Giải pháp giảm ùn tắc giao thông giờ tan trường

Tại các quận nội thành của TP. Hà Nội có hàng chục, hàng trăm điểm trường học tập trung số lượng học sinh vô cùng lớn. Vào giờ cao điểm, tình trạng phụ huynh dừng đỗ xe trên vỉa hè, lòng đường đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Nguyên nhân thì đã rõ nhưng để tìm lối thoát cho vấn đề này đến nay vẫn chưa thể triệt để.

Câu chuyện ùn tắc giao thông tại Hà Nội nói chung và tại các cổng trường học nói riêng là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ được coi là cũ. Hiện nay, tại các điểm trường học trên địa bàn đặc biệt là các điểm trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non, tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm diễn ra như một thói quen hằng ngày.

Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, sở dĩ có hiện tượng ùn tắc trước trường học vào những giờ tan trường là do quỹ đất vỉa hè dành cho các trường không đủ để chứa nhiều xe trong cùng một thời điểm, nhiều phụ huynh phải đứng dưới lề đường.

Đoạn đường trước cổng trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) luôn ùn tắc kẹt cứng sau tiếng trống tan trường (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Đoạn đường trước cổng trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) luôn ùn tắc kẹt cứng sau tiếng trống tan trường (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Để giải quyết tình trạng ùn tắc trên, ông Nguyễn Công Thành (phụ huynh học sinh) kiến nghị: Vào giờ tan học, mỗi trường phải “gánh” vài nghìn người cùng các phương tiện giao thông, nếu mỗi trường chỉ có một cổng thì việc ùn tắc là điều khó tránh khỏi.

Theo đó nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, ngành quản lý và các trường cần bố trí giờ học, giờ tan cho phù hợp hơn. Cách làm này sẽ giảm lưu lượng các xe gắn máy tập trung trước cổng trường gây ùn tắc giao thông. Những phụ huynh đưa đón con bằng ô tô nên đỗ xe ở khu vực cách xa cổng trường thay bằng việc đỗ trên lề đường sát cổng trường gây ùn tắc.

Trên thực tế, không ít trường học trên địa bàn đã chủ động phối hợp kế hoạch căn chỉnh giờ tan học so le cách nhau 10 - 15 phút giữa các khối lớp để số lượng người và phương tiện không bị tăng đột biến vào cùng một thời điểm.

Riêng các trường học có sân rộng, nhà trường đều ưu tiên mở cổng để phụ huynh vào sân đợi đón học sinh. Đơn cử tại trường THCS Trần Đăng Ninh (Hà Đông), nhà trường bố trí lịch học của các khối lớp cân đối (hai khối lớp học buổi sáng, hai khối lớp học buổi chiều) do đó cổng trường ít khi xảy ra tình trạng ùn tắc kẹt cứng.

Hay như trường Tiểu học Đoàn Kết (Hà Đông) với số lượng học sinh đông, mỗi giờ tan nhà trường bố trí mở hai cổng chính và phụ ở hai con phố khác nhau, giảm tải lượng phụ huynh, học sinh tập trung dồn ở một phố. Cùng đó, nhà trường phối hợp với địa phương giải tỏa các hàng, quán lấn chiếm vỉa hè gần cổng trường góp phần giảm ách tắc.

Để giảm ùn tắc trước cổng trường cũng rất cần ý thức chấp hành Luật giao thông của phụ huynh khi đưa đón con (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Một số trường không có sân rộng để bố trí “nhà chờ” cho phụ huynh nhưng lại có sáng kiến khác như cho các cháu xếp hàng để phụ huynh thuận tiện đón con. Đặc biệt, một số trường có điều kiện đã tổ chức xe đưa đón học sinh như trường Đoàn Thị Điểm, trường Lômônôxốp,... vừa giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông vừa thuận tiện, an toàn cho phụ huynh và học sinh.

Thiết nghĩ, với những giải pháp đó có thể góp phần “hạ nhiệt” tình trạng ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông trước cổng trường. Đồng thời vấn đề này đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các điểm trường phải có sự phối hợp nhịp nhàng. Cần có sự tham gia điều tiết giao thông của ngành chức năng và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây mất an toàn giao thông. Cùng với đó phải thường xuyên tuyên truyền và nâng cao ý thức của phụ huynh trong việc đưa đón con em đến trường, tạo được sự đồng thuận để đưa ý thức vào nề nếp.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/giai-phap-giam-un-tac-giao-thong-gio-tan-truong-80744.html