Giải pháp hòa bình vẫn còn mong manh

Mới đây, Mỹ và Nhóm phiến quân Taliban đã nhất trí về dự thảo thỏa thuận hòa bình tại Afghanistan. Đây là một triển vọng đáng mừng cho mảnh đất Tây Nam Á, mặc dù Taliban vẫn đang tiến hành những cuộc tấn công gây thương vong lớn, khi chưa có thỏa thuận ngừng bắn chính thức.

Binh lính Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Military

Binh lính Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Military

Afghanistan là chiến trường dai dẳng nhất của Mỹ khi đến nay đã là năm thứ 18. Khi vừa nhậm chức năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt ra mục tiêu phải chấm dứt cuộc chiến này. Theo đó, Mỹ cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ rút toàn bộ quân đội. Tuy nhiên, tham vọng này của Tổng thống Trump vẫn chưa thể đạt được trong bối cảnh hiện tại. Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Trump khẳng định, Mỹ sẽ chỉ rút một phần và vẫn sẽ duy trì lực lượng quân sự ở Afghanistan.

Ngày 4-9, ông Zalmay Khalilzad, Đặc phái viên của Mỹ về hòa giải Afghanistan cho biết, sau 9 vòng đàm phán giữa Mỹ và Taliban từ cuối năm ngoái tới nay, thỏa thuận hòa bình tại Afghanistan về cơ bản là đạt được và đang chờ các bên đặt bút ký.

Theo dự thảo thỏa thuận này, Mỹ sẽ rút 5.400 quân trong tổng số 14.000 binh lính và đóng cửa 5 căn cứ quân sự trong vòng 135 ngày tại Afghanistan. Ngược lại, Taliban cam kết không để các nhóm phiến quân khủng bố khác như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Al-Quaeda... sử dụng lãnh thổ Afghanistan để làm nơi “ẩn náu” và làm “bệ phóng” tấn công Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, theo Đặc phái viên Khalilzad, hai bên mới nhất trí ở mức giảm tình trạng bạo lực, hướng tới chấm dứt cuộc chiến đẫm máu. Còn việc ngừng bắn chính thức thì do các bên ở Afghanistan tự thỏa thuận với nhau.

Theo giới phân tích quân sự thế giới, hiện còn nhiều “rào cản” để đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, trong đó có vướng mắc về việc chia sẻ quyền lực, nhất là khi 2 bên vẫn chưa chịu ngồi vào bàn đàm phán với nhau. Trong khi đó, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ nhận định, thực trạng bất ổn an ninh tại Afghanistan cho thấy, Mỹ vẫn cần can thiệp để kiềm chế bạo lực. Việc rút lực lượng chống khủng bố khỏi Afghanistan vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu đây vẫn là nơi “ẩn náu” của các tổ chức khủng bố. Tướng Dunford cũng khẳng định, Chính phủ Afghanistan có vai trò “mấu chốt” để đạt được hòa bình.

Đáp lại những nỗ lực của Mỹ, chính quyền Tổng thống Afghanistan đồng tình rằng, con đường dẫn đến nền hòa bình toàn diện là chấm dứt bạo lực và đàm phán trực tiếp với Taliban. Chính vì vậy, Chính phủ Afghanistan sẵn sàng đàm phán toàn diện với Taliban và hiện đã trao đổi với Mỹ về dự thảo thỏa thuận này. Tuy nhiên, hãng tin Reuters đưa tin, Taliban hiện vẫn đang từ chối đàm phán với Chính phủ Afghanistan.

Trong khi triển vọng hòa bình từ thỏa thuận Mỹ - Taliban đang diễn ra tốt đẹp, thì nhóm phiến quân này vẫn tiếp tục tiến hành các vụ tấn công gây thương vong lớn ngay tại Thủ đô Kabul, Afghanistan và đối tượng nhắm đến là người nước ngoài. Ngay khi Đặc phái viên Khalilzad đang công bố thông tin về dự thảo thỏa thuận hòa bình trên truyền hình ngày 2-9, Taliban đã gây ra vụ tấn công khu phức hợp quốc tế tại Thủ đô Kabul khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 50 người bị thương đều là dân thường.

Tình hình trên cho thấy, mặc dù triển vọng hòa bình tại Afghanistan đang tiến triển tốt, nhưng trên thực tế, thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban chưa thể ngăn bạo lực diễn ra mỗi ngày. Thách thức về an ninh đang phụ thuộc chủ yếu vào sự đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giai-phap-hoa-binh-van-con-mong-manh/