mẹ.

Đường vào bản khó khăn.

Để tạo điều kiện cho người dân, từ tháng 10/2017 đến nay, tỉnh Lào Cai đã liên kết triển khai thí điểm cho hơn 300 lao động của tỉnh sang làm việc tại Công ty Hữu Hạn Khoa học-Kỹ thuật Huệ Hồng ở Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc), bước đầu đã có kết quả khả quan.

Tuy nhiên, hình thức đi lao động là đi “chui” thì không được pháp luật bảo hộ và tiềm ẩn nhiều rủi ro như tai nạn, chiếm đoạt tiền lương, mua bán người, mua bán ma túy, mất an ninh trật tự vùng biên giới... Vì vậy, đòi hỏi cần có hành lang pháp lý về lao động giữa hai bên biên giới mà lâu nay vẫn chưa có kết quả.

“Hiện nay, vấn đề đưa lao động qua biên giới qua các văn bản ký kết thì chúng ta đã thực hiện rất tốt rồi. Thế nhưng, đối với lao động tự do hay còn gọi là xuất cảnh lao động trái phép tuy đã được hai bên đề cập nhưng vẫn còn vướng mắc. Do đó, chúng tôi mong muốn giữa Việt Nam và Trung Quốc có một Hiệp định về quản lý lao động. Đó cũng sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất để chúng ta thực hiện tốt việc quản lý lao động qua biên giới, lao động tự do vùng biên”, ông Đinh Văn Thơ khẳng định.

Ông Đinh Văn Thơ cho biết thêm, cùng với việc tạo điều kiện cho người dân qua biên giới đi làm, tỉnh Lào Cai cũng đang tăng cường thực hiện chính sách đào tạo nghề, chú trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động tại địa bàn khó khăn; tiếp tục tìm kiếm, phát huy các nguồn lực tại địa phương để giữ chân ở lại làm giàu bền vững trên chính mảnh đất quê hương.

Giữ chân người lao động vùng cao ở lại quê hương trong bối cảnh cuộc sống vất vả khó khăn là bài toán không dễ. Nhưng bài toán sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu các địa phương tìm ra được hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho từng bản làng, từng gia cảnh. Cơm đủ no, áo đủ mặc, cuộc sống ngày một sung túc hơn thì không ai nỡ rời bỏ bản làng.

Thế nhưng cho đến khi các giải pháp này được triển khai thì sẽ còn không biết bao nhiêu mảnh đời của người dân vùng cao Tây Bắc vẫn đang lang thang nơi xứ người tìm việc làm, đối diện với biết bao hiểm nguy rình rập.

Với những con số thực tế, những bài học nhãn tiền thì việc giải quyết việc làm cho người lao động vùng cao đang là hồi chuông khẩn thiết để giải quyết vấn nạn vượt biên trái phép đang diễn ra./.

VOV Tây Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/giai-phap-nao-cho-tinh-trang-vuot-bien-di-lao-dong-trai-phep-o-tay-bac-841170.vov