Giải pháp nào cho 'Hạ tầng dùng chung cho chính phủ điện tử và đô thị thông minh'

Hội thảo 'Hạ tầng dùng chung cho chính phủ điện tử và đô thị thông minh' do Sở Thông tin-Truyền thông TP. Cần Thơ, Phòng Thương mại-Công nghiệp chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh (ICTI) đồng tổ chức, với sự tài trợ chính của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI và với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu như Dell EMC, HPT, Fortinet, Vietnet…vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ.

Tọa đàm “Làm thế nào để ứng dụng các giải pháp công nghệ mới và các dịch vụ bảo mật trong công tác quản lý nhà nước” tại Hội thảo.

Trong những năm gần đây, các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã và đang bước đầu xây dựng chính phủ điện tử và đô thị thông minh. Đây được xem là bước đi tất yếu trong quá trình phát triển và nâng tầm cạnh tranh quốc gia trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như tạo nên sự khác biệt cho các vùng miền dựa trên đặc điểm của mỗi thành phố thông minh.

Theo đó, nhiều chỉ thị, chiến lược hành động đã được ban hành, triển khai trên cả nước. Đồng thời, để việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử được hiệu quả, bám sát thực tiễn, các hội thảo chuyên đề nhằm thu thập các ý kiến, giải pháp từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là một hoạt động được nhà nước chú trọng. Có hơn 100 khách mời thuộc các tỉnh, thành ĐBSCL tham dự.

Hội thảo đã bàn đến những vấn đề như: Giới thiệu mô hình tiên phong và đô thị thông minh (QTSC); Giải pháp hạ tầng cho chính phủ điện tử và đô thị thông minh (QTSC); Hệ thống tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị qua đầu số 1022 của TP. Hồ Chí Minh(ICTI); Giải pháp số hóa cho chính phủ điện tử và đô thị thông minh (FSI); Thành phố an toàn (Dell EMC); Thách thức an ninh mạng trong các thành phố thông minh (Fortinet); Rủi ro an ninh trên các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) nhà nước-từ thực tế đến cách thức phát triển và xử lý rủi ro trên không gian mạng (HPT)…

Ông Lâm Nguyễn Hải Long đang chia sẻ với Hội thảo

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã chia sẻ những kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh, đó là những thách thức khó khăn ban đầu để tích hợp dữ liệu thông tin để số hóa quản lý hệ thống chiếu sáng, qui hoạch, tòa nhà, hệ thống nước thải, hệ thống giám sát IMS, quan sát giao thông…

Tuy ban đầu khó khăn như vậy nhưng thực hiện xong mô hình thành phố thông minh thì mang lại nhiều hữu ích quản lý nhà nước dễ dàng hơn, hoàn thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao lợi thế cạnh tranh, độ hài lòng của người dân tốt hơn. Theo ông Nguyễn Hải Long, để làm được điều đó, đòi hỏi sự quyết tâm triển khai từ cấp lãnh đạo đến nhân viên; phải chọn nhân sự triển khai phù hợp; thay đổi tư duy quản lý, thói quen quản lý; huấn luyện và nâng cao kỷ năng vận hành; xây dựng qui trình và liên tục rà soát. Ưu tiên chọn những việc đơn giản có kết quả, lựa chọn đối tác tin cậy, có khả năng phát triển dài hạn. Giải pháp phù hợp với năng lực, qui mô, có khả năng tích hợp. Thiết lập một nền tảng chung để tích hợp dữ liệu…

Ông Từ Quang Huy, Phó giám đốc FSI tại TP. Hồ Chí Minh, FSI là một trong những doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam, trong lĩnh vực công nghệ số hóa, đã triển khai thực tế tại hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ cũng như các cơ quan ban ngành trên cả nước, đã đưa ra “Giải pháp số hóa cho chính phủ điện tử và đô thị thông minh”, cho biết hiện nay 95% thông tin được thể hiện trên giấy và lưu trữ trong kho, tủ khi cần truy xuất thông tin gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy nên chuyển đổi tài liệu dạng giấy lưu trữ trong các kho, tủ sang tài liệu số liệu dạng số hóa lưu trữ trong máy tính, máy chủ hoặc các thiết bị lưu trữ nội dung số. Nhưng nguyên tắc tuân thủ tính toàn vẹn của hồ sơ tài liệu, bảo mật thông tin. Có 4 điều cần quan tâm là:

Cần chỉnh lý và số hóa toàn bộ, kho tài liệu đáp ứng công tác quản lý và khai thác; Xây dựng phần mềm quản lý tài liệu và tích hợp vào hệ thống quản lý văn bản đáp ứng công tác điều hành, quản lý và khai thác đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh; Đầu tư hệ thống phần cứng hỗ trợ công tác số, quản lý và lưu trữ tài liệu điện tử; Đào tạo và chuyển giao đảm bảo đơn vị có thể chủ động quản lý và tiếp tục vận hành, sử dụng, khai thác sau này.

Ông Từ Quang Huy phân tích hiệu quả mang lại từ số hóa

Ông Từ Quang Huy, cho biết khi thực hiện số hóa sẽ đêm lại nhiều lợi ích như an toàn thông tin, hiệu quả, tránh lãng phí, phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến đón đầu cách mạng công nghệ 4.0. Hồ sơ, tài liệu giấy được chỉnh lý và tổ chức lưu trữ khoa học dễ dàng tìm kiếm, khai thác thông tin và nâng cao hiệu suất công việc…

Mặc dù nhiều chuyên gia công nghệ thừa nhận khi thực hiện chính quyền điện tử và đô thị thông minh đem lại nhiều hiệu quả và hữu ích nhưng cũng không ít băn khoăn là vấn đề bảo mật thông tin. Các chuyên gia cũng phân tích đưa ra các giải pháp hạ tầng cho Chính phủ điện tử và đô thị thông minh, Safe City, Thách thức an ninh mạng trong các thành phố thông minh và khuyến cáo phải thường xuyên theo dõi bảo mật …

Những chuyên đề này sẽ làm rõ được làm thế nào để đưa ứng dụng các giải pháp công nghệ mới và những công tác bảo mật liên quan đến công tác bảo vệ nhà nước. Xuất phát từ thực tế xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh thì việc xây dựng khối cơ sở dữ liệu dùng chung nhằm đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt và thuận tiện trong quá trình sử dụng...

Huỳnh Biển

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//giai-phap-nao-cho-ha-tang-dung-chung-cho-chinh-phu-dien-tu-va-do-thi-thong-minh_n39389.html