Giải pháp giảm thiểu tai nạn trong khu vực không có quan hệ lao động

Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ III với chủ đề 'Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc' sẽ diễn ra từ ngày 1-31/5/2019.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tất Thắng về các hoạt động được triển khai trong tháng; giải pháp để giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là trong khu vực không có quan hệ lao động.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động Trung ương cho thấy, năm 2018, các vụ tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động giảm, nhưng trong khu vực ngoài quan hệ lao động tăng. Ông lý giải điều này như thế nào?

Việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động đã được làm mấy chục năm nay, đã có nền nếp. Vì thế, cả số vụ và số người chết đều giảm (622 người chết vì tai nạn lao động, giảm 6,6% so với năm 2017; 578 vụ tai nạn lao động gây chết người, giảm 10,8% so với năm 2017). Khu vực không có quan hệ lao động mới được quy định trong luật nên các cơ quan chức năng mới thống kê trong khoảng 2 năm nay (từ 2017 đến nay). Đây là việc khó, đòi hỏi phải thống kê từ cấp xã trở lên. Cũng theo quy định của Luật, các vụ tai nạn lao động gây chết người và tai nạn lao động có từ hai người chết trở lên mới được thống kê, nên hiện các địa phương mới thống kê các vụ có người chết trong khu vực không có quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, do ở địa phương không có lực lượng chuyên biệt, việc thống kê được giao cho cấp xã và Công an cấp huyện. Số liệu thống kê năm 2017 cho thấy mới có 42 tỉnh, thành phố thống kê số vụ tai nạn lao động gây chết người tại khu vực không có quan hệ lao động. Năm 2018 đã tăng lên 51 địa phương. Do đó, số vụ tai nạn lao động có người chết ở khu vực này có tăng lên (417 người chết vì tai nạn lao động, tăng 59,16% so với năm 2017; 394 vụ tai nạn lao động chết người, tăng 57,6% so với năm 2017).

Có thể thấy, ý thức của các địa phương đã tăng lên, việc thống kê đã có kinh nghiệm từ năm trước nên đã tốt hơn. Mặc dù thống kê này có thể chưa đầy đủ vì trong khu vực không có hợp đồng lao động, hoạt động của người lao động rất đa dạng, diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, nhưng có thể thấy chính quyền các cấp ở địa phương đã có ý thức hơn trong việc thống kê này. Việc thống kê sát thực hơn sẽ có con số lớn và tiệm cận với thực tế hơn, giúp các cơ quan quản lý có chính sách phù hợp, để từng bước ngăn chặn, giảm dần số vụ tai nạn lao động.

Thưa ông, giải pháp nào để hạn chế tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động?

Luật đã có quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với khu vực không có quan hệ lao động. Hiện, Cục An toàn lao động đang tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Nghị định về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện trong khu vực không có quan hệ lao động để năm 2020 trình Chính phủ xem xét. Khi có Nghị định này, những người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ trong phòng ngừa và khi xảy ra tai nạn lao động sẽ được hỗ trợ. Nhà nước đang cố gắng hỗ trợ người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động ở mức cao nhất, không có sự phân biệt giữa các khu vực, bảo đảm người lao động nào cũng luôn được bảo vệ khỏi tai nạn lao động một cách tốt nhất.

Các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án thông tin tuyên truyền để người lao động nhận thức được các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động để biết cách phòng tránh. Các cơ quan, nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ, máy móc thiết bị phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người lao động sử dụng các máy móc an toàn, tránh nguy cơ tai nạn xảy ra. Bên cạnh đó, trong Chương trình quốc gia an toàn vệ sinh lao động của Trung ương, Bộ đã dành nguồn lực nhất định để hỗ trợ việc tuyên truyền các chính sách về an toàn vệ sinh lao động đến cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động; in hàng nghìn đĩa phim, tài liệu tuyên truyền để các cấp ở địa phương phát, tuyên truyền trong khu vực không có quan hệ lao động.

Vừa qua, đại diện Cục An toàn lao động đã tham gia đoàn giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tại 7 tỉnh. Qua giám sát cho thấy, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại tỉnh khá ổn nhưng cấp huyện, xã còn yếu. Tới đây, Quốc hội sẽ có kết luận về cuộc giám sát này. Chúng tôi cho rằng, tới đây phải tăng cường hơn nữa ở khu vực không có quan hệ lao động, người lao động yếu thế, không có điều kiện như khu vực có quan hệ lao động.

Ông có thể cho biết trong năm 2018, các vụ tai nạn lao động chủ yếu xảy ra trong những lĩnh vực nào và những địa phương nào xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nhất?

Hiện trường vụ sập giàn giáo công trình tại Nam Định làm 8 người thương vong ngày 2/4/2019. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2018, ba địa phương không để xảy ra tai nạn lao động, còn lại 60 địa phương có tai nạn lao động. Theo đó, cả nước xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động, làm 8.229 người bị nạn; 1.039 người chết do tai nạn lao động, 1.939 người bị thương nặng. Số vụ tai nạn lao động gây chết người là 972 vụ, trong đó 112 vụ tai nạn lao động có 2 người chết trở lên. Những địa phương có số người chết do tai nạn lao động nhiều nhất gồm có: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ninh, Cà Mau, Quảng Nam và Bình Dương. 15 vụ tai nạn lao động bị đề nghị khởi tố, trong đó 3 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan Cảnh sát điều tra.

Các vụ tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất là trong lĩnh vực xây dựng, bởi cả nước hiện là một công trường xây dựng lớn: Công trình trọng điểm quốc gia, công trình cấp tỉnh, địa phương, công trình dân dụng... Người lao động tham gia vào lĩnh vực này rất đông, có cả những người đã được đào tạo bài bản, có người nhân thời gian nông nhàn tham gia. Tiếp đến là các lĩnh vực sử dụng điện, khai khoáng, sản xuất vật liệu, cơ khí luyện kim và một số lĩnh vực khác. Nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 46,49%. Cụ thể, người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 24,56% tổng số vụ; do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 9,64% số vụ; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn và chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 7,2%... Nguyên nhân do người lao động vi phạm quy chuẩn về an toàn lao động chiếm 18,42% số vụ... Trong lĩnh vực sử dụng máy móc, thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt do được kiểm định, thanh kiểm tra quyết liệt nên tai nạn lao động có giảm hơn so với trước. Tôi cho rằng các bộ chuyên ngành và địa phương cần tiếp tục vào cuộc tích cực hơn, để phòng ngừa tai nạn lao động ở các lĩnh vực trên

Xin ông cho biết chủ đề của Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 và tại sao lại chọn chủ đề đó?

Chủ đề của năm nay là "Đánh giá rủi ro để ngăn ngừa tai nạn lao động". Nội dung này cũng đã được nêu trong Luật An toàn lao động, bởi khi ta nhận diện được nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình lao động và xử lý những rủi ro này, sau đó làm việc mới an toàn.

Chủ đề này được chọn bởi tất cả tai nạn lao động xảy ra đều có quá trình và nguyên nhân. Nếu phát hiện được những rủi ro đó sẽ tránh được tai nạn lao động xảy ra. Ví dụ, người lao động làm trong lĩnh vực xây dựng trước khi vào làm việc phải quan sát, kiểm tra xem giàn giáo đã được kết cấu chắc chắn chưa, nền đất dưới có an toàn không, có lún không và liên kết với nhau đã chắc chắn chưa. Kể cả công chức làm việc trong văn phòng, cũng có nhiều nguy cơ có thể xảy ra trong sử dụng điện, máy tính... hay những vật xung quanh như quạt trần cũng có thể rơi vào đầu. Nếu chúng ta phát hiện ra tiếng kêu khác thường, nên cho dừng quạt lại và nhờ kỹ thuật xử lý.

Vì vậy, chúng tôi muốn rằng tùy theo công việc dù đơn giản hay phức tạp, mỗi người trước khi vào làm việc đều phải nhận thức được các mối nguy hiểm. Những rủi ro này rất đa dạng nhưng mỗi người lao động hãy tự liên hệ với vị trí làm việc của mình để dành thời gian ban đầu khi bắt tay vào làm việc để quan sát, phát hiện nguy cơ. Có nguy cơ có thể tự xử lý, có nguy cơ chúng ta báo cho người có trách nhiệm xử lý để tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Ông có thể điểm qua một số hoạt động chính trong Tháng Hành động?

Sẽ diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng trước, trong và sau Tháng Hành động. Công tác thông tin tuyên truyền luôn được thực hiện trước. Tiếp đó sẽ có các hội nghị, hội thảo về các chủ đề chuyên sâu; đối thoại giữa các cấp, ngành chức năng để lắng nghe doanh nghiệp, người lao động phản ánh những bất cập để giải quyết; thành lập các đoàn công tác để thanh tra, kiểm tra, xử lý. Đây là những hoạt động rất quan trọng.

Trong công tác phòng ngừa, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát động để các doanh nghiệp, người lao động tự hưởng ứng. Lễ phát động chỉ có ý nghĩa gửi thông điệp để toàn quốc hưởng ứng chứ không có nghĩa tập trung vào đó để xử lý tất cả; doanh nghiệp phải có trách nhiệm tuyên truyền, huấn luyện, tự kiểm tra, xử lý, thậm chí có thể đầu tư thêm máy móc, thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động. Chúng tôi cho rằng chỉ khi nào mỗi người lao động, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và kể cả các cơ quan báo chí đều vào cuộc chung tay, công tác an toàn vệ sinh lao động sẽ từng bước được cải thiện và tốt dần lên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phúc Hằng/TTXVN (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/giai-phap-giam-thieu-tai-nan-trong-khu-vuc-khong-co-quan-he-lao-dong-20190430094312038.htm