Giải pháp khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ

Mặc dù chất lượng đội ngũ nhà giáo của tỉnh ngày một được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thừa/thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương. Để khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực, căn cơ, từng bước đảm bảo việc dạy và học của thầy và trò các nhà trường.

Năm học 2020-2021, cô giáo Bùi Thị Thu Hà được ngành GD&ĐT huyện Đầm Hà bố trí dạy tiếng Anh ở Trường Tiểu học Tân Bình và Tiểu học Thị trấn Đầm Hà.

Năm học 2020-2021, cô giáo Bùi Thị Thu Hà được ngành GD&ĐT huyện Đầm Hà bố trí dạy tiếng Anh ở Trường Tiểu học Tân Bình và Tiểu học Thị trấn Đầm Hà.

Tại huyện Đầm Hà, năm học 2020-2021, huyện có 8 trường tiểu học, 8 trường THCS, 1 trường liên cấp TH-THCS. Nhưng tại 2 cấp học này cũng chỉ có 24 giáo viên tiếng Anh. Trong đó, có 5 giáo viên dạy liên trường (4 giáo viên THCS, 1 giáo viên tiểu học).

Bà Giản Thị Thanh Thủy, Phó Phòng GD&ĐT huyện Đầm Hà cho biết: 5 giáo viên này đang dạy tiếng Anh cho 10 trường. Mỗi giáo viên dạy 2 trường. Phòng đã sắp xếp khoảng cách 2 trường mỗi giáo viên dạy chỉ cách nhau tầm 3-5 cây để thuận tiện cho giáo viên. Nhờ sắp xếp linh hoạt như vậy, các trường cơ bản đáp ứng được việc dạy và học tiếng Anh.

Cô Bùi Thị Thu Hà, một trong 5 giáo viên đang dạy liên trường chia sẻ: Tôi đang dạy tiếng Anh ở Trường Tiểu học Tân Bình và Tiểu học Thị trấn. Mỗi trường một tuần tôi dạy 12 tiết. Dù vất vả hơn so với việc chỉ dạy riêng ở một trường nhưng vì là chủ trương của ngành nên tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc được giao.

Không chỉ huyện Đầm Hà, việc thừa thiếu cục bộ giáo viên ở một số môn học, cấp học và một số địa phương vẫn còn tồn tại nhiều năm nay. Nguyên nhân một phần là do áp lực tinh giản biên chế ảnh hưởng đến việc giao định mức biên chế ngành giáo dục. Ở một số nơi chưa có cơ chế riêng dành cho đội ngũ giáo viên giỏi và thu hút đội ngũ giáo viên giỏi về công tác tại địa phương.

Tại cấp tiểu học, một số địa phương thiếu giáo viên dạy các môn chuyên trách như tiếng Anh, Tin học, Thể dục... thì chủ yếu lại do không có nguồn tuyển. Đặc biệt, số giáo viên dạy học môn tiếng Anh chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy học với thời lượng 4 tiết/tuần đối với lớp 3 - 4 - 5.

Hay như với giáo dục trung học, việc xây dựng các chuyên đề dạy học tại một số trường nhỏ còn không đảm bảo do thiếu giáo viên hoặc có bộ môn chỉ có 1-2 người, không thực hiện được các hoạt động chuyên môn của nhóm.

Tiết tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học Tân Bình, huyện Đầm Hà.

Điển hình, tại TP Hạ Long, do số học sinh tăng nhanh, tuy nhiên biên chế giáo viên được giao lại ổn định trong một thời gian dài nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên tối thiểu theo định mức của Bộ GD&ĐT. Do đó, đã ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của các trường nhất là vào đầu năm học.

Quy trình thủ tục để ký hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy trong chỉ tiêu biên chế được giao và trong chỉ tiêu hợp đồng lao động được tỉnh giao ngày càng chặt chẽ, nhiều công đoạn, phần nào ảnh hưởng đến việc kịp thời bố trí giáo viên đứng lớp thay thế, bổ sung cho số giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc, thai sản, chuyển công tác...

Bà Vi Bích Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Hạ Long cho biết: Ngay từ đầu năm học mới, ngành đã tham mưu UBND thành phố trình UBND tỉnh đề xuất, báo cáo tỉnh bổ sung thêm biên chế cho ngành giáo dục Hạ Long, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên do số học sinh tăng hàng năm, có cơ chế đặc thù cho phép các trường được hợp đồng thỉnh giảng (ngắn hạn, khi chưa được bổ sung biên chế) đối với các đối tượng là giáo viên đã về nghỉ hưu có đủ sức khỏe, đồng ý tham gia giảng dạy hoặc sinh viên sư phạm có năng lực, trình độ đúng với chuyên ngành đào tạo để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các cấp học, đồng thời để đảm bảo cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, học sinh.

Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Quang Trung, TP Hạ Long.

Được biết, năm học này, Sở GD&ĐT cũng đã, đang chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu chương trình mới lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 và các lớp tiếp theo.

Tiếp tục rà soát đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình để có biện pháp tham mưu giải quyết số giáo viên thừa thiếu cục bộ, giáo viên chưa đạt chuẩn và bổ sung đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học, Giáo dục Thể chất cấp tiểu học hiện đang thiếu...

Lan Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202011/giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-thua-thieu-giao-vien-cuc-bo-2510339/