Giải pháp nào cho ngành mía đường Đồng bằng sông Cửu Long?

Giá thành hạ, khó tiêu thụ dẫn đến các nhà máy đường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tồn đọng một lượng lớn đường thành phẩm. Kéo theo đó là hàng nghìn héc-ta mía đến kỳ thu hoạch của nông dân cũng thiếu nơi tiêu thụ, có những nơi đã thu hoạch xong đành để mía khô héo, chất đống. Thực trạng này đang cần một giải pháp căn cơ cho ngành mía đường ở khu vực Tây Nam Bộ.

Giá đường hạ, khó tiêu thụ

Một sáng đầu tháng 3, chúng tôi dạo quanh chợ Xuân Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để tìm hiểu về giá thị trường mặt hàng đường cát khi gần đây rộ lên tình trạng tồn kho, giá thấp dẫn đến người nông dân trồng mía đang thấp thỏm, lo âu tìm nơi tiêu thụ. Chị Nguyễn Hoàng Lan, tiểu thương nói:

- Mọi năm, sau Tết Nguyên đán, giá đường thường nhích lên chút xíu, năm nay sau Tết giá giảm hơn 1.000 đồng, chỉ còn hơn 12.500 đồng/kg. Giá giảm nhưng cũng ít người mua, chủ yếu các hộ mua về tiêu dùng. Tuy nhiên, khách hàng cũng hay lựa chọn loại đường Thái Lan, giá rẻ hơn đường trong nước 1.000 đồng/kg, lại trắng, đẹp hơn.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: VĂN VĨNH

Giá đường trên thị trường đang giảm đáng kể, kéo theo hàng loạt hệ lụy, như: Nhà máy bị tồn đọng với khối lượng lớn, giá mía giảm theo và khó bán hơn khi các nhà máy sản xuất cầm chừng, có nhà máy ngưng hoạt động.

Tại Trà Vinh, hơn 5.500ha mía đang có nguy cơ bỏ héo, khô vì không có nơi tiêu thụ. Bà con nông dân đã thu hoạch, chất lên ghe chở đến Nhà máy Mía đường Trà Vinh để bán, nhưng nhà máy đang trong quá trình bảo dưỡng chưa biết bao giờ mới hoạt động và thu mua trở lại. Tại huyện Trà Cú, nơi tập trung trồng mía, có diện tích lớn nhất tỉnh, bà con đứng ngồi không yên. Ông Thạch Thắng, ngụ ấp Sóc Tro Dưới, xã An Quảng Hữu nói:

- Mọi năm giờ này gia đình đã xuống vụ mía mới. Năm nay thì mía đang trổ cờ đầy đồng, chưa biết bán cho ai. Bình quân, mỗi héc-ta mía phải đầu tư hơn 80 triệu đồng cho chi phí giống, phân bón, công chăm sóc… Giờ không bán được thì không biết trông chờ vào ai, chắc lại phải phá bỏ mía để trồng các loại hoa màu khác.

Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết:

- Để giải quyết số mía tồn đọng cho người dân, chúng tôi sẽ cử cán bộ liên hệ với các nhà máy trong khu vực để họ mua giúp. Ngoài ra, cũng phối hợp chặt chẽ với Nhà máy Mía đường Trà Vinh khắc phục sự cố, sớm đưa dây chuyền vào hoạt động để giải quyết số mía trên cho dân đỡ phần nào hay phần đó.

Không riêng tỉnh Trà Vinh, tỉnh Sóc Trăng cũng có hơn 5.000ha mía tại huyện Cù Lao Dung, Mỹ Tú và Long Phú chưa thu hoạch và khi thu hoạch có nguy cơ khó tiêu thụ. Hậu Giang, tỉnh có diện tích lên đến 11.000ha, lớn nhất các tỉnh ĐBSCL, cũng trong tình trạng tương tự. Mía đến kỳ thu hoạch không có nơi tiêu thụ, các nhà máy cũng đang tồn kho lượng lớn đường nên đang trong tình trạng sản xuất cầm chừng.

Cần giải pháp đồng bộ

Nhiều địa phương đưa ra việc “giải cứu” đường bằng cách khuyến khích cán bộ, công nhân viên trong tỉnh mua, giúp nhà máy bớt tồn đọng, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không căn cơ và thiếu bền vững. Để giải bài toán căn cơ cho ngành mía đường ĐBSCL nói riêng và mía đường Việt Nam nói chung, chúng ta cần có những giải pháp giải quyết tận gốc của vấn đề. Thực trạng hiện nay nông dân ĐBSCL thường trồng mía với diện tích nhỏ lẻ, trồng thủ công, giống mía cũng chưa được cải thiện, chủ yếu giống mía do tự tạo, lấy giống từ các năm trước trồng gối vụ cho những năm sau nên chủng loại, chữ đường thấp so với một số giống mía của nước ngoài. Các loại phân bón cũng được dùng chưa hợp lý, nên vốn bỏ ra để trồng 1ha mía rất cao. Theo tính toán của người nông dân tỉnh Hậu Giang thì 1kg mía có giá từ 750 đồng thì người nông dân mới có lời, trong khi đó năm nay chưa biết giá sẽ hạ đến mức nào.

Ngoài giá mía cao dẫn đến giá đường tăng theo, doanh nghiệp sản xuất đường còn chịu chi phí thêm từ giá điện mỗi lúc một tăng, giá nhân công và chi phí lưu kho, từ đó dẫn đến giá đường trong nước luôn cao hơn giá đường nước ngoài. Mới đây, tại Hậu Giang diễn ra hội thảo về phát triển bền vững ngành mía đường, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng hiện nay, như: Diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún; trình độ thâm canh của nông dân trồng mía thấp, chưa đồng đều; công tác khuyến nông của ngành nông nghiệp chưa được chú trọng; nguồn giống mía chất lượng thấp… là lý do làm cho ngành mía đường phát triển chưa theo kịp thế giới, giá thành sản xuất ra 1kg đường luôn cao, thiếu tính cạnh tranh trên thế giới.

Để ngành mía đường phát triển bền vững, điều tất yếu là ngành nông nghiệp các địa phương phải đi đầu trong quy hoạch vùng nguyên liệu với quy mô lớn để có điều kiện áp dụng kỹ thuật mới về phân bón, giống, thâm canh, thủy lợi… Cần đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, cơ giới hóa từ khâu chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch mía. Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sinh học sản xuất, lai tạo các giống mía mới như các giống lai, giống thuần cho năng suất cao, các nhà máy cũng cần đầu tư nâng cấp hiện đại hóa máy móc thiết bị, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật công nghệ và nâng cao chất lượng quản lý sản xuất kinh doanh để hạ giá sản phẩm. Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi riêng cho ngành mía đường, có như vậy ngành mía đường mới phát triển bền vững, không bấp bênh, trồi sụt như những năm gần đây.

SONG NGUYỄN

Nguồn Tổ Quốc: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/giai-phap-nao-cho-nganh-mia-duong-dong-bang-song-cuu-long-533330