Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành Giao thông vận tải

Trường Đại học Giao thông vận tải đẩy mạnh đào tạo kỹ sư giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, có văn hóa làm việc quốc tế.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường ĐH GTVT trao bằng cho các tân kỹ sư chất lượng cao của khoa ĐTQT.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường ĐH GTVT trao bằng cho các tân kỹ sư chất lượng cao của khoa ĐTQT.

Trong chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay, đến năm 2030 mạng đường bộ cao tốc Việt Nam sẽ xây dựng 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km thay vì 746 km đường cao tốc như hiện nay, trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam được quy hoạch 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.083 km.

Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 dài 3.183 km với quy mô 2 làn xe có nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến đường là 104.106 tỷ đồng. Cùng với việc triển khai xây dựng các trục đường cao tốc, nhiều cầu lớn vượt sông, cầu cạn cao tốc ở nước ta cũng sẽ triển khai xây dựng. Theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cây cầu qua sông Hồng và sông Đuống đoạn trên địa bàn Hà Nội…

Bên cạnh đó, theo chương trình “Khảo sát lương người tìm việc năm 2019 tại Việt Nam” do báo VnEconomy tiến hành, ngành xây dựng trong đó có xây dựng công trình giao thông là một trong năm ngành có mức lương cao nhất và là ngành có mức lương dành cho sinh viên mới ra trường cao nhất. Có đến hơn 25% số sinh viên mới ra trường đã nhận mức lương trên 10 triệu đồng một tháng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều công trình vẫn phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát, vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình địa chất phức tạp, công trình thi công trong điều kiện không thuận lợi… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp xây dựng trong nước không cạnh tranh nổi khi đấu thầu nhiều dự án trong và ngoài nước, dẫn đến làm thầu phụ cho các nhà thầu quốc tế.

Nắm bắt được xu hướng về nguồn nhân lực cũng như với điều kiện kinh tế đã được nâng cao, nhiều gia đình đã biết lựa chọn cho con cái mình theo học trong những môi trường giáo dục tốt với chất lượng đào tạo cao để tạo ra cơ hội phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế của Trường Đại học Giao thông vận tải đang chứng tỏ là sự lựa chọn lý tưởng cho nhiều bạn trẻ khi lựa chọn nghề nghiệp vì đã đáp ứng được phần lớn những yêu cầu của thị trường lao động ngành giao thông vận tải ở trong nước và cả ở cấp độ quốc tế.

Khoa Đào tạo quốc tế (Faculty of International Education – INED) của Trường Đại học Giao thông vận tải đã phát triển các mối quan hệ hợp tác với các trường đại học uy tín từ Anh, Mỹ, Pháp, Đức và Nhật Bản và cụ thể hóa bằng việc thực hiện các chương trình đào tạo mới mang tính quốc tế để phù hợp với xu thế quốc tế hóa chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và có năng lực hội nhập khu vực và quốc tế. Khoa Đào tạo quốc tế đang đào tạo 4 ngành:

(1) Chương trình chất lượng cao ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (như Cầu – Đường bộ Việt – Anh, Cầu – Đường bộ Việt – Pháp, Công trình Giao thông đô thị Việt – Nhật);
(2) Chương trình chất lượng cao ngành Kỹ thuật Xây dựng (như Chương trình tiên tiến, Vật liệu và Công nghệ xây dựng Việt - Pháp);
(3) Chương trình chất lượng cao ngành Kinh tế xây dựng Việt – Anh;
(4) Chương trình chất lượng cao ngành Kế toán tổng hợp Việt – Anh.

Các chương trình này được xây dựng dựa trên chương trình chính quy của Trường có tham khảo chương trình đào tạo của các trường đại học nước ngoài, đề cao ngoại ngữ tiếng Anh, môn học chuyên môn mang tính hội nhập quốc tế. Đồng thời các chương trình mời một số giáo sư nước ngoài sang giảng dạy, sinh viên có lợi thể được phép chuyển tiếp đào tạo tại nước ngoài trong quá trình học tập.

Ví dụ, trong Chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, các giáo trình được nhập khẩu từ Trường Đại học Leeds của Vương quốc Anh. Thêm vào đó, trong những gần đây, số lượng sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu tại Khoa Đào tạo quốc tế ngày càng tăng, riêng trong năm học 2018-2019 đã có gần 20 sinh viên đến từ các quốc gia Châu Âu khác nhau.

Đây là minh chứng rõ nhất, thể hiện chất lượng của các chương trình đào tạo của Khoa ngày càng cao, có sức hút đối với ngay cả đối với sinh viên quốc tế. Các khóa tốt sinh viên tốt nghiệp từ khoa Đào tạo quốc tế đều có việc làm với tỷ lệ cao, trên 95% có việc làm sau 3 tháng ra trường.

Đặc biệt, nhiều bạn có cơ hội nhận học bổng du học sau đại học tại các nước phát triển như Pháp, Đức, Anh, Nhật và Canada. Phần đông sinh viên Khoa Đào tạo quốc tế ra trường đều làm việc trong các công ty nước ngoài tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài nhờ kiến thức chuyên sâu và năng lực ngoại ngữ tốt.

Khoa Đào tạo quốc tế cũng tích cực phát triển các chương trình đào tạo liên kết quốc tế với các trường Đại học nổi tiếng trên thế giới ở các nước phát triển như Vương Quốc Anh (Đại học Bedfordshire), Cộng hòa Pháp (Trường Quản trị Normandie, Trường ESITC Caen,….), Cộng hòa Đức (Trường TU Darmstadt, TU Dresden,…), Singapore (Genetic Computer School).

Theo đó, năm đầu tiên sẽ học các môn ngoại ngữ và môn Toán và một số môn kỹ năng mềm, gọi là năm học Pre-university. Năm học này nhằm trang bị trình độ tiếng Anh, tiếng Pháp,… học thuật cùng các kỹ năng mềm (như giao tiếp, kỹ năng học tập ở bậc đại học, làm việc nhóm, thuyết trình …) cần thiết cho sinh viên trước khi bước vào học tập chuyên môn tại Trường và các trường đối tác tại nước ngoài. Ngoài ra, với tiền đề là các mối quan hệ hợp tác sẵn có với nhiều trường đại học quốc tế, Khoa Đào tạo quốc tế cũng đã phát triển các chương trình dự bị du học, tư vấn du học và triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn khác.

Theo đánh giá của ông Benoit Alleaume, giám đốc đại điện của Công ty Cáp dự ứng lực Freyssinet, đơn vị chuyên cung cấp và thi công các công trình cầu lớn của Việt Nam và trên thế giới và là một trong các đối tác quốc tế của Khoa Đào tạo quốc tế thuộc trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi đang hợp tác với Khoa Đào tạo quốc tế trường thuộc trường Đại học Giao thông vận tải để thực hiện các chương trình đào tạo đại học, nhằm đào tạo ra những kỹ sư giỏi về chuyên môn, giỏi ngoại ngữ và có văn hóa làm việc quốc tế để nhận về làm việc tại công ty chúng tôi ngay sau khi ra trường.

Nếu được đào tạo bài bản ngay từ khi còn là sinh viên trong một môi trường tốt, các kỹ sư trẻ sẽ phát triển được hết khả năng của bản thân, toàn diện hơn và sẽ tự tin ngay từ những ngày đi khởi nghiệp”.

Ông Benoit Alleaume, giám đốc đại điện của Công ty Cáp dự ứng lực Freyssinet tại Việt Nam tham gia lễ ký kết hợp tác đào tạo tại trường Đại học Giao thông vận tải.

Có thể nói, Việt Nam trong vòng 15 năm tới sẽ là một đại công trường hạ tầng giao thông quy mô lớn trải dài khắp cả nước với nhiều dự án quan trọng. Việc hình thành và triển khai những dự án này sẽ góp phần thay đổi căn bản diện mạo đô thị và các vùng miền quê khác, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Với những ưu thế nổi bật trong nội dung chương trình đạo tạo, trong cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên, trong phong cách phục vụ sinh viên và cả trong quan điểm phát triển, Khoa Đào tạo quốc tế của trường Đại học Giao thông vận tải chính là tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giao thông vận tải của nước nhà, nơi mà các bạn trẻ đang hướng tới cho tương lai của mình.

PV

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giai-phap-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-trong-nganh-giao-thong-van-tai-d427631.html