Giải pháp 'kích cầu' bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bắt đầu được thực hiện từ ngày 1-1-2008, đến nay chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đã trải qua hơn 11 năm. Năm 2008, cả nước mới có hơn sáu nghìn người tham gia; đến cuối tháng 9 năm nay đã đạt con số hơn 460 nghìn người.

Đây là bước tiến khá dài trong thực hiện chính sách, mang đến cơ hội cho một bộ phận không nhỏ người lao động không đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH bắt buộc được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động. Đồng thời, tạo điều kiện cho công dân trong độ tuổi lao động không thuộc đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc có cơ hội được tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHXH theo chính sách của Nhà nước.

Để đạt được kết quả nêu trên, trước hết, phải kể đến nỗ lực của ngành BHXH - cơ quan được giao trách nhiệm thực hiện chính sách. Theo đó, toàn ngành đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như đã tổ chức hàng nghìn hội nghị tuyên truyền tại các địa phương, tập huấn công tác tuyên truyền BHXH cho cán bộ BHXH các cấp… BHXH các cấp đã cùng các đại lý tích cực thực hiện phương châm “đến từng nhà, gặp từng người” để tuyên truyền, vận động mở rộng đối tượng.

Một số yếu tố có tác động quan trọng khác, đó là trong quá trình thực hiện, chính sách BHXH tự nguyện cũng đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng diện đối tượng thuộc diện tham gia, không khống chế tuổi trần tham gia; phương thức đóng cũng linh hoạt hơn, nhất là những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian tham gia có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm). Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ với các mức: 30% đối với người thuộc hộ nghèo; 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác; khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Chỉ ngay trong năm đầu thực hiện hỗ trợ (năm 2018), số người tham gia phương thức BHXH này đã tăng nhanh chóng, đạt 320 nghìn người.

Mặc dù đã đạt tốc độ phát triển khá nhanh, nhất là trong một số năm gần đây, nhưng tính theo tỷ lệ, hiện nay số người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước mới chiếm khoảng 0,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Với kết quả này, việc phấn đấu có 1% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện vào năm 2021 theo Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đề ra là có thể đạt được, nhưng để đạt mục tiêu 2,5% vào năm 2025 lại là nhiệm vụ không dễ dàng.

Thực tế cho thấy, dù BHXH tự nguyện rất có lợi cho người lao động, nhưng nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung chế độ chính sách vẫn chưa đủ sức hấp dẫn. Nhóm đối tượng tiềm năng của chính sách này lại thường có thu nhập không ổn định cho nên không dễ đóng góp hằng tháng. Trong khi đó, mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện vẫn được xem là thấp.

Để tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ những lợi ích mà loại hình bảo hiểm này mang lại, từ đó tự giác, tích cực tham gia; giao chỉ tiêu phát triển cho các địa phương, có thể thiết kế các “gói” quyền lợi linh hoạt; có sự kết nối giữa BHXH tự nguyện và bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình để người dân thuận tiện khi tham gia. Nhà nước cần nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho người tham gia trong giai đoạn đầu để “kích cầu”, mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện vì đây là giải pháp đã được chứng minh là hiệu quả khi triển khai chính sách BHYT, giúp Việt Nam tiến nhanh trong lộ trình thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Gia Hải

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/42045702-giai-phap-%E2%80%9Ckich-cau%E2%80%9D-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen.html