Giải pháp - Đừng để vi hiến!

Một trong những giải pháp nhằm kiểm soát gia tăng dân số cơ học, giảm dân số trong khu vực nội đô Hà Nội từ 1,2 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân được đề xuất trong một cuộc hội thảo mới đây là không bán nhà cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội cho người ngoại tỉnh (không có hộ khẩu thường trú), mà chỉ được bán cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án hoặc phục vụ di dân phố cổ.

Khu vực nội đô Hà Nội (tính từ đường vành đai 2 trở vào khu trung tâm), mật độ dân số rất cao. Ảnh: P. Hiếu.

Tuy nhiên đề xuất này không nhận được sự đồng thuận, bởi nó đụng tới rất nhiều luật, quy định dưới luật đã được ban hành và đang có hiệu lực, trực tiếp nhất là Luật Cư trú, và những luật liên quan khác như Luật Thương mại, Bộ Luật Dân sự…

Chúng ta chưa thể quên tình trạng hàng chục năm về trước: Không có hộ khẩu thì không được mua nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM; ngược lại, nếu không có nhà ở các thành phố này thì sẽ không được nhập hộ khẩu vào... Với ý chí từ chính quyền cho đến sự đồng thuận của xã hội, nhưng chúng ta cũng phải mất hàng chục năm để thay đổi, cải tiến mới “cởi trói” được cho người dân những ràng buộc trên, cũng từ đó thị trường địa ốc, các thị trường hàng hóa khác mới phát triển theo đúng bản chất kinh tế thị trường. Và trên hết, một quốc gia thống nhất thì không thể duy trì sự “ngăn sông cấm chợ”.

Không chỉ Hà Nội, TPHCM của Việt Nam mà tại nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, tình trạng tập trung đông dân số cơ học vì kế sinh nhai đang trở thành bài toán nan giải của thời đại khi dẫn đến hệ quả chính là sự quá tải, từ hạ tầng giao thông đến các cơ sở cung cấp dịch vụ, gây ra ô nhiễm, kích thích giá nhà đất tăng nóng v.v… Đó là cái giá của sự phát triển mà để giải quyết nó cần có rất nhiều thời gian và giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp dài lâu và lý tưởng nhất chính là tạo ra các thành phố vệ tinh, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương thu hẹp dần khoảng cách với các thành phố lớn. Các giải pháp cần mềm mại và hợp hiến nhưng giúp điều tiết được thị trường và xã hội, chứ không thể chốt cứng bằng những lệnh cấm.

Về bản chất, những lệnh cấm như thế dù được mặt này nhưng lại mất ở mặt khác. Cái mất nhiều khi gây ra hệ lụy, thậm chí là hậu quả, còn lớn hơn cái được. Nhìn rộng ra, cần phải tỉnh táo với những đề xuất hay những lệnh cấm chỉ nhằm giải quyết một vấn đề cục bộ hay một tình thế nhưng lại ảnh hưởng tới lợi ích đại cục.

THẾ LÂM

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/giai-phap-dung-de-vi-hien-638682.ldo