Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Lebanon?

Lebanon đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị nghiêm trọng từ sau thảm họa Beirut, với hàng loạt cuộc biểu tình của người dân. Vậy đâu là những nguyên nhân gốc rễ và hy vọng nào để giải quyết khủng hoảng?

Vụ nổ ngày 4/8 tại thủ đô Beirut của Lebanon đã gây ra cái chết của hơn 170 người, khiến hơn 300.000 người bị thương và mất nhà cửa. Theo Vox, nguyên nhân sâu xa của vụ nổ là hậu quả trực tiếp từ một chính quyền Lebanon lỏng lẻo và đầy sơ suất, đã không có bất cứ biện pháp đảm bảo an toàn nào đối với kho “chất nổ tiềm tàng” amonium nitrate trong suốt 6 năm ở cảng Beirut. Đây cũng là hậu quả gián tiếp của một “cuộc thử nghiệm chính trị” kéo dài 30 năm ở quốc gia Trung Đông này.

Lebanon đang lâm vào một cuộc khủng hoảng và dường như không có lối thoát. (Nguồn: BBC)

Lebanon đang lâm vào một cuộc khủng hoảng và dường như không có lối thoát. (Nguồn: BBC)

Cho đến nay, chính quyền Lebanon gần như bị vô hiệu, nhất là khi liên tiếp hai thủ tướng đã phải từ chức. Nền kinh tế của nước này cũng không ghi nhận được mấy điểm tích cực khi đồng tiền Lebanon đang rơi tự do, ngân hàng đình chỉ tài khoản của người dân, tỉ lệ thất nghiệp trên 30% và thiếu hụt những nhu yếu phẩm cần thiết.

Cơ sở vật chất thiếu hụt nghiêm trọng, người dân phải chịu cảnh cắt điện tới 20 tiếng mỗi ngày để đất nước có thể đảm bảo nguồn cung điện. Từ bức tranh ảm đạm trên, người dân Lebanon đang nhận thức được rằng, đất nước của họ đang dần trở nên không rất khó sống. Vậy Lebanon đã sai ở đâu và giải pháp nào để giải quyết những sai lầm đó? Câu trả lời không hề đơn giản.

Một đất nước hiện đại với nền chính trị cũ kĩ

Một trong những lý do chính khiến nỗ lực thành lập chính phủ của Thủ tướng tạm thời Moustafa Adib thất bại và khiến ông phải từ chức là do bất đồng giữa hai đảng chính trị Hồi giáo dòng Shitte có ảnh hưởng nhất là phong trào Hồi giáo Hezbollah và đảng Amal của Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri, đặc biệt liên quan tới việc ai sẽ là người đứng đầu Bộ Tài chính.

Lebanon là một quốc gia thu nhập trung bình, phần lớn người dân được giáo dục đầy đủ, tuy nhiên lại phải sống dưới một nền chính trị không mấy hiện đại. Những nhà lãnh đạo bảo vệ vị trí của mình bằng cách hỗ trợ việc làm, tài chính cho những người bầu cử ủng hộ. Ngược lại, người dân sẽ bỏ phiếu và thể hiện sự trung thành với vị lãnh đạo này.

Mặc cho cuộc nội chiến 1975-1990 hủy hoại và khiến hơn 120.000 người thiệt mạng, hệ thống phân chia quyền lực này vẫn tồn tại đến ngày nay, bởi nó đã giúp hòa giải những xung đột giữa các giáo phái, thúc đẩy những nhà lãnh đạo xây dựng sự đồng thuận giữa những cử tri và ngăn chặn sự tập trung hóa quyền lực.

Thế nhưng “liều thuốc” này cũng có những tác dụng phụ. Tầng lớp tinh hoa chính trị đã sử dụng vị thế của mình để vắt kiệt nền kinh tế và nắm quyền kiểm soát độc quyền đối với những thể chế quốc gia. Những vị trí quan trọng ở quốc hội và nội các ở Lebanon vẫn là do những gương mặt quen thuộc quản lý hàng thập kỷ qua. Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berri đã giữ vị trí này từ năm 1992.

Thêm vào đó, truyền thống cha truyền con nối vẫn luôn được duy trì ở Lebanon: khi những thành viên của giai cấp lãnh đạo về hưu hay qua đời thì những thành viên gia đình, đặc biệt là con trai của họ sẽ thay thế. Tệ nạn tham nhũng cũng là một trong những mặt trái của hệ thống này. Nhiều chính trị gia đã chiếm đoạt công quỹ, đẩy tình trạng quan liêu lên mức đáng báo động.

Những điều này đã phá hoại cuộc sống của người dân và biến chính trị trở thành một trò chơi có tổng số bằng không và đòi hỏi quyền lợi cho các giáo phái hơn là bàn luận về các chính sách để phát triển đất nước.

Thủ tướng Lebanon mới được chỉ định Moustafa Adib ngày 26/9 bất ngờ từ chức sau chưa đầy 1 tháng, khiến tình trạng ở Lebanon ngày càng hỗn loạn. (Nguồn: Reuters)

Hezbollah - trở ngại lớn

Sự cũ kĩ của hệ thống chính quyền đã phần nào dẫn đến thảm họa Beirut và cuộc khủng hoảng của Lebanon trong nhiều năm qua, nhưng còn có một vấn đề khác lớn hơn nữa, đó chính là nhóm Hezbollah.

Hezbollah đã xây dựng được một lực lượng dân quân đáng kể nhờ sự hỗ trợ trực tiếp của Iran. Lực lượng này đã biến Lebanon và cộng đồng Hồi giáo Shiitetrở thành căn cứ của riêng mình, nhằm đối phó trước những xung đột với Israel và phương Tây. Lực lượng này hoạt động như một bộ máy chính quyền riêng biệt, với lực lượng quân đội, an ninh và cơ sở vật chất riêng.

Theo các chuyên gia, Hezbollah không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng khủng hoảng chính trị ở Lebanon. Thế nhưng, bằng cách âm thầm can thiệp vào hệ thống chính trị, tổ chức này cũng không đem lại bất cứ điểm tích cực nào cho Lebanon.

Hezbollah được cho là đứng đằng sau hàng loạt vụ ám sát chính trị, đồng thời đã làm lu mờ ảnh hưởng chính trị của giáo phái Shia. Lực lượng này cũng đang làm đảo ngược quá trình phục hồi của Lebanon bởi Hezbollah không muốn cải cách chính trị hay xây dựng hệ thống luật pháp trao quyền cho nhân dân.

Liệu có lối thoát?

Do đó có thể thấy rằng, thách thức lớn nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Lebanon là: làm cách nào để thoát được khỏi một hệ thống chính trị rắc rối, đầy tham nhũng và một lực lượng vũ trang đang đe dọa sự an toàn của người dân.

Dư luận Lebanon mong muốn cải cách chế độ đã nhìn nhận ra những điều này và chia thành 2 phe quan điểm.

Một phe cho rằng, việc cải cách là không khả thi và Hezbollah là lực lượng hiếu chiến, là vết nhơ cho danh tiếng của Lebanon trên trường quốc tế và phần nào làm cản trở nỗ lực hỗ trợ của các đồng minh phương Tây và vùng Vịnh. Họ ủng hộ việc tăng áp lực, cô lập nhằm giải giáp, loại bỏ lực lượng này, khi đó Lebanon mới thực sự có thể thay đổi. Tuy nhiên, theo Vox, nỗ lực này chỉ khiến cho Lebanon chìm trong một cuộc chiến đổ máu và thực sự không khả thi.

Phe còn lại không ủng hộ việc loại bỏ lực lượng Hezbollah một cách trực tiếp mà cần tìm một phương pháp khéo léo hơn. Theo quan điểm này, lực lượng ủng hộ cải cách nên tập trung vào việc xây dựng một xã hội dân sự hiệu quả và một nền chính trị được tổ chức hợp lý hơn. Quá trình này có thể mất rất nhiều thời gian, nhưng nó đem lại niềm hy vọng cho người dân về một tương lai tươi sáng hơn, về một đất nước mà người dân thực sự có quyền lợi và không còn phẫn nộ về bộ máy cầm quyền nữa.

Pháp hiện đang là quốc gia có những động thái nhằm sớm chất dứt tình trạng khủng hoảng ở Lebanon. Pháp đang thúc giục các nhà lãnh đạo Lebnaon nhanh chóng thành lập chính phủ mới, đồng thời bày tỏ lo ngại nước này sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ, sau khi Beirut không hoàn thành kịp thời hạn thành lập Nội các vào giữa tháng 9 theo thỏa thuận với Paris. Tuy nhiên, cho dù đã rất nhiệt tình giúp đỡ, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn không nhận được kết quả xứng đáng. Ông Macron cũng tuyên bố rằng, Hezbollah cần làm rõ liệu lực lượng này là một thế lực chính trị nghiêm túc nhằm giúp thực thi một lộ trình cho quốc gia Trung Đông hay chỉ là một lực lượng nhận chỉ thị từ Iran.

Thảo Chi

(theo Vox)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giai-phap-nao-cho-cuoc-khung-hoang-lebanon-125187.html