Giải pháp hỗ trợ nữ phạm nhân và phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng

Đối với đối tượng phạm nhân là nữ giới khi được tha tù về tái hòa nhập cộng đồng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, họ phải đối mặt với rất nhiều định kiến từ gia đình, xã hội… Đa số thường tự ti, mặc cảm, nhiều chị em không nhận được sự bao dung từ cộng đồng đã đẩy họ quay lại con đường phạm tội.

Chiều ngày 12/4, tại Thanh Hóa, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về “Thực trạng, giải pháp hỗ trợ nữ phạm nhân và phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng”.

Tham dự buổi tọa đàm có bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Đại tá Ngô Quốc Hưng - Phó Cục trưởng C86, bà Phạm Thị Thanh Thủy – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa và các đại biểu đại diện cho hội phụ nữ, công an các phường, xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cùng nhiều phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Tuyết – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - nêu lên thực trạng: Hiện nay, đối với nữ phạm nhân và phụ nữ sau khi mãn hạn tù trở về địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, họ tự ti về bản thân khi mình đã từng lầm lỗi, cộng với đó là sự xa lánh, dị nghị từ chính những người thân trong gia đình, xã hội khiến việc hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng gặp phải những trở ngại rất lớn.

Nhiều chị em khi ra khỏi trại giam trở về không có công ăn, việc làm ổn định, gia đình thiếu sự quan tâm chia sẻ, chính quyền địa phương cũng thờ ơ, thiếu sự hộ trợ, động viên kịp thời dẫn đến nhiều chị em rơi vào bế tắc, bi quan trước cuộc sống, bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ và tiếp tục quay lại con đường phạm pháp.

Tại buổi tọa đàm, chị Nguyễn Thị Lan (ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa) - một nữ phạm nhân đã từng phải chấp hành án 3 năm tù tại trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa) và mãn hạn tù năm 2016 chia sẻ: “Lúc mới được tha tù trở về quê hương chỉ là 2 bàn tay trắng. Khi đó cũng có nhiều người qua nhà động viên, chia sẻ nhưng cũng có rất nhiều người dị nghị, xa lánh vì họ sợ mình sẽ dụ dỗ họ vào con đường phạm tội. Họ cho rằng ở trong tù là bao nhiêu thói hư, tật xấu, là dân anh chị… Thời điểm đó, tôi cũng trăn trở và sống thu hẹp mình lại, nhưng rồi tôi nghĩ là không có gì là quá muộn và được sự động viên rất lớn từ gia đình, tôi đã bắt đầu vươn lên làm lại cuộc đời”.

Chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ về con đường hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng của bản thân.

Theo chị Lan, lúc mới ra tù cuộc sống của chị gặp không ít khó khăn và bế tắc, chị đã phải làm rất nhiều nghề để kiếm sống qua ngày, muốn mở rộng đầu tư để làm kinh tế thì không được tiếp cận các nguồn vốn vay do không đủ điều kiện về thủ tục, giấy tờ… Lúc này, chị Lan mạnh dạn đến hội LHPN địa phương và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn, thời gian này chị Lan được tham gia các lớp tập huấn về làm kinh tế, được tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn vay… Sau 2 năm, chị Lan đã trở thành chủ cơ sở chuyên về sản xuất nước mắm, cá khô tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho gia đình và nhiều lao động khác.

Cũng như chị Lan, chị Phạm Thị Mai (ở TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tâm sự: “Tôi từng là một nữ phạm nhân phải nhận mức án 20 năm tù, lúc ở trại giam tôi rất bị quan, chán nản và nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có thể vực lên để sống tiếp chứ đừng nói chi đến làm giàu”.

Kể về những tháng ngày mới ra khỏi trại giam, chị Mai nói: Lúc mới ra tù trở về quê hương thì mọi thứ đã thay đổi, chồng mất, con cái nheo nhóc, trong tay chẳng có chút vốn liếng gì. Đau đớn nhất là bị nhiều người ruồng bỏ, xa lánh và cũng có nhiều đối tượng đến dụ dỗ, lôi kéo nhưng với chị bản án như vậy là quá đủ và không thể lún sâu thêm nữa, bản thân chị phải tự vươn lên để lo cho cuộc sống của con và gia đình.

Chị Phạm Thị Mai, một người đã từng rất bi quan khi mới mãn hạn tù trở về.

Lúc này, chị đã quay lại trại giam nhờ hỗ trợ về vốn và được tham gia các lớp kiến thức pháp luật, khởi nghiệp, định hướng nghề nghiệp. Hiện nay, chị Phạm Thị Mai đang là chủ một cơ sở chuyên cung cấp các mặt hàng hoa giấy, hoa tươi phục vụ tang lễ, hội nghị… tạo công ăn việc làm cho không ít lao động.

Cũng theo chị Mai, với nữ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng gặp nhiều khó khăn so với nam giới, họ là những đối tượng dễ bị tổn thương, hay tự ti về bản thân mình nên dễ quay lại con đường lầm lỗi. Do đó rất cần sự quan tâm, chia sẻ đặc biệt từ các cấp, các ngành bằng các việc làm cụ thể như: hỗ trợ về vốn vay, mở các lớp tập huấn về làm kinh tế, định hướng nghề nghiệp…

"Tôi cũng đã từng là phạm nhân nên tôi nghĩ không có gì là quá muộn và đặc biệt bản thân mình phải có ý chí vươn lên, vượt qua được sự mặc cảm và định hướng cho mình một nghề nghiệp từ khi đang còn thụ án ở trại giam chứ không để đến khi được mãn hạn tù mới nghĩ đến việc làm lại cuộc đời”, chị Mai chia sẻ.

Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, nhiều đại biểu nêu lên thực trạng và giải pháp: Đối tượng nữ giới khi hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng gặp nhiều khó khăn so với nam giới, nhiều người khi chấp hành xong án phạt tù trở về bị người thân, xã hội xa lánh buộc họ phải rời bỏ quê hương. Do đó, cần phải có sự vào cuộc kịp thời từ chính quyền địa phương trong việc động viên, chia sẻ và đấu tranh xóa bỏ sự kỳ thị, tạo điều kiện, hỗ trợ cho họ về mặt thủ tục, giấy tờ, nghề nghiệp, vốn vay giúp họ tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả hơn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết phát biểu tại buổi tọa đàm.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng trách nhiệm của chính quyền địa phương tại cơ sở, hội LHPN, ngành công an là rất lớn trong việc hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng của phạm nhân, đặc biệt là nữ giới. Qua đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và có cơ chế hoạt động rõ ràng, quy định cụ thể việc làm, trách nhiệm của các bên liên quan.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần xây dựng cẩm nang về nghề nghiệp, giải pháp, cách thức hỗ trợ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng ngay tại chính các cấp cơ sở, để từ đó những người làm công tác chuyên môn ở địa phương không bị bỡ ngỡ và trạng bị được các phương pháp tiếp cận, cách thức tiếp cận các phạm nhân ngay khi họ vừa mới trở về địa phương… phải nhận thức được rằng, giúp phạm nhân làm lại cuộc đời là trách nhiệm không chỉ riêng ai.

Kết thúc buổi tọa đàm, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam cũng cho hay, việc hỗ trợ các nữ phạm nhân và phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng là việc làm cần thiết, nhân văn và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, lãnh đạo Hội LHPNVN cũng cho biết, sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp từ các đại biểu tham dự và với chức năng nhiệm vụ của mình, Hội sẽ phối hợp với Bộ Công an và cơ quan liên quan để có những chính sách đáp ứng được tình hình thực tiễn.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/giai-phap-ho-tro-nu-pham-nhan-va-phu-nu-hoan-luong-tai-hoa-nhap-cong-dong-post45468.html