Giải pháp mới cho cổ phần hóa, thoái vốn

Thí điểm chuyển đổi một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sang mô hình công ty cổ phần 100% vốn nhà nước, sau đó niêm yết trên thị trường chứng khoán và thực hiện thoái vốn/huy động vốn qua sàn là một trong những giải pháp mới trong lộ trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ.

Thí điểm chuyển đổi một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sang mô hình công ty cổ phần 100% vốn nhà nước, sau đó niêm yết trên thị trường chứng khoán và thực hiện thoái vốn/huy động vốn qua sàn là một trong những giải pháp mới trong lộ trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ.

Hiện nay, tái cơ cấu DNNN chủ yếu được thực hiện theo hình thức cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN). Quá trình này đạt được một số kết quả nhất định, nổi bật là DNNN sau CPH có sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu và lợi nhuận, đóng góp ngày càng lớn vào ngân sách nhà nước. Đồng thời giúp các DNNN từng bước được cơ cấu lại tinh gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn, giữ vững vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô; tăng quyền tự chủ, thúc đẩy khả năng sáng tạo... Tuy nhiên, nhiệm vụ CPH, thoái vốn liên tục "lỗi hẹn". Lẽ ra phải tăng tốc để về đích vào năm 2020 nhưng trong giai đoạn 2016 - 2020, số lượng DN thực hiện CPH chỉ đạt 28% kế hoạch đề ra với tổng giá trị bán vốn bằng 23% kế hoạch, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại DN. Tương tự, công tác thoái vốn cũng chỉ đạt khoảng 30% về số lượng và 8% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc chậm CPH, thoái vốn có nguyên nhân từ cả sự thiếu đồng bộ của cơ chế, chính sách lẫn sự thiếu quyết liệt của lãnh đạo DN. Do đó, tại dự thảo đề án cơ cấu lại DNNN trong 5 năm tới, Bộ Tài chính hướng đến một tinh thần rất mới để có thể cơ bản hoàn thành mục tiêu CPH DNNN vào năm 2025 DNNN có cơ cấu hợp lý, hình thức hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế. Thay vì quy trình hiện nay là DNNN sau CPH mới niêm yết trên sàn chứng khoán, dự thảo đề xuất thí điểm triển khai mô hình chuyển đổi một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ mô hình công ty một thành viên sang công ty cổ phần 100% vốn nhà nước. Trong đó, cơ quan, đơn vị nắm giữ 100% cổ phần hoặc cổ phần chi phối tại các DN chuyển đổi mô hình hoạt động có thể là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Mô hình này đang được duy trì ở nhiều quốc gia trên thế giới và áp dụng tại Việt Nam sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của DNNN và góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, bổ sung hàng hóa cho thị trường chứng khoán.

Để thúc đẩy tiến trình cơ cấu DNNN hoạt động hiệu quả hơn, Bộ Tài chính đề xuất triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác. Đó là hoàn thiện thể chế; hiện đại hóa quản trị DNNN; phân định rõ việc quản lý vốn và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh để tiến tới thuê người quản lý DN; phân loại DNNN để thúc đẩy cải cách; chia DNNN thành hai loại hình lớn là thương mại và công ích...

BÍCH NGÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/giai-phap-moi-cho-co-phan-hoa-thoai-von-642478/