Giải pháp mới giúp nông dân tăng thu nhập ở U Minh Thượng

Vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang là vùng đất màu mỡ với những bạt ngàn màu xanh mướt rừng tràm, thêm vào đó là màu xanh của loài rau dại, như rau muống đồng, bồn bồn… góp thêm làm cho màu xanh càng xanh thêm.

Thế nhưng, những năm gần đây cây tràm giao khoán cho người dân dần bị ít đi, những loài rau dại ngày nào giờ là đặc sản của vùng này nên không còn nhiều. Vì vậy, nông dân đã tô thắm thêm màu xanh bằng những vườn cây ăn trái, rau màu không chỉ giữ được màu xanh của rừng mà giúp họ đang dần vươn lên khá giả.

Dưa hoàng kim (huyện U Minh Thượng - Kiên Giang) được mùa, trúng giá khiến nông dân phấn khởi. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Dưa hoàng kim (huyện U Minh Thượng - Kiên Giang) được mùa, trúng giá khiến nông dân phấn khởi. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Ông Trần Kiếm Phong, Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng cho biết, vùng đất này được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật, như tôm cá, rùa rắn. Bên cạnh đó còn bạt ngàn rừng tràm xanh, ngoài thu nhập bán làm cừ xây dựng các công trình, còn để cho con ong về làm tổ giúp nông dân thoát nghèo từ đây. Không chỉ có các loài sản vật, vùng đất U Minh Thượng còn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều loại rau rừng, giờ trở thành đặc sản của vùng.

Thế nhưng, những năm đây khi cây tràm không còn là nguồn thu chủ lực, người dân dần phá bỏ để chuyển mô hình khác, các loại rau rừng giờ không còn. Để tìm hướng đi mới giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định, Đảng bộ và chính quyền huyện đã định hướng cho người dân, tập trung nhiều nhất ở hai xã vùng đệm U Minh Thượng là An Minh Bắc và Minh Thuận.

Bằng những bước đi cụ thể, huyện đầu tư múc kênh tạo bờ liếp cho người dân trồng chuối, cây ăn trái, trồng hoa màu, ở dưới ao thì nuôi cá nước ngọt. Hiện nay, tổng diện tích trồng màu trên địa bàn huyện có trên 1.800 ha, sản lượng trên 41.000 tấn/năm; trong đó, mô hình trồng rau ăn lá 309 ha; diện tích nuôi cá nước ngọt 2.585 ha và hàng trăm ha diện tích trồng chuối, xoài, mận, bưởi, dừa…

Ông Lưu Hồng Tươi, ngụ trong kênh Xáng 3 thuộc ấp Công Sự, xã An Minh Bắc cho hay, ông Tươi cũng như bao hộ gia đình khó khăn khác, năm 1992 khi vào nhận 5 ha đất toàn cây tràm, lau sậy. Biết là khó khăn, nhưng với người cựu chiến binh như ông Tươi thì quả quyết “đất không phụ lòng người” nếu quyết chí làm ăn. Ông bắt đầu khai khẩn và theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng rau, nuôi cá nước ngọt, các bờ vuông thì trồng chuối, trồng dừa, bưởi, xoài, mít… Hễ cây gì có nguồn thu cho gia đình thì ông trồng.

Cùng thời với ông vào đây lập nghiệp, nhiều người không chịu khó đã sang bán đất đi nơi khác lập nghiệp. Với ông thì khác, ai không khai khẩn sang bán lại ông gom góp, hỏi vay mượn thêm để mua. Nhờ vậy, đến nay ông Tươi đã có tổng diện tích đất ở vùng đệm U Minh Thượng 20 ha.

Ở dưới ông nuôi cá nước ngọt, gần đây nuôi thêm cá có hiệu quả kinh tế cao là cá hô, cá chạch lấu; trên các bờ vuông ông trồng 5.000 cây bưởi, 1.000 cây xoài, 1.000 cây mít, 500 gốc thanh long… mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Ông Tươi bộc bạch, không chỉ các loại cây ăn trái giúp gia đình ông có nguồn thu nhập khá, quan trọng hơn hết đã phủ thêm cho màu xanh vùng đất U Minh Thượng thêm xanh mãi.

Với chị Phạm Thị Hồng Ý, ngụ ở bờ bao 120 thuộc ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, từ một phụ nữ đơn thân nghèo đã vươn lên trở thành hộ khá giả ở vùng này. Với 5 ha đất hoang hóa lau sậy, rừng tràm mọc ngày nào, giờ đã hiện diện trên mảnh đất này 2.500 gốc thanh long, 500 cây nhãn, 800 cây mít, xoài, dừa… mỗi năm cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng.

Bí thư Huyện ủy U Minh - Thượng Trần Kiếm Phong cho biết, để tiếp tục phát huy thế mạnh trồng màu, cây ăn trái và nuôi cá đồng ở hai xã vùng đệm, những năm qua huyện đã đầu tỷ 36 tỷ đồng nhằm ngăn mặn, xổ phèn phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, giá trị sản xuất mô hình tổng hợp, như chuối - cá, màu - cá, trung bình đạt 70 triệu đồng/ha. Riêng mô hình trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, như xoài, bưởi, mít, thanh long… lợi nhuận trung bình trên 100 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, U Minh Thượng đã quan tâm chỉ đạo hình thành phát triển theo mô hình kinh tế tập thể và đã thành lập được 8 hợp tác xã, 49 tổ hợp tác. Đặc biệt, tháng 3/2020, huyện tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị để tiến hành ra mắt hợp tác xã dịch vụ và sản xuất cây ăn trái kiểu mẫu trên địa bàn xã An Minh Bắc để làm tiền đề nhân rộng. Theo đó, hợp tác xã mới này có 120 thành viên.

Sau khi thành lập, hợp tác xã sẽ mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất và thu hút nhiều nông dân địa phương ở trong vùng đệm vào hợp tác xã để có thêm thu nhập. Trước mắt, trong năm 2020, hợp tác xã sẽ mở dịch vụ liên kết tiêu thụ nông - thủy - hải sản, như xoài, chuối, cá đồng, tôm càng xanh, lúa; dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp; dịch vụ sấy chuối và xoài; dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy. Còn về lâu dài sẽ tiếp tục mở dịch vụ liên kết nuôi cá đồng; dịch vụ cung cấp gạo sạch; dịch vụ du lịch nông thôn…

Ông Lê Văn Thống, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ và sản xuất cây ăn trái xã An Minh Bắc cho biết, trước đây bà con làm ăn nhỏ lẻ theo kiểu đất nhà ai người ấy làm. Cùng một mùa vụ nhưng người trồng màu, trồng cây ăn trái, trồng các loại cây lấy củ… khi thu hoạch số lượng ít bị ép giá vì ở nông hộ nằm cách xa trung tâm huyện, nên thương lái không đến tận nhà dân thu mua. Có thời gian nông dân phải tự “bơi”, như tìm đầu ra, thậm chí phải ngồi chợ bán lẻ.

Thấy những khó khăn của nông dân, huyện chỉ đao thành lập hợp tác xã để làm ăn tập thể, giúp nông dân tháo gỡ khó khăn. Lúc đầu nhiều nông dân không mặn mà gì với loại hình tập thể do chưa hiểu lợi ích của nó. Thế nhưng, khi được ngành nông nghiệp huyện giải thích những quyền lợi và lợi ích khi vào tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sẽ được ngành chuyên môn hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật…Từ đó, người dân dần thấu hiểu và đồng ý tham gia vào hợp tác xã.

Theo ông Thống, khi hình thành, hợp tác xã có khả năng tham gia cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ cho người dân tại địa phương. Bên cạnh đó, các thành viên hợp tác xã chủ động hợp tác cùng nhau, từng bước nâng cao ý thức hợp tác gắn kết trong sản xuất. Ngoài ra, khi hình thành hợp tác xã còn được hỗ trợ từ đội ngũ tư vấn Trung tâm đào tạo và tư vấn hợp tác thuộc Trường cán bộ quản lý nông nghiệp phát triển nông thôn II - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp hợp tác xã xác định nguồn lực đầu tư xây dựng phương án kinh doanh trung hạn và kế hoạch kinh doanh thường niên.

Vườn bưởi xanh tốt của ông Lưu Hồng Tươi, ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Hiện nay, xã An Minh Bắc có diện tích 2.890 ha lúa, 296 ha mía, xoài 65 ha, rau màu 249 ha, chuối 1.239 ha, cây ăn trái 407 ha, tôm 1.146 ha và nuôi trồng thủy sản 2.712 ha. Với tổng số diện tích này, trong năm 2019, tổng giá trị sản xuất thu nhập của xã An Minh Bắc trên 665 tỷ đồng, nâng thu nhập bình quân đầu người đến nay lên gần 47 triệu đồng/năm.

Với định hướng nuôi cá nước ngọt, trồng màu, cây ăn trái, nông dân nơi đây không chỉ có thu nhập ổn định, mà còn góp phần giữ cho U Minh Thượng mãi một màu xanh thẳm.

Lê Sen (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/giai-phap-moi-giup-nong-dan-tang-thu-nhap-o-u-minh-thuong-20200506072737095.htm