Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề

Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh có 155 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 69 làng nghề đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận.

Sản xuất đá mỹ nghệ tại phường An Hưng (TP Thanh Hóa).

Sự ra đời và phát triển của các làng nghề góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, để giải quyết hài hòa bài toán bảo vệ môi trường (BVMT) và phát triển bền vững làng nghề đang đặt ra nhiều thách thức.

Thực hiện chức năng tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các thủ tục hồ sơ về BVMT; đồng thời tiến hành kiểm tra định kỳ một số cơ sở sản xuất trong làng nghề. Qua việc kiểm tra công tác BVMT cho thấy các làng nghề được công nhận đã thành lập được tổ tự quản về BVMT, rác thải được thu gom và hợp đồng với các đơn vị có chức năng để xử lý. Tuy nhiên, ở các cơ sở nhóm làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến lương thực thực phẩm, hải sản; chăn nuôi; cơ khí, đúc đồng, tỷ lệ các cơ sở hoạt động trong các làng nghề xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt yêu cầu còn rất thấp. Nước thải chưa được thu gom xử lý hoặc xử lý chưa triệt để thải ra môi trường gây ô nhiễm nước mặn, nước ngầm khu vực xung quanh. Chất thải rắn phát sinh từ quá trình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp chưa được phân loại, thu gom và xử lý không triệt để đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe của người dân trong làng nghề. Hầu hết các làng nghề này đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Thông qua việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất trong làng nghề, Sở TN&MT đã hướng dẫn cơ sở, hộ gia đình trong làng nghề thực hiện các thủ tục về môi trường, đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, đầu tư các công trình xử lý chất thải. Đồng thời tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với các cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để hỗ trợ các làng nghề xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Đến nay, làng nghề chế biến đá xã Đồng Thắng (Triệu Sơn) và làng nghề chế biến đá xẻ xã Hà Tân (Hà Trung) đã được cấp kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải; 3 làng nghề: đánh bắt và chế biến hải sản xã Ngư Lộc (Hậu Lộc); chế biến hải sản xã Hải Thanh (Tĩnh Gia); đúc đồng thôn Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) được cấp kinh phí xây dựng hệ thống thoát nước thải từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017 và 2018 (tổng kinh phí là 7,2 tỷ đồng). UBND tỉnh đã hỗ trợ tài chính xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước và trạm xử lý nước thải cho làng nghề cơ khí xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) (tổng kinh phí trên 8,3 tỷ đồng); hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung cho cụm làng nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô (Thiệu Hóa) với công suất thiết kế 60m3/ngày (tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng).

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác BVMT tại các làng nghề vẫn gặp phải một số khó khăn, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do, nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, họ mới chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế của bản thân, đơn vị mà không quan tâm đến việc BVMT. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm pháp luật BVMT đối với các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cấp, các ngành trong công tác BVMT còn hạn chế, chưa quyết liệt; công nghệ sản xuất tại các làng nghề hầu hết còn lạc hậu, quy mô sản xuất chật hẹp, cơ sở sản xuất nằm xen lẫn các khu dân cư không đủ điều kiện để xây dựng các công trình xử lý nước thải, khí thải đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, kinh phí Nhà nước đầu tư cho công tác BVMT tại các làng nghề còn hạn chế. Về quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng, tiêu thoát nước tại các làng nghề chưa đồng bộ, khoa học...

Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng môi trường sống, sức khỏe cho người dân, các sở, ban, ngành liên quan cần tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng, qua đó phân loại làng nghề theo tiêu chí, làng nghề nào gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần kiên quyết xử lý; những làng nghề gây ô nhiễm ít phải có lộ trình khắc phục cụ thể. Đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm xen kẽ trong khu dân cư từng bước di dời vào các khu, cụm công nghiệp... Đồng thời, bổ sung nguồn kinh phí, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong kiểm soát, xử lý môi trường, nhất là việc khuyến khích chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, các phương thức sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, các công nghệ xử lý chất thải phù hợp từng lĩnh vực sản xuất, giúp giảm thiểu chất thải, khí thải ra môi trường. Có như vậy, các làng nghề mới phát triển bền vững và môi trường sống của chính những người dân trong khu vực mới được bảo đảm.

Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/moi-truong/giai-phap-giam-thieu-o-nhiem-moi-truong-tai-cac-lang-nghe/121625.htm