Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Quảng Ninh

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo, có vị trí kinh tế, địa chính trị chiến lược. Đảng bộ tỉnh có 21 đảng bộ trực thuộc, 798 TCCSĐ, 34 đảng bộ bộ phận với trên 94.000 đảng viên. Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, nâng cao chất lượng đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc thường xuyên sâu sát cơ sở, củng cố, kiện toàn tổ chức trong hệ thống chính trị; đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng và phát huy vai trò đảng viên.

Giải pháp và kết quả

Thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và các nghị quyết về xây dựng Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng căn cứ vào điều kiện cụ thể, xây dựng kế hoạch học tập, tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Việc nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị được đổi mới theo hướng nâng cao trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; tập trung làm rõ những nội dung cơ bản, những điểm mới, khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, liên hệ với thực tiễn của địa phương, đơn vị để tìm ra cách làm thiết thực, hiệu quả. Hằng năm, cấp ủy các cấp đã khảo sát, đánh giá về nền nếp, chất lượng sinh hoạt cấp ủy và chi bộ từ đó yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm thực hiện, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nhiều đảng bộ trực thuộc tỉnh đã tích cực chỉ đạo kiện toàn, củng cố tổ chức đảng, cụ thể hóa vào điều kiện của đảng bộ, ban hành các nghị quyết chuyên đề về kết nạp đảng viên, xóa thôn bản chưa có đảng viên hoặc chi bộ sinh hoạt ghép. Từ năm 2011, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy hoàn thành sớm mục tiêu Nghị quyết số 22 (Trung ương 6 khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSD và chất lượng đội ngũ cán bô, đảng viên”, 100% thôn, bản, khu phố, trường học đã kết nạp đảng viên, thành lập được chi bộ, không còn chi bộ thôn, bản sinh hoạt ghép. Từ năm 2000, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo thống nhất thời gian sinh hoạt chi bộ trong toàn tỉnh. Năm 2012, để khắc phục tình trạng mỗi chỉ bộ thực hiện một loại sổ ghi nghị quyết, sổ theo dõi, quản lý đảng viên... toàn tỉnh đã ban hành thống nhất đồng bộ mẫu sổ nghị quyết cấp ủy, chi bộ, hệ thống mẫu biểu quản lý, theo dõi đảng viên, sổ tay đảng viên. Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh và cấp ủy cơ sở đã thực hiện phân công các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ các ban Đảng hằng tháng dự sinh hoạt chi bộ. Qua đó kịp thời nắm bắt tình hình cơ sở, đề xuất, kiến nghị của đảng viên và nhân dân để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, đồng thời hướng dẫn, định hướng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Trongthực hiện nhiệm vụ hằng năm, các cấp ủy có đánh giá, đề ra nhiệm vụ về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Chỉ thị số 10 và các nghị quyết của Trung ương. Năm 2014, 2015 các đảng bộ trực thuộc tỉnh, các cấp ủy cơ sở và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Đề án và phê duyệt cho các đảng bộ trực thuộc tỉnh Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (gọi tắt là Đề án 25). Trong đó có nội dung về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và thống nhất nhiệm kỳ bầu trưởng, phó thôn, bản khu phố với nhiệm kỳ đại hội chi bộ, thực hiện theo quy trình: chi bộ giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn bầu vào chức danh trưởng, phó thôn bản, khu phố; sau đó cấp ủy phân công theo phương châm “dân tin đảng mới cử” ; thực hiện nghiêm túc chủ trương người đứng đầu cơ quan, đơn vị là bí thư chi bộ và bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố.

Nhiều huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh đã có nhiều giải pháp, cách làm hay để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các cấp ủy trực thuộc tỉnh đã tổ chức giao ban định kỳ giữa thường trực huyện ủy, HĐND, UBND, các ban ngành liên quan với các cấp ủy cơ sở, bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu phố để trao đổi, phản ánh, nắm tình hình. Ngay từ đầu những năm 2000, Huyện ủy Hoành Bồ, Huyện ủy Đầm Hà đã tổ chức giao ban giữa Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND các cơ quan liên quan với bí thư chi bộ mỗi năm 2 lần để nắm tình hình và giải quyết khó khăn, vướng mắc. Hằng năm, các cấp ủy đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện vai trò lãnh đạo của chi bộ, tổ chức tập huấn cho cấp ủy viên, bí thư chi bộ về kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng. Năm 2007, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh xây dựng Đề án nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Năm 2008, 2012 Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Quân sự tỉnh đã tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi. Thành ủy Móng Cái, Huyện ủy Hải Hà đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm chuyên đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cho chi ủy và cấp ủy cơ sở nhất là địa bàn thôn, bản, tổ dân phố. Huyện ủy Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên xây dựng Đề án kết nạp đảng viên là người hoạt động không chuyên trách, lực lượng dự bị động viên, dân quân ở thôn, bản tập trung ở địa bàn miền núi, biên giới, vùng đồng bào DTTS. Đảng bộ Than Quảng Ninh chỉ đạo một số đảng bộ cơ sở thí điểm thực hiện việc đánh giá, phân loại đảng viên theo hằng tháng thông qua các kỳ sinh hoạt chi bộ.

Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Quảng Ninh từng bước được nâng lên. Hầu hết các cấp ủy tổ chức đảng, đảng viên đều xác định được tính chất, ý nghĩa và tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm việc duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ. Theo kết quả khảo sát, hầu hết chi bộ trong tỉnh đều duy trì thường xuyên mỗi tháng một kỳ sinh hoạt. Số chi bộ không tiến hành 1-2 kỳ sinh hoạt có 6,8% (338/4.968 chi bộ). Tỷ lệ đảng viên tham gia các kỳ sinh hoạt chi bộ: có 2.499/5.353 chi bộ (46,7%) đủ 100% đảng viên dự sinh hoạt đều hằng tháng; 2.716/5.353 (50,7%) chi bộ có tỷ lệ đảng viên sinh hoạt chi bộ trên 75%. Nội dung sinh hoạt chi bộ theo hướng dẫn của Trung ương, tập trung thảo luận và giải quyết những vấn đề thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các loại hình TCCSĐ. Sau hai năm thực hiện Đề 25, số bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn hoặc kiêm trưởng ban công tác mặt trận đã nâng lên 597/1.566 (38,12%). Đa số các đồng chí bí thư chi bộ có kinh nghiệm, có kỹ năng xử lý tình huống, biết lắng nghe và phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Hầu hết đảng viên được phân công công tác và giao nhiệm vụ cụ thể, nhận thức rõ trách nhiệm và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hầu hết chi bộ trong tỉnh đã xây dựng quy chế làm việc, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa bí thư chi bộ với chi ủy viên, với trưởng thôn, khu phố (chi bộ khu dân cư), với thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các đoàn thể nhân dân. Các chủ trương quan trọng của Tỉnh đều được bàn bạc, thảo luận và quyết định tập thể. Nhiều vấn đề quan trọng khi được tập thể chi bộ bàn bạc, thống nhất về nhận thức và phương hướng hành động đã được thực hiện, giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sinh hoạt chi bộ ở Quảng Ninh vẫn còn những hạn chế. Việc lựa chọn, chuẩn bị nội dung ở một số chi bộ chưa sát thực tế, cụ thể, thiết thực, thiếu chủ động, nhạy bén với những vấn đề thực tiễn đặt ra. Sinh hoạt học tập chưa thiết thực, hiệu quả thấp, có nơi chưa nghiêm túc, cán bộ đảng viên chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo, lúng túng trong giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên chưa đi vào chiều sâu, nhất là đảng viên ở nông thôn và khu phố. Quản lý, theo dõi đảng viên ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú và thực hiện nghĩa vụ công dân với địa phương chưa chặt chẽ. Công tác kết nạp đảng viên trong đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố và trong doanh nghiệp tư nhân chưa được quan tâm đúng mức. Việc xây dựng và ban hành quy chế làm việc của chi bộ chưa đầy đủ, cấp ủy cơ sở thiếu kiểm tra, hướng dẫn...

Kinh nghiệm

Cấp ủy và đảng viên phải nhận thức rõ, đúng tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Căn cứ vào sự chỉ đạo của cấp trên và tình hình cụ thể, chi bộ xác định nội dung sinh hoạt phù hợp.

Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, trước hết là vai trò của đồng chí bí thư chi bộ trong chuẩn bị nội dung sinh hoạt. Phân công cụ thể cho từng đồng chí chi ủy viên, đối với sinh hoạt định kỳ có ra nghị quyết, chuẩn bị kỹ dự thảo nghị quyết. Phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, tạo không khí cởi mở, thảo luận trong sinh hoạt chi bộ.

Làm tốt công tác phân công nhiệm vụ cho đảng viên phù hợp với năng lực, sở trường. Chi bộ cần theo dõi, nắm bắt diễn biến tư tưởng, quan điểm lập trường, ý thức chấp hành nghị quyết, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; kiểm tra chất lượng, hiệu quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, ý thức trách nhiệm, phong cách lề lối làm việc, phẩm chất đạo đức của từng đảng viên.

Nâng cao chất lượng đảng viên và quan tâm công tác kết nạp đảng viên nhất là địa bàn thôn,bản, khu phố, luôn coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, lựa chọn những quần chúng ưu tú để giới thiệu vào Đảng.

Thường xuyên kiện toàn mô hình tổ chức đảng, chi bộ cho phù hợp; kiện toàn chi ủy đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đồng chí bí thư chi bộ phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, năng lực, nhiệt tình, tâm huyết, có kinh nghiệm nhất định về công tác xây dựng đảng, được quần chúng và đảng viên tín nhiệm.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, quan tâm theo dõi, hướng dẫn và phân công cán bộ của cấp ủy cấp trên bảo đảm nền nếp, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cơ sở, biểu dương những đảng viên tốt, chấn chỉnh những chi bộ không sinh hoạt chi bộ định kỳ.

Lê Thị HiềnHọc viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/sinh-hoat-dang/2018/11707/giai-phap-nang-cao-chat-luong-sinh-hoat-chi-bo-o-quang.aspx