Giải pháp hợp lý để bảo tồn giống lợn quý Móng Cái

Gây lại đàn lợn giống Móng Cái bằng thụ tinh nhân tạo sẽ đảm bảo hiệu quả tránh rủi ro, đáp ứng nhu cầu tái đàn sau dịch bệnh.

Đã có nhiều hội nghị được tổ chức tại Quảng Ninh để bàn thảo giải pháp bảo tồn nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Mới đây, tại Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Quảng Ninh chủ trì, một giải pháp hợp lý được đưa ra là lấy tinh dịch và phôi đông lạnh của đàn lợn Móng Cái khỏe mạnh, sau đó gây lại giống lợn quý này bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và cấy truyền phôi vào thời điểm thích hợp.

Tiến sỹ Phan Lê Sơn cho rằng cần sử dụng kỹ thuật cao đông lạnh 600 liều tinh, 1.020 phôi và khi hết dịch là gây lại đàn lợn giống Móng Cái bằng thụ tinh nhân tạo.

Tiến sỹ Phan Lê Sơn cho rằng cần sử dụng kỹ thuật cao đông lạnh 600 liều tinh, 1.020 phôi và khi hết dịch là gây lại đàn lợn giống Móng Cái bằng thụ tinh nhân tạo.

Tại Hội nghị bàn về phương án bảo tồn giống lợn Móng Cái, Tiến sỹ Phan Lê Sơn, Trưởng bộ môn Sinh lý Sinh sản và Tập tính vật nuôi, Viện chăn nuôi cho rằng cần thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn cấp thiết, chạy đua với dịch, sử dụng kỹ thuật cao đông lạnh 600 liều tinh, 1.020 phôi. Giai đoạn 2 được thực hiện sau khi hết dịch là gây lại đàn lợn giống Móng Cái bằng thụ tinh nhân tạo. Phương pháp này sẽ đảm bảo hiệu quả tránh rủi ro, đáp ứng nhu cầu tái đàn sau dịch bệnh.

“Như hiện nay thì chỉ cần đông lạnh tinh là đủ và triển khai trên diện rộng dễ hơn. Nhưng chúng ta đề phòng thêm một phương án xấu đấy là một khi dịch quét không còn con lợn cái nào thì chúng ta phải bảo quản phôi để tái tạo. Hiện nay mỗi cơ sở ta phải lựa chọn ra được 6 con lợn đực. Đây là con số phù hợp để sau này chúng ta lai ghép và lai tạo tránh sự đồng huyết. Và sau khi sản xuất được từ 1 đến 2 năm chúng ta có thể khôi phục đàn lợn Móng Cái.”- tiến sĩ Phan Lê Sơn cho biết.

Cả nước hiện có 61/63 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn Châu Phi. Tính riêng tại Quảng Ninh ổ dịch đã xuất hiện tại tất cả các thành phố, huyện và thị xã và đang có dấu hiệu tiếp tục lây lan.

“Đàn lợn Móng Cái nái thì giống bố mẹ chúng tôi có cả trăm con. Khi dịch xảy ra chúng tôi đã triển khai đủ mọi biện pháp nhưng đáng tiếc là đầu tháng 6 vừa qua chúng tôi cũng đã bị dịch tấn công. Dịch thì không ai khẳng định được bao giờ hết dịch và chúng tôi nghĩ tỉnh phải đi trước một bước.”- Ông Đặng Quốc Bảo, Giám đốc Công ty CP Giống vật nuôi Quảng Ninh cho biết.

Mặc dù phương án đưa lợn Móng Cái ra các đảo để tránh dịch bệnh vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, một trong 5 cơ sơ nuôi giống lợn Móng Cái đã mạnh dạn đưa 26 con lợn Móng Cái ra đảo Thẻ Vàng thuộc huyện Vân Đồn để bảo tồn giống lợn này.

“Trong 26 con trong đó có 6 con lợn đực và 20 con lợn cái. Khoảng tháng 8, tháng 9 sẽ sinh sản lứa đầu tiên. Trên đảo rất rộng mà không có người ở. Đặc biệt cách nuôi để ngăn chặn dịch bệnh có rất nhiều vấn đề và chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt việc cách ly, thực thẩm và thức ăn cho lợn là phải nấu chín 100%.”- Ông Trần Hòa, Giám đốc công ty cho biết.

Lợn Móng Cái là giống lợn thuần chủng, có từ lâu đời tại Quảng Ninh và được phát triển làm đàn nái nền phổ biến tại các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền trung. Với chất lượng thịt thơm ngon, lợn Móng Cái được coi là lợn “Tiến vua” cũng là sản phẩm OCOP của Quảng Ninh và Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho rằng việc bảo tồn giống lợn Móng Cái phải được triển khai càng sớm càng tốt cùng với đó là sự hỗ trợ, động viên thích hợp đối với những doanh nghiệp có trách nhiệm cao trong việc bảo vệ giống lợn quý này.

“Phương án lưu giữ tinh, phôi sau 3 năm nếu tuyệt chủng sẽ mang ra cấy với tỷ lệ từ 50 tới 70% thành công Còn lại sẽ hỗ trợ 1 số doanh nghiệp đã đưa lợn ra đảo. Làm như vậy sẽ đảm bảo được 2 phương án mà kinh phí không tăng. Việc hỗ trợ sẽ giúp các doanh nghiệp trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn giống lợn quý này.”- ông Nguyễn Hữu Giang cho biết./.

Vũ Miền/VOV- Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giai-phap-hop-ly-de-bao-ton-giong-lon-quy-mong-cai-929345.vov