Giải pháp giảm bệnh nhân chuyển tuyến

Những năm gần đây, ngành y tế Đồng Nai đã được đầu tư lớn cả về cơ sở vật chất kỹ thuật lẫn con người, thế nhưng, tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên điều trị ở các bệnh viện tuyến trên tại TPHCM lại không giảm.

Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, nhất là khi các bệnh viện tại chỗ có thể điều trị được đang là vấn đề đặt ra với ngành y tế tỉnh này.

Khi bệnh nhân chưa tin tưởng

Theo Sở Y tế Đồng Nai, trong năm 2018, bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phải đồng ý chuyển bệnh nhân lên điều trị ở tuyến trên hơn 450.000 ca bệnh điều trị nội trú và ngoại trú, trong đó có những ca bệnh không phức tạp, bệnh viện có thể điều trị được. Bệnh nhân xin chuyển tuyến gây thất thu khoảng 680 tỷ đồng.

Có thể thấy, nguyên nhân đầu tiên là do yếu tố chuyên môn, do tình trạng phân tuyến kỹ thuật, các loại bệnh phức tạp, ngoài khả năng điều trị của bệnh viện nên buộc phải đồng ý chuyển bệnh nhân lên tuyến trên; do thiếu những bác sĩ chuyên khoa sâu, cơ sở vật chất bệnh viện không đảm bảo; bên cạnh đó cũng có những lý do khách quan như bệnh nhân chủ động chuyển tuyến...

Thăm khám bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Long Khánh. Ảnh: TIẾN MINH

Thăm khám bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Long Khánh. Ảnh: TIẾN MINH

Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, ngoài những lý do chủ quan khiến cho bệnh nhân phải chuyển tuyến để điều trị, hiện nay các bệnh viện vẫn tồn tại tình trạng nhiều y bác sĩ không khéo léo trong giao tiếp với bệnh nhân, đôi khi việc giải thích không rõ ràng với bệnh nhân chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân chủ động chuyển lên tuyến trên điều trị dù bệnh tình không nghiêm trọng...

Lãnh đạo ngành y tế Đồng Nai cũng thừa nhận một bộ phận người bệnh có điều kiện về tài chính, muốn được chăm sóc ở bệnh viện lớn hơn với bác sĩ giỏi hơn, dù biết bệnh viện ở tỉnh vẫn chữa được và đó là một nhu cầu chính đáng.

Cập nhật kiến thức về bệnh viện cho y bác sĩ

Trước tình hình trên, Sở Y tế Đồng Nai đã yêu cầu tất cả bệnh viện trên địa bàn tỉnh phải thực hiện cập nhật kiến thức, hiểu biết về bệnh viện cho tất cả các y bác sĩ trong toàn hệ thống. Mở các lớp hướng dẫn, tập huấn tăng cường giao tiếp, giải thích cho bệnh nhân để hạn chế tối đa tình trạng chuyển viện dù bệnh tình không nghiêm trọng.

Thực tế có nhiều bác sĩ còn không biết các tiến bộ y khoa của bệnh viện mình hiện đã chữa trị được các loại bệnh nào; hay bác sĩ khoa này không biết các loại bệnh mà khoa khác của bệnh viện có thể chữa trị được nên khó tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân cặn kẽ để bệnh nhân yên tâm điều trị. Cách đây nhiều năm, bệnh nhân bị suy thận hay nhồi máu cơ tim phải chuyển tuyến thì giờ các bệnh viện lớn ở Đồng Nai đều điều trị được…
Tuy nhiên, Tiến sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho rằng vấn đề lớn nhất của ngành y tế Đồng Nai hiện chính là thiếu nhân lực. Những năm gần đây, nhiều bệnh viện tư nhân được đầu tư ở Đồng Nai giúp người bệnh có thêm lựa chọn, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhưng đi kèm đó là tình trạng bác sĩ bệnh viện công bỏ sang bệnh viện tư làm việc ngày càng nhiều, nhất là bác sĩ giỏi.

Việc thiếu hụt bác sĩ giỏi đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện công. Thêm vào đó, một bộ phận bác sĩ ở bệnh viện công có biểu hiện tự mãn, không chủ động nâng cao trình độ tay nghề nên chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người bệnh.

Để giải quyết tình trạng trên, theo người đứng đầu ngành y tế Đồng Nai, giải pháp chiến lược là tỉnh cần phải đào tạo nguồn nhân lực bổ sung theo hướng đào tạo bác sĩ tại chỗ với số lượng 50 - 70 người/năm mới đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho toàn ngành từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện đa khoa lớn.

Với số lượng lớn như vậy, không thể ngồi chờ các bác sĩ ra trường ở TPHCM mà tỉnh nên mở ngành y ở Trường Đại học Đồng Nai như một số trường khác đã làm. Mặt khác, với một tỉnh lớn về diện tích, đông dân số như Đồng Nai, Bộ Y tế cũng nên có kế hoạch đầu tư nâng cấp cả về trang thiết bị kỹ thuật lẫn con người để tỉnh có được bệnh viện tuyến cuối góp phần giảm chi phí đi lại, chi phí điều trị cho bệnh nhân địa phương cũng như một số tỉnh lân cận, giảm tải cho các bệnh viện ở TPHCM.

Trước mắt, Sở Y tế Đồng Nai đang phân loại chuyên sâu đối với từng bệnh viện đa khoa trong tỉnh để đầu tư hợp lý về tài chính và con người nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Sở cũng khuyến khích các bệnh viện mở thêm các phòng khám chuyên khoa (liên kết với bệnh viện tuyến trên ở TPHCM). Bác sĩ ở các bệnh viện lớn tại TPHCM về “cầm tay chỉ việc” điều trị cho bệnh nhân ngay tại chỗ, thay vì về TPHCM.

Một khi giảm bệnh nhân chuyển tuyến cũng là giúp các bệnh viện công có thêm nguồn thu, chăm lo tốt hơn cho thu nhập của y bác sĩ để họ yên tâm làm việc.

VĂN PHONG

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/suc-khoe/giai-phap-giam-benh-nhan-chuyen-tuyen-68063.html