Giải pháp khắc phục tình trạng quá tải tại các trường công lập

Tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo sự gia tăng dân số đáng báo động tại khu vực các quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông (Hà Nội)…, khiến ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đứng trước áp lực giải bài toán quá tải tại hệ thống các trường công lập.

Tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo sự gia tăng dân số đáng báo động tại khu vực các quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông (Hà Nội)…, khiến ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đứng trước áp lực giải bài toán quá tải tại hệ thống các trường công lập.

Quá tải vì tăng dân số cơ học

Dự kiến năm học 2019 - 2020, Hà Nội tuyển sinh khoảng 167 nghìn học sinh vào lớp 1, giảm 13 nghìn em so với năm trước, nhưng vẫn tăng hơn 30 nghìn học sinh so với số học sinh lớp 5 chuyển cấp. Tuyển vào lớp 6 khoảng 132 nghìn học sinh, tăng hai nghìn em so với năm học trước, tăng khoảng 30 nghìn học sinh so với số học sinh lớp 9 chuyển cấp. Tuyển sinh lớp 10 có khoảng 101 nghìn học sinh, giảm bốn nghìn học sinh so với năm học trước và tăng khoảng 25 nghìn học sinh so với số học sinh lớp 12 ra trường. Căng thẳng về phòng học năm nay không phải do số học sinh đầu cấp tăng mạnh so với năm trước, mà là do sự chênh lệch quá lớn giữa số học sinh cuối cấp ra trường với số học sinh vào đầu cấp, khiến các trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, tình trạng quá tải học sinh tập trung tại một số khu đô thị trong nội đô vẫn tiếp tục tái diễn. Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận Hoàng Mai cho biết, mặc dù quận đầu tư xây mới thêm một số trường học, nhưng tình trạng sĩ số học sinh trong một lớp vượt quá quy định vẫn chưa thể khắc phục ngay trong năm học 2019-2020. Năm học vừa qua, quận Hoàng Mai có nhiều trường học đông học sinh nhất thành phố, với sĩ số trung bình 60 học sinh/lớp. Việc bố trí tăng thêm trường lớp chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu người học cho nên vẫn sẽ vượt quy định về sĩ số học sinh/lớp trong năm học tới.

Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Tuy trong năm nay và những năm tới sẽ đưa vào sử dụng rất nhiều khu chung cư mới, ước tính số dân của phường có thể lên tới 40 nghìn người sau khi các khu chung cư này hoàn thành. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân Hà Nội thì nếu mỗi cấp học (mầm non, tiểu học, THCS) chỉ bố trí một trường học như các địa phương khác thì khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em các gia đình trên địa bàn phường này. Ông Thắng cho rằng, cần xem xét dự báo nhu cầu đi học của người dân và tranh thủ quy hoạch sớm đất xây trường, tránh rơi vào tình trạng quá tải trong một vài năm tới.

Tiếp tục xây mới trường học

Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, với số lượng hơn 2.700 trường học như hiện nay thì Hà Nội không thiếu trường học. Tình trạng quá tải chỉ xảy ra tại một số khu vực trong nội thành. Do vậy, Sở GD và ĐT Hà Nội cùng các sở, ngành đang hoàn thiện trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch điều chỉnh mạng lưới trường học đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Năm 2019, Hà Nội sẽ xây mới 87 trường học, trong đó ưu tiên cho cấp học mầm non. Trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp có 284 trường, tập trung ở 18 huyện. Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng quá tải cục bộ, Sở đang yêu cầu Phòng GD và ĐT các quận, huyện chủ động tham mưu cho các địa phương điều tra dân số, phân tuyến hợp lý và tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn.

Cũng phải đối mặt với tình trạng quá tải học sinh như các quận nội thành khác, Trưởng phòng GD và ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, thống kê ban đầu cho thấy năm học tới, Hà Đông tăng khoảng hơn 6.000 học sinh các cấp học. Quận đã xây thêm ba ngôi trường mới và các phòng học tại các khu đô thị như Xa La, Văn Phú, Vạn Phúc, Phú Lương, La Khê… “Tuy nhiên, do tốc độ dân số vẫn tiếp tục tăng ở các khu đô thị mới, cho nên việc giảm sĩ số học sinh của mỗi lớp học vẫn đòi hỏi quận phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa trường học và cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân mới chuyển đến”, bà Hằng cho biết.

Đối với những địa phương tập trung nhiều khu đô thị, bài toán giảm sĩ số học sinh cũng được chính quyền đặc biệt quan tâm. Ông Đào Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng chia sẻ, địa bàn quận Hai Bà Trưng có rất nhiều chung cư và không phải doanh nghiệp nào cũng dành đất để xây dựng các trường học. Trên thực tế, các doanh nghiệp xây dựng chung cư đều đề xuất đất xây trường học, nhưng việc triển khai rất chậm nếu chính quyền không bám sát. Ông Hoạt đề xuất nếu doanh nghiệp chậm triển khai xây trường thì thành phố cần yêu cầu doanh nghiệp dành điểm đất đó cho địa phương xây dựng, hoặc thành phố cần yêu cầu doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trước khi xây chung cư.

Bên cạnh đó, yêu cầu hạn chế học sinh trái tuyến cũng được đặt ra trong năm học tới. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết: “Năm học tới, Sở sẽ kiểm soát chặt chẽ việc tuyển sinh để hạn chế đến mức thấp nhất việc tuyển sinh trái tuyến của các trường, nhất là đối với các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Nếu sĩ số học sinh/ lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, Phòng GD và ĐT của các quận, huyện, thị xã phải có văn bản báo cáo Sở, để tránh xảy ra hiện tượng quá tải”.

THẾ HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/40032602-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-qua-tai-tai-cac-truong-cong-lap.html