Giải pháp để hoàn thành đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong 8 năm

Bộ GTVT và tư vấn thẩm tra đều nhận định việc hoàn thành xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong 8 năm là 'rất thách thức, khó khăn'…

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết dự án này không phân kỳ đầu tư như trước đây mà sẽ theo hình thức “cuốn chiếu”, đầu tư toàn tuyến để cơ bản hoàn thành vào năm 2035. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về lộ trình này, bởi thực tế nhiều dự án đường sắt đô thị đang liên tục đẩy lùi tiến độ vận hành.

Thời gian ngắn sẽ khó chuyển giao công nghệ

Theo Bộ GTVT, nếu được Quốc hội thông qua dự án vào kỳ họp này, trong năm 2025 và 2026, chủ đầu tư sẽ triển khai ngay các bước tiếp theo như lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế. Song song quá trình trên sẽ tiến hành triển khai giải phóng mặt bằng lựa chọn nhà thầu và phấn đấu khởi công dự án đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM vào năm 2028, cố gắng đưa vào khai thác đoạn này vào năm 2033.

Đối với đoạn Vinh - Nha Trang, Bộ GTVT dự kiến khởi công năm 2028, hoàn thành năm 2035.

 Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đối diện với nhiều thách thức. Ảnh minh họa: V.LONG

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đối diện với nhiều thách thức. Ảnh minh họa: V.LONG

Với phương án trên, dự án có thời gian chuẩn bị đầu tư và xây dựng mất 10 năm, rút ngắn 10 năm so với kết luận 49 của Bộ Chính trị là đưa dự án hoàn thành trong năm 2045.

Bộ GTVT cho rằng việc không phân kỳ đầu tư đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của dự án từ cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ, phương tiện; thuận lợi cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ cũng như vận hành khai thác và bảo trì bảo dưỡng sau khi dự án hoàn thành.

“Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là do chiều dài dự án lớn nên khối lượng khảo sát, lập dự án lớn, mất nhiều thời gian và phải đồng thời huy động nhiều máy móc thiết bị…”- Bộ GTVT nhận định.

Đánh giá đề xuất trên, tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam (do Hội đồng thẩm định Nhà nước thuê), nhận định dự án dự kiến triển khai thực hiện trong 10 năm (trong đó có hai năm chuẩn bị thực hiện và tám năm triển khai xây dựng, nghiệm thu và đưa vào vận hành, khai thác) là rất khó khăn, có nhiều rủi ro kéo dài thời gian, tiến độ thực hiện.

Thêm vào đó, tiến độ thực hiện trong 10 năm thì phần lớn thiết bị nhập trực tiếp từ nước ngoài, khó kịp thời gian thực hiện chuyển giao công nghệ và nội địa hóa.

Để có thể triển khai thành công cả dự án lớn trong vòng 8 năm xây dựng, tư vấn thẩm tra khuyến nghị trong giai đoạn đầu chờ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các quy trình thực hiện dự án, cần xây dựng thử nghiệm đoạn tuyến ngắn khoảng 50 km dự án Thủ Thiêm - Long Thành trong vòng hai năm.

Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng có thể để tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, thử nghiệm mô hình hệ thống thông tin, vận hành tuyến do Việt Nam tự chủ, hoàn thiện các quy trình trước khi triển khai xây dựng các đoạn tuyến lớn.

Ngoài ra, việc triển khai dự án trong thời gian ngắn cần tập trung mọi nguồn lực để đủ vốn bố trí theo kế hoạch đề ra. Mỗi năm bình quân cần bố trí cho dự án khoảng 5,6 tỉ USD tương đương 24,5% vốn đầu tư công trung hạn hàng năm bố trí trong giai đoạn 2021 - 2025.

Cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách đặc biệt để phân cấp, phân quyền đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, huy động nguồn lực đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu khảo sát thiết kế, thi công xây dựng, giám sát, nghiệm thu và đưa vào vận hành khai thác.

“Lo lắng nhất là mặt bằng”

Với các ý kiến trên, đại diện Bộ GTVT, thừa nhận để dự án hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 là “rất gấp, nhiều thách thức, khó khăn”. Vì vậy, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đơn vị đã đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện dự án.

Chẳng hạn như việc huy động nguồn nhân lực trong nước kết hợp với thuê tư vấn, nhà thầu nước ngoài tham gia thiết kế, thi công, quản lý, giám sát thực hiện dự án; sớm triển khai khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghiệp đường sắt. Song song đó, cho phép chủ đầu tư đặt hàng cho một số doanh nghiệp trong nước hoặc liên doanh trong nước và nước ngoài sản xuất phương tiện, thiết bị tại Việt Nam; tiếp tục kiện toàn Ban Quản lý dự án chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam chúng tôi đề xuất 19 cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 5 cơ chế thuộc thẩm quyền Chính phủ, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Nhóm một, phải đảm bảo tính khả thi đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ví dụ, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, chọn nhà thầu tốt, có tư vấn quốc tế tham gia, để huy động tri thức, kinh nghiệm quốc tế tham gia, bảo đảm thực hiện thành công.

Nhóm hai là các cơ chế chính sách bảo đảm huy động đủ nguồn lực, linh hoạt.

Nhóm ba là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đi đôi với kiểm tra giám sát.

Nhóm thứ tư là cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Phải có nhân lực làm chủ công tác vận hành khai thác, sửa chữa, bảo trì thiết bị, hệ thống kết cấu hạ tầng, ta không thể phụ thuộc suốt cả vòng đời dự án.

Nhóm thứ năm là phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy

Về việc xây dựng thí điểm tuyến ngắn Thủ Thiêm - Long Thành trong vòng hai năm, Bộ GTVT nhận thấy đây là bước đi mang tính thận trọng, nhưng nếu thực hiện sẽ khó đạt được mục tiêu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 như yêu cầu của Chính phủ.

 Lộ trình đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: V.LONG

Lộ trình đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: V.LONG

Ngoài ra, Bộ GTVT thấy rằng đây là dự án có quy mô đặc biệt lớn, công nghệ rất phức tạp, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ. Vì vậy, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ đã nhận diện, đánh giá các thách thức đối với dự án.

Cụ thể, từ các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM như Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên cho thấy nguyên nhân chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn dự án Cát Linh - Hà Đông dự kiến làm xong trong 6 năm, nhưng thực tế thời gian đầu tư là 14 năm. Việc chậm tiến độ các dự án dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án.

Dẫn chứng dự án đường dây 500kv mạch 3 và dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025) triển khai nhanh nhờ có mặt bằng, Bộ GTVT khẳng định để giải quyết vấn đề trên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ công tác mặt bằng cho đến nguồn lực.

“Trong đó, nguồn nhân lực hạn chế, chưa có kinh nghiệm nên sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền giao các cơ quan triển ngay công tác đào tạo nguồn nhân lực trong năm 2025 sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Đồng thời, quá trình thực hiện dự án cần huy động các nhà thầu tư vấn, xây lắp trong và ngoài nước tham gia.

Trong bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Bộ GTVT sẽ chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn tiếp tục phân tích, đánh giá chi tiết, kỹ lưỡng các điều kiện thực hiện đầu tư đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…”- Bộ GTVT lý giải thêm.

Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất của mình

Hội đồng thẩm định nhà nước lưu ý Bộ GTVT: Với tiến độ thực hiện trong 10 năm sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều rủi ro kéo dài thời gian, tiến độ thực hiện. Đồng thời với tiến độ thực hiện trong 10 năm thì phần lớn thiết bị nhập trực tiếp từ nước ngoài, khó kịp thời gian thực hiện chuyển giao công nghệ và nội địa hóa.

Vì vậy, tư vấn thẩm tra đề nghị xây dựng thử nghiệm đoạn tuyến ngắn để đánh giá thử nghiệm. Tuy nhiên Bộ GTVT cho rằng “nếu thực hiện sẽ khó đạt được mục tiêu hoàn thành tuyến vào năm 2035 như yêu cầu của Chính phủ”. Vì vậy Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất của mình…

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-phap-de-hoan-thanh-duong-sat-cao-toc-bac-nam-trong-8-nam-post817493.html