Giải pháp giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp

Với số lượng người trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp tăng cao do dịch bệnh, trong giai đoạn tới, giáo dục nghề nghiệp vừa phải đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm, vừa phải hoàn thành mục tiêu đào tạo lại cho đội ngũ lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo các chuyên gia, thời điểm này, công tác định hướng nghề cho thanh niên, giảm sự 'lệch pha' giữa hệ thống đào tạo với nhu cầu thực tế cần được coi là giải pháp cần thiết để tạo sự bứt phá.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng sau đại dịch

Năm 2017, học hết lớp 12, Nguyễn Tuấn Linh, quê ở Hòa Bình quyết định "khăn gói" ra Hà Nội kiếm việc làm. Trong gần 5 năm, Linh đã làm đủ nghề, từ bảo vệ, phục vụ quán cho tới chạy xe ôm công nghệ. Linh cho hay, trước đây, mỗi tháng, kiếm khoảng 10 - 12 triệu đồng, nhưng công việc vất vả, bấp bênh. Đầu năm 2022, Linh đăng ký một lớp học sửa chữa điện lạnh với hy vọng kiếm việc làm ổn định hơn và kể cả sau này về quê vẫn có nghề trong tay.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay kỹ thuật, kỹ năng hành vi và các kỹ năng mềm khác của lao động Việt Nam còn yếu

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay kỹ thuật, kỹ năng hành vi và các kỹ năng mềm khác của lao động Việt Nam còn yếu

Bà Nguyễn Thị Huyền, điều phối viên quốc gia, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam nhận định, những năm qua, xu hướng thanh niên nông thôn đến tuổi lao động, thay vì học nghề lại ra thành phố làm công việc giản đơn không phải hiếm. Thêm vào đó, giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều thách thức; các cụm, tuyến khu công nghiệp phát triển, thu hút lực lượng lao động trẻ đến làm việc mà chưa qua đào tạo nghề... Điều này để lại hệ lụy, nếu không có sự chuẩn bị, khi đến tuổi trung niên hoặc bất ngờ mất việc, họ sẽ cảm thấy chới với vì không có nghề nghiệp trong tay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,4 triệu người, tăng gần 204.000 người so với năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 8,48%, tăng 0,52%. Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều thanh niên mất việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp.

Lý giải về tình trạng này, bà Nguyễn Thị Huyền cho rằng, nhiều việc làm trước đây chưa bao giờ có thì hiện nay lại trở nên phổ biến và đại dịch Covid-19 là minh chứng rõ nhất cho sự biến động, thậm chí là hỗn loạn của thị trường lao động.

Nhìn nhận ở góc độ kết nối cung - cầu lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết, với nhiều doanh nghiệp, sau khi tuyển được lao động, phải mất một thời gian đào tạo lại để người lao động có thể tiếp cận được các vị trí việc làm. Mặc dù các trường đã đào tạo kiến thức nền, kiến thức cơ bản nhưng để có sự gắn kết giữa công tác đào tạo và các vị trí việc làm trong các doanh nghiệp sẽ cần nhiều thời gian, kể cả từ phía các doanh nghiệp cũng như từ phía cơ sở đào tạo. Đây là một thực tế, cần phải thay đổi.

Phối hợp liên ngành để thúc đẩy thị trường

Có thể nói, thị trường lao động của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trước tác động của đại dịch Covid-19 và kỹ năng của người lao động, công tác định hướng nghề nghiệp, kết nối cung - cầu đều có những thiếu hụt chưa thể lấp đầy.

Để cải thiện những vấn đề đó, đầu tháng 5.2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã ban hành Chương trình phối hợp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động và bảo đảm an sinh xã hội.

Mục đích của Chương trình là triển khai quyết liệt, có hiệu quả, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ; bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định trong tình hình mới. Kết nối tốt cung cầu và phát triển thị trường lao động bền vững, cung ứng đủ và kịp thời lao động có chất lượng cho thị trường; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách BHXH, bảo đảm an sinh xã hội bền vững đối với người lao động.

Công tác phối hợp sẽ xoay quanh 6 nội dung, tuy nhiên, quan trọng nhất là tập trung phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 5.2.2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, tập trung các giải pháp hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, tạo việc làm tốt hơn cho người lao động, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động, tăng tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 45% vào 2025 và đạt 60% năm 2030.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục hồi và ổn định thị trường lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), giai đoạn tới, giáo dục nghề nghiệp vừa phải đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm; vừa đào tạo phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động (đặc biệt là ở nông thôn), vừa đào tạo lại cho người lao động trong doanh nghiệp để thích ứng với sự thay đổi, dưới tác động của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc phối hợp liên ngành sẽ giúp ngành lao động có thêm cơ hội và nguồn lực để làm tốt công tác chuyên môn. Tuy nhiên, việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng phải là ưu tiên chung, bởi các kỹ năng mà người lao động cần có cũng sẽ khác khá nhiều trong 10 năm tới khi các dây chuyền tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay thế lao động chân tay.

Mặt khác, những kỹ năng xã hội (kỹ năng giao tiếp, khả năng lãnh đạo…); kỹ năng ứng dụng công nghệ (lập trình, tương tác với công nghệ hiệu quả…) dự kiến sẽ tăng khoảng 20% trong mười năm tới. Do vậy, để giúp nâng cao hiệu quả công việc, thích ứng với xu hướng việc làm trong tương lai, người lao động cũng cần phải trau dồi các kỹ năng và học tập không ngừng nghỉ mới có thể đáp ứng được sự thay đổi đó.

TÙNG DƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/giai-phap-giam-thieu-ty-le-that-nghiep-i289483/